Tạm dừng triển khai nhiều dự án BOT

Lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định, Bộ sẽ rà soát lại tất cả các trạm thu phí BOT trên cả nước và đẩy số thu, lưu lượng xe lên cổng thông tin Chính phủ để nhân dân nắm được, tạm dừng triển khai các dự án BOT mới.

Tạm dừng triển khai nhiều dự án BOT - 1

Theo TS Nguyễn Đình Cung, không có quy định nào ngăn cấm người dân giám sát hoạt động thu phí. Ảnh: Trọng Đảng.

Với sự có mặt của hơn 10 khách mời là đại diện của một số bộ ngành, nhà đầu tư, doanh nghiệp và các hiệp hội vận tải, chiều qua báo Tiền Phong đã tổ chức buổi tọa đàm “Minh bạch - Hiệu quả BOT, cách nào?”. Tại buổi tọa đàm, lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định, Bộ sẽ rà soát lại tất cả các trạm thu phí BOT trên cả nước và đẩy số thu, lưu lượng xe lên cổng thông tin Chính phủ để nhân dân nắm được, tạm dừng triển khai các dự án BOT mới.

Trạm thu phí không hợp lý phải giải thể

Là người đầu tiên nêu ý kiến, TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho biết, ông đã đọc kỹ loạt bài “Nghịch lý các dự án BOT” đăng trên báo Tiền Phong. Với góc độ quản lý, ông cho rằng, Bộ GTVT nên đóng vai trò là nhà điều tiết, “trọng tài” chứ không đứng về phía nhà đầu tư. Cần phải triển khai dự án BOT theo hướng luôn “thúc” nhà đầu tư để họ làm tốt nhất, cung cấp dịch vụ tốt nhất, rẻ nhất cho người tiêu dùng.

Ở góc độ người sử dụng dịch vụ, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải, Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng - đơn vị đang có nhiều xe khách chạy tuyến Hải Phòng - Hà Nội cho rằng, BOT mang lại cho doanh nghiệp (DN) vận tải rất lớn. Nhưng DN vận tải đang gặp nhiều gánh nặng do phí BOT quá cao. “Trung bình 1 đầu xe khách của chúng tôi hiện đang mất 40 triệu đồng/tháng để trả phí BOT tại cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Nhân với cả năm là quá lớn. Khó khăn như vậy nhưng DN cũng không còn lựa chọn tuyến đường nào khác khi QL5 do ngân sách Nhà nước đầu tư cũng bị chuyển giao cho nhà đầu tư BOT”, ông Hải nêu thực tế.

Chia sẻ với DN, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Ô tô Việt Nam cho rằng, trạm thu phí số 1, số 2 QL5 không hợp lí phải giải tán. “Không thể để 25km hai trạm trạm thu phí được. Thậm chí, cung đường Hà Nội - Thái Bình 100km lại có tới 4 trạm thu phí. Tôi mong muốn và từng đề nghị rà soát lại các trạm thu phí. Phải có 1 tổ công tác của Chính phủ rà soát lại hết, nếu làm “bậy” thì dỡ bỏ, trị nhà đầu tư. Dự án nào thổi giá lên thì xử lý nghiêm để lấy lại niềm tin của nhân dân”, ông Thanh đề nghị.

Tạm dừng triển khai nhiều dự án BOT - 2

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường.

Người dân phải có quyền kiểm soát việc thu phí

Trước những ý kiến của đại biểu, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường thừa nhận: “Đúng là thời gian qua, BOT thu hút được nguồn lực xã hội lớn nhưng mức phí cao đã để lại nhiều tâm tư trong nhân dân”. Do vậy, cách đây 2 ngày Bộ GTVT đã có hội nghị tổng kết 5 năm đầu tư các dự án BOT để rà soát. Cùng với đó, ông Trường đưa ra định hướng, sắp tới quá trình đầu tư BOT sẽ thực hiện hình thức đấu thầu quốc tế và Nhà nước cũng tham gia với nhà đầu tư ít nhất từ 30- 40% tổng số vốn dự án. Khi đó việc vốn huy động xã hội ít, sẽ kéo ngắn thời gian thu phí trên đường.

“Vừa rồi Cty Thái Sơn tổ chức đếm xe là một hành động đúng, nhưng theo quy định là không đúng, hành động này phải được Bộ GTVT cho phép” 

Thứ trưởng Bộ GTVT
 Nguyễn Hồng Trường

Đề cập đến sự minh bạch, công khai dự án BOT mà các đại biểu có ý kiến, ông Trường cho rằng, các dự án BOT được đầu tư bằng hình thức thu phí của người dân. Và người dân hoàn toàn có quyền kiểm tra. Nhưng đối với quy định của pháp luật thì Bộ GTVT là cơ quan thay mặt Nhà nước để quản lý dự án đó. 

Cho ý kiến về nội dung này, TS Nguyễn Đình Cung chất vấn: “Thứ trưởng nói vậy, tại sao anh không sử dụng thông tin người dân phản ánh để điều chỉnh những bất cập tại các dự án BOT hiện nay. Vừa qua, dư luận rồi quần chúng nhân dân cung cấp thông tin thực tế về lưu lượng xe trên đường, sao Bộ GTVT từ chối tiếp nhận?”. 

Trả lời nội dung này, ông Trường cho rằng, hoạt động thu phí cũng tương tự như hoạt động người dân đóng thuế để đầu tư BOT. Đã là người dân thì không thể vào kiểm tra hoạt động của BOT được… Ông Trường dẫn chứng thêm, vừa rồi Cty Thái Sơn (Cổ đông của Tổng Cty Cienco1), tổ chức đếm xe là một hành động đúng, nhưng theo quy định là không đúng, hành động này phải được Bộ GTVT cho phép.

Ông Nguyễn Đình Cung: Tôi hỏi là quy định nào buộc người dân phải có sự cho phép của anh mới được làm việc đó?

Ông Nguyễn Hồng Trường: Cái đó theo quy định của pháp luật …

Ông Nguyễn Đình Cung (lắc đầu)…

Ông Nguyễn Hồng Trường nói tiếp: Bởi vì anh (người dân) muốn làm gì phải được sự cho phép của pháp luật. Làm sao có chuyện một tổ chức, cá nhân nhảy vào trạm thu phí để kiểm tra…

Góp ý kiến phản biện, GS-TS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và chính trị thế giới cho rằng, lập luận của Thứ trưởng đang mâu thuẫn. Theo ông, tuân theo pháp luật là đúng, nhưng pháp luật không cấm các tổ chức dân sự kiểm soát. Dân có quyền làm những điều pháp luật không cấm. Nhưng Bộ GTVT chỉ được làm những điều luật pháp quy định…

Tạm dừng triển khai nhiều dự án BOT - 3

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương - TS Nguyễn Đình Cung.

Tạm dừng nhiều dự án BOT

Trước hầu hết ý kiến của đại biểu và bạn đọc gửi về buổi tọa đàm mong các dự án BOT được công khai, minh bạch, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng, Bộ GTVT tham gia tọa đàm hết sức tiếp thu ý kiến người dân tham gia. Trách nhiệm của Bộ GTVT là phải làm rõ những vấn đề này.

“Tôi hỏi anh là quy định nào? Quy định nào buộc người dân phải có sự cho phép của anh mới được làm việc đó?” 

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương 
TS Nguyễn Đình Cung

Sau khi có các dự án đường BOT, Bộ GTVT đã tính bài toán tổng hợp thì thấy chi phí vận tải giảm rất nhiều. Với các trạm thu phí, đầu tư BOT, mặc dù theo quy định 70 km/trạm, nhưng đó chỉ là tương đối. Tuy nhiên để các dự án BOT nhận được sự đồng tình của người dân và hài hòa tất cả các bên, sau khi tổng kết 5 năm triển khai, Bộ GTVT đã đưa ra 2 kế hoạch để điều chỉnh. Thứ nhất, đánh giá lại các trạm thu phí hiện nay, nhất là cự ly, khoảng cách, mức phí…; với các trạm có tổng mức đầu tư cao sẽ kéo dài thời gian thu để có mức thu có thể chấp nhận được. Thứ 2, sẽ ghép trạm để giảm số lượng trạm thu phí trên đường.

Cùng với đó, trong khi chờ rà soát, tìm phương án triển khai hợp lý hơn, từ năm 2017 Bộ GTVT sẽ dừng triển khai các dự án BOT mới. Trường hợp làm thì phải có sự đồng thuận cao của xã hội. Với các dự án đầu tư đã có chủ trương mà chưa đầu tư cũng dừng lại. Với 15 dự án BOT đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, Bộ GTVT cũng dừng triển khai để rà soát.

Về công khai, minh bạch hoạt động của các dự án BOT, ông Trường khẳng định, tất cả các dự án BOT sẽ được rà soát, trong đó Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ cũng vào cuộc. Nếu phát hiện “có lợi ích nhóm”, “sai phạm” thì sẽ xử lý nghiêm. Với các dự án dư luận nhân dân đang có ý kiến, trong đó có dự án nâng cấp đường Pháp Vân- Cầu Giẽ, sau khi được thanh kiểm tra xong, Bộ GTVT sẽ đẩy thông tin về số thu, lưu lượng xe lên cổng thông tin điện tử Chính phủ để người dân nắm bắt được.       

Do thời gian có hạn nên nhiều ý kiến bạn đọc, đại biểu chuyển đến buổi tọa đàm chưa được đại diện Bộ GTVT, Tài chính tham dự trả lời hết. Tuy nhiên, sau buổi tọa đàm Tiền Phong sẽ tiếp tục chuyển những nội dung này đến hai cơ quan trên để có những trả lời, giải đáp thỏa đáng nhất. Tiền Phong trân trọng cảm ơn các vị khách mời, quý độc giả đã tham dự, gửi ý kiến tham gia để buổi tọa đàm thành công.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhóm PV thời sự (Tiền Phong )
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN