Tấm danh thiếp "kêu như chuông" của tỉ phú TQ
Danh thiếp của Trần Quang Tiêu ghi "Người có ảnh hưởng nhất", "Hình mẫu được yêu mến nhất", "Nhà từ thiện lôi cuốn nhất", "Anh hùng cứu trợ động đất"...
Các doanh nhân nước ngoài đến Trung Quốc làm ăn đều biết tầm quan trọng của tấm danh thiếp và các lễ nghi khi trao nhận danh thiếp ở đây. Tấm thiếp nhỏ hình vuông này phải được trao bằng hai tay để thể hiện sự kính trọng đối với người nhận, và người nhận cũng không được nhét nó ngay vào túi mà phải giữ khư khư đầy ngưỡng mộ trên tay mình.
Có lẽ bất cứ ai nhận được tấm danh thiếp của tỉ phú Trung Quốc Trần Quang Tiêu (Chen Guangbiao) cũng không thể không ngạc nhiên và ngưỡng mộ. Ngưỡng mộ không chỉ vì tỉ phú này vừa nuôi giấc mộng mua lại tờ New York Times nổi tiếng của Mỹ mà còn một loạt danh hiệu “kêu như chuông” được in chi chít trên danh thiếp của ông Tiêu.
Tấm danh thiếp chi chít danh xưng của Trần Quang Tiêu
Trên tấm danh thiếp chưa bằng bàn tay này, tỉ phú Tiêu đã liệt kê một loạt những danh hiệu “lừng lẫy” của mình như “Người có ảnh hưởng nhất Trung Quốc”, “Nhà lãnh đạo đạo đức của Trung Quốc” và “Hình mẫu nổi tiếng và được yêu mến nhất Trung Quốc”...
Tuy nhiên có vẻ như tất cả những danh hiệu này đã không giúp được ông Tiêu trong thương vụ thâu tóm tờ New York Times như ông mong muốn. Trước đó ông đã bày tỏ ý định bỏ ra khoảng 1 tỉ USD để mua một trong những tờ báo lớn nhất nước Mỹ này. Song mới đây ông Tiêu tiết lộ rằng ông đã nhận được cái lắc đầu đầy kiên quyết từ phía New York Times.
Điều gì khiến một tỉ phú Trung Quốc lại quan tâm đến tờ New York Times như vậy. Ông Tiêu thì cho rằng ông muốn mua tờ báo này để “thúc đẩy hòa bình thế giới” và “đưa tin về những việc mà người giàu có thể giúp đỡ người nghèo.
Ông Tiêu trở thành một nhân vật nổi tiếng ở Trung Quốc sau trận động đất kinh hoàng ở Tứ Xuyên năm 2008, khi ông này đóng góp rất nhiều xe ủi cho chiến dịch cứu hộ thiên tai của nhà nước. Thủ tướng Trung Quốc hồi đó là Ôn Gia Bảo đã mô tả ông Tiêu là “người đại diện cho lương tri” của các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc.
Tỉ phú Trần Quang Tiêu đi phát tiền cho người nghèo
Ông chủ của tập đoàn tái chế hàng đầu Trung Quốc này từng tiết lộ rằng ông sẽ noi gương tỉ phú Warren Buffett để đóng góp toàn bộ tài sản của mình để làm việc thiện trước khi qua đời.
Tuy nhiên, chính ông Tiêu hồi năm ngoái cũng tuyên bố rằng ông muốn dựa vào báo chí để “nâng cao hiểu biết” về Trung Quốc cho người Mỹ, và có vẻ như đây chính là động cơ để ông muốn thôn tính New York Times.
Năm 2012, tờ báo này đã đăng một bài điều tra đầy chấn động về khối tài sản bí mật trị giá 2,7 tỉ USD của cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Bài báo này không khác gì một cốc trà đắng nghét mà tờ báo này dành cho Bắc Kinh, và rất có thể thương vụ mua New York Times sẽ là một cú hích để ông Tiêu ghi điểm với chính quyền để được hưởng nhiều ưu đãi hơn trong công việc kinh doanh.
Ông Tiêu cũng không hề xa lạ gì với những hoạt động như thế này. Hồi năm ngoái, ông đã mua hẳn nửa trang quảng cáo trên tờ New York Times để quảng bá cho cái gọi là “chủ quyền” của Trung Quốc đối với nhóm đảo Senkaku trên biển Hoa Đông trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền giữa Bắc Kinh và Tokyo đang trong giai đoạn căng thẳng nhất.
Trần Quang Tiêu trong một chiến dịch từ thiện
Năm 2011, ông cũng đã từng có chuyến đi tới Đài Loan để phân phát tiền cho người nghèo và vận động hành lang cho việc xây dựng một cây cầu nối liền Đài Loan với đại lục. Những hành động từ thiện của “nhà nhân đức hào nhoáng” tự xưng này có vẻ như đều ít nhiều đem lại lợi ích cho nhà nước Trung Quốc.
Mặc dù hào nhoáng là vậy song “thực lực” của ông Tiêu cũng đang là một câu hỏi lớn trong tham vọng thôn tính tờ New York Times. Tuy được lọt vào danh sách 400 người giàu nhất Trung Quốc, song tổng tài sản ước tính của ông Tiêu chỉ vào khoảng 800 triệu USD, không thấm vào đâu so với khối tài sản 14,1 tỉ USD của người giàu nhất Trung Quốc Wang Jianlin hay 7,1 tỉ USD của người giàu thứ hai Jack Ma.
Mặc dù vậy, ông Tiêu vẫn tự hào xưng tụng mình trên danh thiếp là “Nhà từ thiện lôi cuốn nhất Trung Quốc”, “Anh hùng cứu trợ động đất Trung Quốc” và “Chuyên gia phá dỡ bảo vệ môi trường nhất Trung Quốc”.