Tài xế xe quá tải dọa giết thanh tra giao thông

Sự kiện: Thanh Hóa

Người dân và chính quyền địa phương cho hay xe quá tải đang công khai lộng hành, còn thanh tra giao thông lại nói mình đã quyết liệt nên mới bị dọa giết.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều văn bản chỉ đạo các ngành chức năng xử lý dứt điểm tình trạng xe chở quá tải trên địa bàn. Thế nhưng, xe quá tải vẫn vô tư hoành hành. Đặc biệt, tại nhiều tuyến đê trên địa bàn huyện Thiệu Hóa và Thọ Xuân, xe quá tải hoạt động ngày đêm khiến nhiều đoạn đê bị băm nát.

Lộng hành

Có mặt ở tuyến đê tả sông Chu, đoạn từ Km 6-K1+875 thuộc các xã Thọ Lập, Xuân Tín, Phú Yên và Xuân Lai (huyện Thọ Xuân) trong những ngày cuối năm 2016, hình ảnh xe quá tải thi nhau “cày” đập vào mắt chúng tôi. Dù tuyến đê có biển báo tải trọng không quá 12 tấn nhưng nhiều xe tải trọng hàng chục tấn chở cả “núi” cát chạy ầm ầm trên đê. “Trước đây, họ chỉ dám chạy ban đêm nhưng gần đây, xe chở cát quá tải gần như công khai chạy suốt ngày khiến bà con chẳng ai dám đi lên đê. Đường đê nhiều đoạn vừa được đổ bê-tông đã vỡ nát” - một người dân xã Xuân Lai bức xúc. Hậu quả là hiện tại trên đoạn đê này, mặt đê bị băm nát, lún gãy khắp nơi.

Tài xế xe quá tải dọa giết thanh tra giao thông - 1

Xe tải hàng chục tấn chạy trên đê có tải trọng không quá 12 tấn (đoạn qua xã Xuân Thành, huyện Thọ Xuân)

Tài xế xe quá tải dọa giết thanh tra giao thông - 2

Dọc sông Chu, nhiều nơi tuyến đường đê bị hư hỏng, gãy nát như thế này

Tuyến đê phía bờ hữu sông Chu cũng rơi vào thảm cảnh tương tự. Trên tuyến đê này, đoạn qua một số xã Hạnh Phúc, Xuân Thành, Thọ Nguyên (huyện Thọ Xuân) và các xã Thiệu Vũ, Thiệu Phúc, Thiệu Toán (huyện Thiệu Hóa) đang bị xe quá tải cày nát. Ở đoạn qua các xã Xuân Thành, Hạnh Phúc, nhìn mặt đê mà chẳng khác mặt ruộng với bê-tông bị vỡ nát. Ở xã Thiệu Vũ, do quá bức xúc, người dân đã mang nhiều khối bê-tông lớn ra đặt trên mặt đê để ngăn xe chở cát. “Tuyến đường đê này được đổ bê-tông cách đây mấy năm để bà con đi lại thuận tiện. Thế nhưng, giờ xe chở cát đã phá nát nên chẳng ai đi. Tuyến xe buýt qua đây cũng dừng hoạt động vì đường xấu, bụi mù mịt” - người dân xã Xuân Thành phản ánh.

Dọc hai bên tuyến đê tả, hữu sông Chu được ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa cho dựng hàng loạt khung ngăn tải trọng, trên mỗi khung ngăn tải trọng đều ghi rõ kích thước và tải trọng xe được lưu thông. Nhưng điều lạ là hầu hết đều không có tác dụng khi kích thước chiều cao bị thay đổi, thậm chí có nhiều khung ngăn tải trọng chỉ có 2 cọc bê-tông được dựng lên cho có.

Trước tình trạng trên, Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa đã có công văn gửi chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân yêu cầu cấm xe cơ giới đi trên các đoạn đê qua các xã trên, đồng thời kiên quyết giải tỏa bãi tập kết cát trái phép ngoài bãi sông Chu (Km 6+300), xử lý nghiêm các xe chở quá tải trọng cho phép đi trên đê, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ khung khống chế tải trọng xe.

Tinh vi và liều lĩnh (!?)

Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân, ông Lê Huy Hoàng, cho rằng ngay sau khi nhận được phản ánh về tình trạng xe quá tải phá đường ở phía tả sông Chu, huyện đã cho lực lượng chức năng xuống ngăn chặn, xử lý ngay. “Tại một số xã có thay đổi, nâng khung ngăn tải trọng là do các địa phương đang vào vụ thu hoạch mía nên họ đề nghị cho nâng khung ngăn cho xe chở mía vào nên có một số xe lợi dụng việc này” (?) - ông Hoàng nói.

Trong khi đó, ông Lê Hiếu Long, Chủ tịch UBND xã Xuân Lai (huyện Thọ Xuân), lại thừa nhận xe quá tải vẫn đi lại trên đê khiến người dân bức xúc nhưng xã không có thẩm quyền xử lý. “Xe chở cát họ rất liều lĩnh, đã nhiều lần cố tình phá hỏng khung ngăn tải trọng. Ngay cái khung trước cổng UBND xã cũng đã hỏng tới 4, 5 lần” - ông Long khẳng định.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trịnh Ngọc Minh, Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải (TTGT) tỉnh Thanh Hóa, cho biết có nhận được phản ánh trên tuyến đê sông Chu tái diễn tình trạng xe quá tải. “Chúng tôi đã cho lực lượng tăng cường lên trên đó cả tuần nhưng chỉ xử lý được 1 trường hợp” - ông Minh thông tin.

Lý do cả tuần chỉ xử lý 1 trường hợp vi phạm được ông Minh giải thích là do cánh lái xe giờ rất tinh vi. Nào là họ thường xuyên cho người theo dõi động tĩnh của TTGT. Nào là cứ TTGT đi đến đâu là ở đó không thấy bóng dáng chiếc xe nào cả… “Hôm bắt chiếc xe trên Thọ Xuân, tôi phải đi xe riêng mật phục mãi mới bắt được 1 xe. Sau hôm đó, lực lượng tuần tra cả tuần mà chẳng thấy xe nào cả. Chúng tôi vẫn biết có tình trạng xe chở cát quá tải, người dân phản ánh là đúng” - ông Minh nói.

Cũng theo ông Minh, TTGT rất quyết liệt nhưng do số tiền xử phạt rất lớn nên tài xế xe quá tải luôn tìm cách chống đối, thậm chí còn đe dọa cả anh em đi làm nhiệm vụ. “Có cán bộ của tôi bị nhắn tin dọa giết, khủng bố, ném cả chất bẩn vào nhà. Thậm chí, chúng còn đọc rõ tên tuổi bố mẹ, vợ con làm gì, học trường nào để khủng bố tinh thần nên nhiều anh em khi đi làm vẫn chưa quyết liệt” - ông Minh nói.

Sở NN-PTNT lên tiếng

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Thanh Hóa, hiện địa phương có trên 1.000 km đê, trong đó có 315 km đê cấp 1 đến cấp 3 (đê trung ương). Đến nay, hầu hết các tuyến đê trung ương tại địa phương này đã cơ bản được bê-tông hóa mặt đê nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, công tác hộ đê và phòng chống lụt bão khi có sự cố thiên tai.

Tuy nhiên, trái ngược với giải thích của huyện Thọ Xuân, sở này khẳng định để ngăn chặn tình trạng xe quá tải, khoảng 3 năm nay, các tuyến đê đã được các huyện và sở này lắp đặt gần 100 khung ngăn tải trọng nhưng xe quá tải vẫn lộng hành. Thậm chí, nhiều đoạn đê, khung tải trọng đã bị xe quá tải cố tình đâm gãy đổ hoặc nhà xe cố tình nâng chiều cao lên để xe quá tải đi lọt qua.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Tuấn (Người lao động)
Thanh Hóa Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN