Tài xế taxi nhảy cầu sau tai nạn liên hoàn giờ ra sao?

Hiện tài xế Đặng Ngọc Cường (SN 1975, người lái taxi gây tai nạn liên hoàn trên cầu vượt Thái Hà - Chùa Bộc (Hà Nội) vào những ngày đầu tháng 11/2015) vẫn trong tình trạng hôn mê sâu, đang được điều trị và theo dõi tại Khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương).

Tài xế taxi nhảy cầu sau tai nạn liên hoàn giờ ra sao? - 1

Hiện tài xế taxi gây tai nạn liên hoàn trên cầu vượt Thái Hà - Chùa Bộc vẫn hôn mê. Ảnh: X.Thắng

Tài xế vẫn hôn mê

Gần một tháng kể từ ngày xảy ra vụ tai nạn giao thông kinh hoàng trên cầu vượt Thái Hà - Chùa Bộc là từng đó thời gian gia đình, người thân của tài xế Đặng Ngọc Cường ăn ngủ tại bệnh viện. Số tiền để giành giật lại sự sống cho anh thì mỗi ngày một nhiều, vượt quá sức đối với mức thu nhập ít ỏi của gia đình. Trong khi đó, tài xế này vẫn hôn mê.

Trao đổi với PV Báo GĐ&XH tại Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, chị Đặng Thị Hường (SN 1977, em gái anh Cường) nghẹn ngào: Vụ tai nạn trên quả thực là một cú sốc quá lớn đối với gia đình. Hoàn cảnh kinh tế gia đình không mấy khá giả. Là con thứ hai trong nhà nên từ nhỏ anh Cường đã phải chịu nhiều vất vả. Sau khi lập gia đình cùng chị Nguyễn Thị Thu Thúy (SN 1983, trú tại phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), do không có điều kiện mua nhà riêng nên anh Cường đành ở rể. Mặc dù kinh tế khó khăn, nhưng vợ chồng anh Cường rất mực yêu thương nhau. Hạnh phúc của cặp vợ chồng nghèo càng thắm thiết hơn khi 2 đứa con nhỏ lần lượt chào đời. Hiện cô con gái lớn đã học lớp 3, trong khi đó cậu con trai nhỏ mới vừa tròn 14 tháng tuổi.

Với mong muốn tăng thêm thu nhập để có điều kiện chăm sóc con cái tốt hơn, anh Cường xin làm lái xe taxi. Về phía gia đình anh Cường, cách đây 3 năm, sau một cơn bạo bệnh người cha đột ngột qua đời. Người mẹ già năm nay đã 70 tuổi đang ở một mình tại căn nhà ở quận Hà Đông (TP Hà Nội). Mỗi dịp cuối tuần, anh Cường đều đưa cả gia đình qua nhà thăm mẹ.

Theo lời khai của chị Thúy tại Công an quận Đống Đa, chiều 8/11, anh Cường đưa gia đình về thăm mẹ đẻ. Khoảng 16h cùng ngày, anh Cường có đi uống rượu cùng bạn ở Đại lộ Thăng Long. Tàn cuộc nhậu, anh Cường tiếp tục đưa vợ con qua nhà một người quen để chơi. Sau khi ra về thì xảy ra va chạm với xe bán tải rồi gây nên vụ tai nạn liên hoàn trên cầu vượt Thái Hà - Chùa Bộc. Vụ tai nạn đã khiến 1 người tử vong và nhiều người khác bị thương. Trong tâm trạng hoảng loạn, anh Cường lao ra khỏi xe rồi nhảy từ trên cầu vượt xuống đường.

Được biết, từ ngày anh Cường nhập viện điều trị, số tiền mà gia đình bỏ ra tương đối lớn (15 ngày điều trị tại Bệnh viện ĐH Y Hà Nội hết hơn 100 triệu đồng. Trong khi đó, số tiền điều trị tại Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương vẫn chưa tính được). Việc trông nom, chăm sóc anh Cường do người em gái và chị Thúy thay phiên nhau. Chị Thúy ngày đi làm để kiếm tiền trang trải nợ nần, tối về lại vào viện trông nom chồng. Hai đứa con nhỏ, chị Thúy đành phải nhờ hết ông bà ngoại chăm sóc giúp.

Ai sẽ bồi thường cho các nạn nhân?

Về vấn đề này, trao đổi với PV, luật sư Lê Văn Khương (Đoàn Luật sư TPHCM) cho hay: Trước hết phải khẳng định rằng, vụ tai nạn trên gây nên hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, có người chết và nhiều người bị thương, tài sản thiệt hại nặng nề. Trong trường hợp này, sẽ áp dụng các quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Nguyên tắc bồi thường đó là phải được bồi thường toàn bộ. Tuy nhiên, cần phải xác định thiệt hại đã xảy ra là bao nhiêu để buộc người gây thiệt hại phải bồi thường tương xứng.

Về vấn đề ai sẽ chịu trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân trong vụ tai nạn trên, luật sư Lê Văn Khương cho rằng, khi cơ quan công an xác định phương tiện gây tai nạn là chiếc taxi do anh Cường điều khiển thì việc quan trọng là phải xem xét lại hợp đồng kí kết giữa hãng taxi và tài xế cụ thể thế nào để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân.

Nếu trong hợp đồng có nội dung chiếc xe taxi thuộc sở hữu của người tài xế và hãng taxi đồng ý cho tài xế sử dụng thương hiệu để đón chở khách thì khi gây tai nạn, tài xế phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (trừ khả năng hãng taxi và anh Cường có thỏa thuận khác).

Trường hợp khác, chiếc taxi gây tai nạn thuộc quyền sở hữu của hãng taxi, còn tài xế chỉ là người được hãng taxi thuê lái xe và trả tiền công thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ thuộc về hãng taxi. Sau đó, hãng taxi có quyền yêu cầu tài xế gây ra tai nạn hoàn trả lại số tiền hãng đã bỏ ra để bồi thường cho các nạn nhân.

Thời hạn hưởng bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm: Trong trường hợp người bị thiệt hại mất hoàn toàn khả năng lao động thì người bị thiệt hại được hưởng bồi thường cho đến khi chết; Trong trường hợp người bị thiệt hại chết thì những người mà người này có nghĩa vụ cấp dưỡng khi còn sống được hưởng tiền cấp dưỡng trong thời hạn sau đây: a) Người chưa thành niên hoặc người đã thành thai là con của người chết và còn sống sau khi sinh ra được hưởng tiền cấp dưỡng cho đến khi đủ mười tám tuổi, trừ trường hợp người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi đã tham gia lao động và có thu nhập đủ nuôi sống bản thân; b) Người đã thành niên nhưng không có khả năng lao động được hưởng tiền cấp dưỡng cho đến khi chết.

Chiều 1/12, trao đổi với PV Báo GĐ&XH, BS Bùi Văn Khích - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương) cho hay: Bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân Đặng Ngọc Cường vào chiều 23/11. Hiện bệnh nhân này vẫn trong tình trạng hôn mê sâu, không có ý thức. Việc ăn uống, tiểu tiện đều sử dụng bằng đường ống. Có một điểm đáng mừng là bệnh nhân đã không còn phải thở bằng bình ôxy và vấn đề viêm phổi của bệnh nhân trong 2 ngày tới sẽ được kiểm soát.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Thắng ([Tên nguồn])
Tài xế taxi nhảy cầu sau tai nạn liên hoàn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN