Tài xế lao xe vào nạn nhân sau va chạm giao thông có phạm tội giết người?

Sự kiện: Tin ngắn

Gần đây đã xảy ra một số vụ việc người điều khiển phương tiện sau khi gây tai nạn đã tiếp tục lái xe đâm vào nạn nhân. Nhiều người đặt câu hỏi, theo quy định hiện hành lái xe có bị xử lý về hành vi giết người?

Tối 23-11, xe ô tô 5 chỗ di chuyển tới khu vực ngã tư đường Hùng Vương - Huỳnh Minh Thạnh (huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), thì xảy ra va chạm với xe máy chở 2 thanh niên khiến 2 người xe máy văng xuống đường, một người rơi trước đầu ô tô.

Sau vụ va chạm, chiếc xe ô tô dừng lại vài giây thì bất ngờ tăng ga lao về phía trước, bánh xe cán qua người nạn nhân khiến 2 người bị thương nặng. Kết quả kiểm tra cho thấy, lái xe ô tô vi phạm nồng độ cồn, chạy tốc độ cao và không bật đèn khi tới giao lộ. Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.

Hiện trường vụ tai nạn tại ngã tư đường Hùng Vương - Huỳnh Minh Thạnh

Hiện trường vụ tai nạn tại ngã tư đường Hùng Vương - Huỳnh Minh Thạnh

Đáng buồn, sự việc trên không phải hi hữu. Thời gian qua đã xảy ra khá nhiều vụ va chạm giao thông, nhưng người điều khiển xe ô tô gây tai nạn không những không dừng xe để cứu giúp nạn nhân mà còn có tiếp tục điều khiển xe cán qua người họ, gây phẫn nộ trong dư luận.

Phân tích hành vi trên dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, để xử lý đúng người đúng tội, cơ quan công an sẽ làm rõ ý chí chủ quan của tài xế ở thời điểm đạp ga, động cơ, mục đích thực hiện, hậu quả do hành vi này để lại...

Nếu có căn cứ cho rằng, sau vụ va chạm, lái xe cố tình lao xe vào nạn nhân với mong muốn khiến người này tử vong thì có thể bị xử lý về tội giết người.

Theo Điều 123 BLHS 2015, người nào giết người thuộc một trong các trường hợp thực hiện tội phạm một cách man rợ; Có tính chất côn đồ… thì bị phạt tù từ 12-20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Phạm tội không thuộc các trường hợp này thì bị phạt tù từ 7-15 năm.

Sau va chạm, việc lao xe vào nạn nhân đã nằm dưới đường có thể khiến họ mất mạng. Người có đầy đủ nhận thức phải ý thức được hậu quả nghiêm trọng mà hành vi này có thể gây ra.

Trường hợp nạn nhân may mắn thoát chết thì hành vi này thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt theo Điều 15 BLHS 2015. Theo đó, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá 3/4 mức phạt tù.

Ngoài ra, với việc vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện, người này còn bị xử phạt hành chính.

Cũng theo Luật sư Hồng Vân, trường hợp chứng minh được lái xe không chủ đích lao xe vào nạn nhân mà chỉ đạp nhầm chân ga do mất kiểm soát hoặc tăng ga nhằm bỏ chạy thì tùy thuộc vào mức độ thương tật của nạn nhân, người này có thể bị xử lý về tội Vô ý gây thương tích (Điều 138) hoặc Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ (Điều 260).

Điều 138 quy định, nếu thương tật của nạn nhân từ 31% trở lên, người phạm tội có thể đối diện khung hình phạt cao nhất là 2 năm tù.

Còn theo Điều 260, nếu người điều khiển xe ô tô vi phạm quy định về an toàn giao thông gây thương tích cho một người từ 61% trở lên, thuộc trường hợp phạm tội khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn, mức phạt sẽ là 3-10 năm tù.

Nếu mức độ thương tật của nạn nhân chưa đủ cơ sở để xử lý hình sự, lái xe phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về sức khoẻ, tài sản cho nạn nhân.

Nguồn: [Link nguồn]

Người bỏ rơi bé gái sơ sinh trong rừng có bị xử hình sự không?

Theo chuyên gia, nếu Cơ quan điều tra xác định vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì cần làm rõ ai là người đã vứt bỏ bé gái sơ sinh, từ đó sẽ định được tội danh chính...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo H.L ([Tên nguồn])
Tin ngắn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN