Tài xế cố tình 'giấu' GPLX để tránh bị trừ điểm có nguy cơ đối diện tình huống pháp lý nào?
Tài xế vi phạm giao thông cố tình không xuất trình giấy phép lái xe (GPLX) hoặc nói dối không có GPLX nhằm tránh bị tước "bằng" có thời hạn hay trừ điểm thì lực lượng CSGT sẽ xác minh và xử lý nghiêm. Ngoài lỗi vi phạm ban đầu, tài xế còn phải chịu trách nhiệm với các tình huống pháp lý liên quan.
Tài xế vi phạm giao thông bị CSGT lập biên bản.
Thời gian gần đây, có một số ý kiến 'kháo nhau' rằng, khi bị lực lượng CSGT phát hiện vi phạm nồng độ cồn, tài xế có thể chọn cách khai “không có GPLX” để tránh việc bị trừ điểm hoặc tước quyền sử dụng GPLX có thời hạn.
Họ cho rằng, với lỗi vi phạm trên sẽ sẵn sàng nộp phạt lỗi không có GPLX hoặc chịu phạt thay chủ phương tiện với lỗi giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển. Mục đích của việc "không xuất trình GPLX" nhằm sau khi đã chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, người vi phạm vẫn có thể sử dụng giấy phép lái xe để điều khiển phương tiện thay vì tốn thời gian thi lại GPLX nếu bị trừ hết điểm.
Bên cạnh đó, hiện nay cũng có một số trường hợp chưa cập nhật thông tin về GPLX trên ứng dụng VneID, hoặc GPLX sử dụng CMND 9 số trước đây (chưa cập nhật 12 số) thì gặp lỗi không xác thực được do không tìm thấy thông tin GPLX.
Liên quan đến vấn đề này, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, đối với các trường hợp trên, lực lượng chức năng sẽ dùng các biện pháp nghiệp vụ để xác minh hành vi khai báo gian dối...
Hiện nay, Cục Cảnh sát giao thông và Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng như lực lượng cảnh sát giao thông và ngành giao thông các tỉnh, thành đã có sự chia sẻ dữ liệu về giấy phép lái xe để thống nhất việc quản lý và xử lý vi phạm tại Nghị định 168/2024/NĐ-CP. |
Bên cạnh đó, khi tài xế vi phạm mà không xuất trình được GPLX thì ngoài lỗi vi phạm ban đầu lực lượng CSGT sẽ lập biên bản vi phạm hành chính với lỗi điều khiển phương tiện không có GPLX.
"Chủ phương tiện trong trường hợp này cũng bị xử phạt về hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển theo khoản 1 Điều 56 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ" - Phòng CSGT Công an TP Hà Nội thông tin.
Khi lực lượng chức năng tiến hành xác minh, nếu quá thời hạn quy định (thời hạn hẹn, thường là 7 ngày làm việc) mà người vi phạm không xuất trình được GPLX, họ sẽ bị xử phạt hành vi không có GPLX.
Trong trường hợp người vi phạm không mang theo GPLX (bản vật lý hoặc bản tích hợp trên tài khoản định danh điện tử), nếu xuất trình trong thời gian quy định, mức xử phạt sẽ là lỗi “không mang theo GPLX” và bị trừ điểm hoặc tước quyền sử dụng GPLX có thời hạn kể từ thời điểm xuất trình GPLX.
Theo Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định mức xử phạt đối với các hành vi điều khiển xe máy và phương tiện tương tự xe máy không mang theo GPLX từ 200 - 300 nghìn đồng; người điều khiển ô tô và phương tiện tương tự xe ô tô kinh doanh vận tải không mang GPLX bị phạt hành chính từ 300 - 400 nghìn đồng.
Mức phạt đối với người điều khiển xe máy có dung tích xi-lanh đến 125 cm3 hoặc công suất động cơ điện đến 11 kW không có GPLX từ 2 - 4 triệu đồng; người điều khiển xe máy có dung tích xi-lanh trên 125 cm3 hoặc công suất động cơ điện trên 11 kw, xe ba bánh không có GPLX từ 6 - 8 triệu đồng; người điều khiển ô tô và phương tiện tương tự xe ô tô không có GPLX 18 - 20 triệu đồng.
'Không phải là giải pháp'
Phòng CSGT Công an TP Hà Nội khuyến cáo, việc cố tình không xuất trình GPLX để tránh bị trừ điểm hoặc tước có thời hạn không phải là "giải pháp". Người vi phạm vẫn sẽ bị xử phạt và phải chịu những hậu quả pháp lý đi kèm.
Theo thống kê, từ ngày 1/1 - 4/2 lực lượng CSGT toàn TP Hà Nội xử lý 19.892 trường hợp vi phạm, tạm giữ 6.322 trường hợp, tước 756 GPLX, trừ điểm 2.239 GPLX. So sánh với tháng liền kề trước đó khi chưa áp dụng Nghị định 168/2024/NĐ-CP, tổng xử lý 34.657 trường hợp, giảm 14.765 trường hợp vi phạm, tương ứng với 42,6%.
Trong đó 4.997 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; 1.441 trường hợp vi phạm tốc độ; 738 trường hợp quá tải, dừng đỗ 2.786 trường hợp, không đội mũ bảo hiểm 6.015 trường hợp. Số trường hợp không có GPLX 1.309.
Đối với cá nhân sử dụng các giấy tờ, tài liệu không đúng sự thật để được học, kiểm tra, sát hạch cấp mới, cấp lại giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng. Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thu hồi giấy tờ, tài liệu giả mạo. |
Nghị định 168 đã quy định cụ thể về trình tự, thủ tục tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, chứng chỉ hành nghề có thời hạn về trật tự, an toàn giao...
Nguồn: [Link nguồn]
-06/02/2025 10:15 AM (GMT+7)