Tại sao Vĩnh Phúc xây Văn Miếu hàng trăm tỷ?
Dư luận đang quan tâm đến sự việc tỉnh Vĩnh Phúc bỏ ra gần 300 tỷ đồng xây dựng Văn Miếu thờ Khổng tử. Nhiều ý kiến cho rằng trong lúc ngân sách nhà nước đang khó khăn, việc chi số tiền khổng lồ như vậy là lãng phí.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Anh Tuấn – Người phát ngôn của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh phúc cho hay, Văn Mếu Vĩnh Phúc được khởi công xây dựng năm 2010 tại thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc với tổng chi phí 270 tỷ đồng.
Công trình được đầu tư xây dựng nhằm khôi phục lại Văn miếu tỉnh trên cơ sở kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử Văn miếu xưa của phủ Tam Đới đã từng tồn tại cách đây khoảng 300 năm.
Văn miếu này ghi danh 393 vị khoa bảng của tỉnh Vĩnh Phúc trải qua các thời kỳ từ thời Lý đến thời Nguyễn.
Văn Miếu Vĩnh Phúc được khởi công xây dựng ngày 1 tháng 8 năm 2010 tại khu gò Cháo, phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc với tổng diện tích quy hoạch là 42.410m2.
“Do vậy năm 2010, tỉnh quyết định đầu tư xây dựng Văn Miếu trên cơ sở khôi phục lại Văn miếu Tam Đới xưa”, đại diện Sở cho hay.
Công trình mang ý nghĩa bảo tồn, phát huy và tôn vinh truyền thống “tôn sư trọng đạo” và kính trọng hiền tài của quốc gia nói chung và của tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng.
Ông Tuấn cũng cho biết, thời điểm hiện tại, Văn miếu Vĩnh Phúc chưa quyết định thờ Khổng Tử hay không. Bởi Sở còn phải chờ hội thảo xin ý kiến các nhà khoa học.
Giải thích lý do xây dựng công trình lớn với kinh phí 270 tỷ đồng, đại diện Trung tâm Văn hóa khoa học Văn Miếu Vĩnh Phúc cho rằng, Văn Miếu cũng là nơi tổ chức các hoạt động giáo dục văn hóa như tuyên dương học sinh giỏi, tổ chức lễ báo công, tham quan du lịch... cho nên hệ thống sân vườn được xây dựng quy mô, thoáng đãng.
Trong tương lai, đây sẽ trở thành địa chỉ đỏ để du khách chiêm ngưỡng, thắp nén nhang xin cho gia đình mạnh khỏe, con cháu học hành đỗ đạt, thành tài.
Cổng ngoài Văn Miếu Vĩnh Phúc là 4 trụ biểu dựng bằng đá khối: Hai trụ giữa cao, phía trên đắp nổi 4 con chim phượng xòe cánh, đuôi chắp vào nhau, đầu hướng ra phía ngoài; hai trụ biên thấp hơn, trên đắp nổi hình nghê chầu vào.
Từ tứ trụ, qua cầu đá là vào đến Văn Miếu môn, gồm 1 cổng chính và 2 cổng phụ. Theo quan niệm xưa, cổng chính chỉ được mở khi có các bậc vua quan đến thăm Văn Miếu và tế lễ Khổng Tử, còn học trò và dân thường muốn ra vào Văn Miếu phải đi hai cổng bên.
Giữa cổng tứ trụ và Văn Miếu môn là 3 cầu đá bắc qua kênh nước nhân tạo
Đôi rồng đá chầu trước Văn Miếu môn
Qua Văn Miếu môn là Hồ Thiên quang hình vuông.
Đối xứng hai bên Hồ Thiên quang là hai dãy nhà bia Tiến sĩ. gồm 9 gian làm bằng bê tông cốt thép, mái gỗ, lợp ngói mũi hài, không có tường bao. Là nơi đặt 18 tấm bia phục chế trên lưng rùa, được phân bố đối xứng nhau mỗi bên có 9 bia, khắc tên 91 vị đỗ Đại khoa của tỉnh Vĩnh Phúc từ thời Lý đến thời Nguyễn.
Đại Thành môn là cổng ngăn cách giữa Hồ Thiên quang và sân hành lễ. Qua Đại Thành môn là vào đến khu nội tự của Văn Miếu, nơi đây được ngăn cách với không gian bên ngoài bởi hệ thống tường bao xây bằng đá khối lấy từ Thanh Hóa.
Cổng Đại Thành môn làm bằng gỗ lim khối lớn trạm long phụng tinh xảo
4 cổng nhỏ bên cạnh Đại Thành môn được làm bằng đá khối ghép
Khu vực sân hành lễ là nơi tổ chức các sự kiện, có diện tích 2.912m2 , sức chứa khoảng 3.000 người, lát toan bộ bằng đá xanh
Khu nhà Tiền đường với quy mô 5 gian 2 dĩ, kết cấu gỗ lim, mái cong lợp ngói mũi hài, sơn son thếp vàng. Tiền đường là nơi làm lễ trước khi vào hậu cung và cũng là nơi giới thiệu, tôn vinh các danh nhân đương đại của tỉnh Vĩnh Phúc từ năm 1945 đến nay.
Theo sơ đồ bố trí không gian thờ cúng, dự kiến gian giữa nhà thờ chính sẽ thờ Khổng Tử
Khu Tiền đường và Hậu cung nối với nhau bằng cầu thang đá
Song song với tòa Tiền đường là tòa Hậu cung, gồm 2 tầng.
Cầu thang nối Tiền đường với Hậu cung
Bên trong Hậu cung được sơn son thếp vàng lộng lẫy
Văn Miếu Vĩnh Phúc cũng có hai nhà gác chuông và gác trống có kích thước và quy cách kiến trúc như nhau, đối xứng qua trục thần đạo và có cùng trục dọc với nhà tả vu, hữu vu.