Tại sao thu tiền cách ly người về từ Hà Nội, TP.HCM?

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Chính phủ đã có nghị quyết quy định về mức tiền hỗ trợ ăn, ở, chăm sóc y tế cho người phải cách ly y tế vì dịch Covid-19.

Những ngày qua nổi lên thông tin TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam thu tiền ăn, ở, khám, theo dõi bệnh… đối với người nghi nhiễm dịch Covid-19 đến từ Hà Nội, TP.HCM khi được cách ly tập trung. Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với lãnh đạo hai địa phương này về khoản thu tiền được tạm gọi là… phí trên.

Đà Nẵng: “Tạm thời ra văn bản như vậy”

Chiều 5-4, ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho rằng dư luận về việc Đà Nẵng sẽ thu phí đối với công dân được cách ly tập trung (kể cả công dân Đà Nẵng) về từ Hà Nội, TP.HCM từ ngày 5-4 là chưa chính xác.

Theo ông Chinh, Công văn 66 của UBND TP Đà Nẵng chỉ nói chung chung. “TP có thể giải quyết cho công dân cách ly ở khách sạn nếu thu xếp được” - ông Chinh nói. Điều này có nghĩa công dân có quyền đề đạt nguyện vọng cách ly ở khách sạn, trả tiền ở cho khách sạn. Nhưng thực tế nhiều khách sạn tại Đà Nẵng đang tình nguyện cho TP mượn để tổ chức cách ly, người cách ly được miễn tiền phòng ở.

Ông Chinh cho hay Đà Nẵng vẫn đang tập trung cho công dân cách ly tại các khu quân đội và ký túc xá sinh viên. Đây đều là những nơi không thu tiền ở. “Đà Nẵng chỉ thu tiền ăn theo quy định thôi. Nhưng nhiều cá nhân, tổ chức đang ủng hộ thực phẩm cho các khu cách ly. Đà Nẵng vận động được bao nhiêu gạo hay thực phẩm khác đều chuyển lên khu cách ly để nấu ăn cho công dân. Nói gì thì nói, TP này làm sao để cho công dân mình đói được” - ông Chinh khẳng định và thông tin thêm hiện phía quân đội vẫn chưa thống nhất tiếp nhận cách ly công dân về từ Hà Nội, TP.HCM (vì theo chỉ đạo từ trung ương, hiện các khu cách ly thuộc quân đội chỉ tiếp nhận người nước ngoài, người Việt Nam từ các nước có dịch về).

“Họ chỉ tiếp nhận người Việt Nam về từ nước ngoài thôi. Nếu không có khu này thì phải dùng khách sạn. Mà ở khách sạn thì công dân tự trả chứ TP lo sao cho hết được. Cạnh đó, việc có hỗ trợ chi phí cách ly tại các khách sạn hay không thì theo quy định phải thông qua HĐND, mà giờ HĐND chưa họp nên mình tạm thời ra công văn như vậy đã” - ông Chinh nói.

Trước đó, ngày 4-4, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã ký ban hành Công văn 66 về việc cách ly y tế tập trung có thu phí đối với công dân đến từ Hà Nội, TP.HCM từ ngày 5-4. Việc này áp dụng với cả người dân Đà Nẵng sinh sống, làm việc, học tập tại hai địa phương trên trở về Đà Nẵng bằng đường hàng không, đường sắt, đường bộ, đường thủy. Theo đó, Đà Nẵng sẽ thu phí cách ly, gồm: Phí ăn, sinh hoạt theo Nghị quyết 37/NQ-CP ngày 29-3-2020 của Chính phủ và tiền ở theo chi phí của cơ sở cách ly tập trung.

Khai báo y tế bắt buộc đối với mọi người vào Đà Nẵng tại các cửa ngõ TP.  Ảnh: Tấn Việt

Khai báo y tế bắt buộc đối với mọi người vào Đà Nẵng tại các cửa ngõ TP.  Ảnh: Tấn Việt

 Quảng Nam: Quyết thu phí để không… “vỡ trận”

Ngày 5-4, ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh Quảng Nam, khẳng định tỉnh này vẫn thực hiện cách ly và có thu phí những người từ TP.HCM, Hà Nội trở về sau ngày 1-4.

Ông Hai cho hay căn cứ theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn, việc thực hiện cách ly đối với người từ TP.HCM, Hà Nội về Quảng Nam là cần thiết. “Nếu không làm như vậy sẽ vỡ trận” - ông Hai nói.

Theo ông Hai, vấn đề cách ly có thu phí đã được ban chỉ đạo họp bàn rất kỹ và đi đến thống nhất thực hiện. “Quan điểm là như thế, tiến hành ra sao sẽ tính sau. Hãy cứ tưởng tượng nếu không thu phí, bây giờ tỉnh phải nuôi ăn, xét nghiệm… thì tốn tiền rất nhiều” - ông Hai nói.

Ông Hai cũng cho hay TP.HCM và Hà Nội là vùng trọng tâm dịch, Thủ tướng cũng đã công bố dịch trong cả nước. Chính vì vậy phải thực hiện cách ly đối với những trường hợp từ TP.HCM, Hà Nội về Quảng Nam.

Đối với vấn đề thu phí cách ly người từ TP.HCM, Hà Nội về Quảng Nam sau ngày 1-4, ông Hai cho biết hiện nay tỉnh mới có chủ trương, chưa có quy định cụ thể. Nội dung gì, mức thu bao nhiêu, miễn cho trường hợp nào để đảm bảo tính hợp lý, đúng quy định UBND sẽ trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định tại kỳ họp HĐND sắp đến.

“Tinh thần là làm vì cái chung, vẫn hiểu được rất nhiều người khó, thậm chí đến tiền ăn thôi đã khó. Nhưng mà quy định phải làm, còn các trường hợp đặc biệt sẽ giải quyết sau. Tinh thần là không làm cho dân khổ, tỉnh chỉ muốn dân biết là ở đâu ở yên chỗ đấy, không nên về quê lúc này” - ông Hai chia sẻ.

Chính phủ hỗ trợ 80.000 đồng tiền ăn/người/ngày

Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 37 (có hiệu lực từ ngày 29-3) về một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, quy định các mức hỗ trợ đối với người cách ly tại cơ sở y tế hoặc cơ sở tập trung (gồm cả người Việt Nam và nước ngoài) và người tham gia phòng, chống dịch. Cụ thể, mức hỗ trợ tiền ăn cho người cách ly y tế là 80.000 đồng/ngày…

Người cách ly tại cơ sở y tế, cơ sở tập trung được cấp miễn phí nước uống, khăn mặt, khẩu trang, nước dung dịch rửa tay, dung dịch sát khuẩn miệng, bàn chải đánh răng, xà phòng và các vật dụng thiết yếu với tổng chi phí là 40.000 đồng/ngày. 

Thu phí cách ly quy định sao?

Theo quyết định hướng dẫn cách ly y tế tại cơ sở y tế tập trung phòng, chống dịch Covid của Bộ Y tế được ký ngày 12-3, người được cách ly gồm: Người đi về hoặc từng qua vùng có dịch của quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch Covid-19 (theo thông tin của Bộ Y tế); người tiếp xúc gần với trường hợp xác định mắc Covid-19 trong trường hợp vượt khả năng tiếp nhận của cơ sở y tế.

Các đối tượng khác theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hoặc Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và tùy theo diễn biến cụ thể của dịch bệnh thì Bộ Y tế tiếp tục có hướng dẫn tiếp theo.

Như vậy, khi đã có công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc thì tất cả 63 tỉnh, TP Việt Nam đều nằm trong vùng dịch, không loại trừ Hà Nội hay TP.HCM.

Có thể các địa phương thực hiện quyết định cách ly người từ Hà Nội và TP.HCM đến địa phương mình, xem đó là giải pháp an toàn và thực hiện theo Chỉ thị 16. Thế nhưng yêu cầu thu phí khi cách ly tập trung là sai với hướng dẫn của Bộ Y tế.

Vì lẽ, theo khoản 3 Điều 8 trong hướng dẫn cách ly y tế tại cơ sở y tế tập trung phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế ngày 21-3 thì: Cơ sở cách ly phải có nội quy cơ sở cách ly, phân khu cách ly, phòng cách ly; đảm bảo cơ sở vật chất thiết yếu cho nhu cầu sinh hoạt của người được cách ly; cung cấp suất ăn riêng cho từng người được cách ly; đảm bảo an toàn thực phẩm trong cơ sở cách ly…

Như vậy, việc cung cấp thức ăn là nhiệm vụ của cơ sở cách ly.

Nhiều nơi vận dụng máy móc Chỉ thị 16

Chiều 3-4, khi chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói có một số địa phương vận dụng Chỉ thị 16 còn máy móc, có điểm sai, hiểu không đúng cụm từ “cách ly xã hội”.

Trong cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về cách ly xã hội có bản chất là giãn cách xã hội. Khi triển khai thực thi, một số địa phương lúng túng, thực hiện chưa thống nhất, thậm chí còn làm hơi quá… Vì vậy, Bộ Y tế đã phối hợp, tham mưu cho cấp có thẩm quyền để có văn bản hướng dẫn cụ thể.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một số lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính khẳng định: Những người buộc phải tạm giãn cách khỏi xã hội vì dịch là những người yếu thế hiện nay (vì vừa phải tạm tách khỏi đời sống xã hội, vừa tạm ngưng làm việc, khủng hoảng tâm lý, lo lắng…). Do đó, chính sách, mức hỗ trợ ăn, ở, chăm sóc y tế… theo Nghị quyết 37 của Chính phủ là thể hiện tính ưu việt, nhân đạo của Đảng, Nhà nước ta. 

Nguồn: [Link nguồn]

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tấn Việt - Hà Phượng - Thanh Nhật ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN