"Tại sao Quốc hội chưa có ý kiến gì về vụ Formosa?"

Đại biểu QH Trương Trọng Nghĩa đề xuất QH có thêm chuyên đề giám sát, nhất là những dự án như Formosa bởi vấn đề môi trường đang khiến cử tri "ăn không ngon, ngủ không yên".

"Tại sao Quốc hội chưa có ý kiến gì về vụ Formosa?" - 1

Phiên làm việc của Quốc hội sáng 25-7 - Ảnh chụp qua màn hình

Sáng 25- 7, trong chương trình nghị sự, Tổng thư ký Quốc hội (QH) Nguyễn Hạnh Phúc thay mặt Ủy ban Thường vụ QH đã trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2017 để các đại biểu thảo luận.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị QH xem xét, quyết định 2 trong 4 nội dung sau:

- Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016 (giao Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường của QH chủ trì, phối hợp với Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH giúp về nội dung giám sát).

- Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016 (giao Ủy ban Pháp luật của QH giúp chủ trì về nội dung giám sát).

- Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT), xây dựng, chuyển giao (BT) và hợp tác công tư (PPP) (giao Uỷ ban Kinh tế của QH giúp chủ trì về nội dung giám sát).

- Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với ngư dân gắn với phát triển kinh tế biển và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Ăn không ngon, ngủ không yên

"Tại sao Quốc hội chưa có ý kiến gì về vụ Formosa?" - 2

ĐB Trương Trọng Nghĩa cho ý kiến - Ảnh chụp qua màn hình

Cho ý kiến về chương trình giám sát, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cho rằng, khoảng vài năm trở lại đây, vấn đề môi trường là vấn đề hết sức bức xúc và cụm từ Formosa được nhắc đi nhắc lại. Những sự cố môi trường, có người gọi là thảm hoạ môi trường như Formosa vừa qua làm cho phần lớn cử tri băn khoăn, bức xúc, mấy tháng qua ăn không ngon, ngủ không yên.

“Tôi đọc kỹ 4 nội dung chuyên đề tôi tìm mãi không thấy cụm từ môi trường. Tôi kiến nghị có sự điều chỉnh lại, đề nghị có chuyên đề việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư trong nước và nước ngoài liên quan đến việc phòng chống vi phạm pháp luật bảo vệ tài nguyên, môi trường”- ông Nghĩa đề nghị.

ĐB Nghĩa nói rõ hơn về đề nghị giám sát vấn đề môi trường của mình: “Khi chúng ta đặt chuyên đề này ra, chúng ta sẽ chọn lựa đi giám sát ở đâu, như thế nào. Trong đó có nhiều kiến nghị của cử tri phải giám sát Formosa vì đây là thời điểm thuận lợi vì họ chưa bắt đầu khắc phục”.

Phải chăng quy trình có sơ hở?

Cho rằng Chính phủ đã vào cuộc, đã có nỗ lực rất lớn trong mấy tháng qua và đang tiếp tục xử lý sự cố môi trường do Formosa gây ra nhưng Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII có đề cập tới sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan quyền lực của nhà nước.

“Chính phủ cứ làm việc cứ làm việc của chính phủ, còn nhân dân, cử tri mong muốn QH làm việc của QH. Người ta đặt câu hỏi vì sao cho đến nay chưa thấy QH, đại diện các tỉnh miền Trung ở QH có ý kiến gì cả? Chí ít là có thông tin, ý kiến là dự kiến sẽ làm gì. Do đó, tôi cho rằng việc nhập cuộc của QH chỉ là tiếp thêm sức mạnh cho chính phủ”- ĐB Nghĩa đặt vấn đề cần giám sát vấn đề môi trường nói chung, trong đó có Formosa.

Ông Nghĩa cho rằng nếu chúng ta điều chỉnh kịp thời điều này sẽ đáp ứng nguyện vọng, tâm tư của cử tri, của nhân dân, của giới trí thức, công nhân, người lao động, cán bộ chiến sĩ.

ĐB Trương Trọng Nghĩa còn nêu rõ vấn đề dư luận băn khoăn về quy trình thủ tục: “Vừa rồi nổi lên vấn đề chúng ta có quy trình, thủ tục nhưng cũng có không ít ý kiến, kể cả các đồng chí lãnh đạo, Chính phủ và các bộ ngành là phải chăng quy định của chúng ta về quy trình, thủ tục ấy chưa hoàn chỉnh, có chỗ sơ hở. Như vậy thì chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện nó như thế nào đây?”.

Nên thành lập uỷ ban lâm thời giám sát Formosa

Cũng theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, trong khi chúng ta rất quan tâm tới đầu tư, tới các vấn đề ngân sách nhưng những dự án đầu tư tư nhân ở nước ngoài 5 tỉ, 10 tỉ USD tức là hàng trăm ngàn tỉ đồng nó tác động vào xã hội rất lớn. Do đó không thể nói cứ để các tỉnh tự giải quyết mà QH không quan tâm.

“Sắp tới đây chúng tôi kiến nghị là chúng ta phải sửa luật với những dự án đầu tư tư nhân mà có tác động rất lớn về mặt xã hội, môi trường, an ninh quốc phòng thì phải có giám sát, rà soát thế nào đó”- ĐB Nghĩa trình bày.

ĐB này khẳng định: Cần có giám sát chuyên đề này đưa vào chương trình 2017, trong đó có trọng điểm là Formosa. Nên thành lập uỷ ban lâm thời hoặc đoàn giám sát chuyên ngành của QH để cùng với chính phủ điều tra, xác minh và phải có làm việc với họ để có toàn bộ giải pháp về vấn đề Formosa.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo N.Quyết-V.Duẩn-P.Nhung ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN