"Tại sao giáo viên dạy thêm thì cấm, bác sỹ làm thêm thì không?"

Sự kiện: Thời sự

Vấn đề bác sỹ bệnh viện công chuyển sang làm tư, chế độ đãi ngộ, phát triển nguồn nhân lực ngành y... được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Y tế trong phiên chất vấn ngày 10-11.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau)

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau)

Lấy dẫn chứng ngành giáo dục dạy thêm để đảm bảo chất lượng dạy và học trên lớp, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau) đặt câu hỏi việc các bác sỹ liên kết xây dựng phòng khám riêng, liệu có ảnh hưởng tới chất lượng khám, chữa bệnh tại bệnh viện công hay không?

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết việc hành nghề, làm thêm của bác sỹ vừa đảm bảo thêm thu nhập, vừa nâng cao năng lực chuyên môn của họ.

Cũng theo ông, không nên phân biệt giữa cơ sở y tế công và tư, bởi việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân là sự kết hợp hài hòa giữa 2 lực lượng trên.

"Bộ Y tế đã có những quy định về quản lý thời gian hành nghề, tái tạo sức lao động của bác sỹ; nghiêm cấm việc không hoàn thành công việc ở cơ sở y tế công lập để đưa ra làm ở cơ sở tư nhân. Đồng thời, các tỉnh, thành phố và sở y tế sẽ tăng cường kiểm tra và xử lý nếu vi phạm", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (Quảng Ngãi) đề nghị người đầu ngành Y tế nêu giải pháp để ngăn chặn tình trạng xã hội hóa để tổ chức, cá nhân đặt máy móc thiết bị vào bệnh viện nhà nước thu lợi nhuận, dẫn đến tình trạng lạm dụng kỹ thuật và thuốc, nhiều lãnh đạo bệnh viện vi phạm pháp luật.

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng, chủ trương xã hội hóa là đúng đắn, đảm bảo cho người dân được tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng, bởi không thể chỉ dùng ngân sách nhà nước để đầu tư vì không đủ nguồn lực.

Nhiều văn bản pháp luật đã được ban hành để triển khai xã hội hóa trong công tác y tế, tuy nhiên một số đơn vị chưa thực hiện nghiêm, chưa đúng theo quy định, dẫn đến sai phạm. Bộ đang làm việc với Bộ Tài chính để trình Chính phủ ban hành nghị định về liên doanh, liên kết xã hội hóa.

"Mong rằng tới đây khi nghị định được Chính phủ thông qua, sẽ giải quyết thấu đáo các vấn đề, tránh sai phạm, quản lý giá sẽ công khai, minh bạch và hiệu quả hơn", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Giải đáp câu hỏi của đại biểu Trần Kim Yến (TP.HCM) về thực trạng y tế cơ sở mỏng, tỷ lệ điều dưỡng/bác sỹ còn thấp, Bộ trưởng Y tế cho biết tới đây sẽ cố gắng tăng giá dịch vụ y tế để đảm bảo nhân lực y tế phục vụ một cách toàn diện. Mặt khác, tăng cường, nâng cao chất lượng đào tạo và sắp xếp việc sử dụng nhân lực ở các bệnh viện một cách phù hợp.

Người đầu ngành y nêu thực tế bác sỹ đào tạo 6 năm, tới đây là 9 năm, nhưng khi ra trường chỉ hưởng lương ngang người đào tạo 4 năm. Vì vậy khi Chính phủ, Thủ tướng ban hành khung trình độ quốc gia thì một bác sỹ khi đào tạo 6 năm sẽ được hưởng lương ở khung mức độ 2 và tới đây sẽ áp dụng.

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) về giải pháp chống chảy máu nhân lực ngành, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thừa nhận có hiện tượng một số cán bộ y tế ở công lập sang làm cho tư nhân, song khẳng định hiện lực lượng y tế công lập vẫn đóng vai trò chủ đạo.

"Tới đây, Bộ tiếp tục quan tâm đào tạo nhân lực, thu hút người làm trong y tế công lập. Chúng ta cũng cố gắng điều chỉnh tiền lương, phụ cấp để đảm bảo cán bộ y tế yên tâm làm việc tại các cơ sở công lập", Bộ trưởng nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Những vấn đề 'nóng' chờ đợi Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội về những vấn đề liên quan đến thực hiện các...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Băng Tâm ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN