Tại sao dự báo không khí lạnh mà người dân không cảm nhận được lạnh?

Sự kiện: Tin thời tiết
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Do đợt không khí lạnh này về rất khô nên trời vẫn ít mây và có nắng. Trên thực tế, nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm. Căn cứ số liệu đo đạc của mạng lưới trạm khí tượng để phát hành bản tin cảnh báo.

Nhiều đợt không khí lạnh mà người dân không cảm nhận được lạnh

Những ngày qua, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã phát đi nhiều bản tin dự báo về sự xuất hiện của đợt không khí lạnh ở miền Bắc. Tuy nhiên, trời vẫn nắng kèm theo hanh khô nên cảm giác oi bức vẫn là chủ đạo, người dân gần như chưa cảm nhận được không khí lạnh. Điều này thể hiện mức độ chính xác trong công tác dự báo như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phòng Dự báo Số trị và Viễn thám Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn cho biết, không khí lạnh về đã gây giảm nhiệt. Trên vùng biển có gió đông bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, biển động mạnh.

Miền Bắc đón không khí lạnh, nhiệt giảm từ nay đến cuối tháng 11.

Miền Bắc đón không khí lạnh, nhiệt giảm từ nay đến cuối tháng 11.

Ở hầu khắp đồng bằng Bắc Bộ nhiệt độ thấp nhất đêm và sáng sớm ở ngưỡng 20-22 độ, vùng núi xuống thấp dưới 17 độ. Ví dụ tại trạm Khí tượng Trùng Khánh (Cao Bằng) đêm 18, sáng sớm 19/11 có nhiệt độ thấp nhất là 18.8 độ; đêm qua và sáng sớm nay giảm còn 16.6 độ.

Tương tự ở ngay thủ đô Hà Nội, trạm Khí tượng Hà Đông đã ghi nhận được nhiệt độ thấp nhất giảm từ 23.4 độ còn 21.5 độ vào sáng sớm 20/11.

Với câu hỏi tại sao dự báo không khí lạnh mà nhiệt độ cảm nhận lại không thấy lạnh, bà Nguyễn Thị Thanh Bình chia sẻ, người dân cần lưu ý khi phát hành bản tin dự báo có ghi nhiệt độ thấp nhất giảm và còn ở mức 20-22, vùng núi dưới 17 độ. Trong khi đó, gió trên vịnh Bắc Bộ mạnh cấp 6, cấp 7 giật cấp 8. Ban ngày ít mây, trời nắng nên chúng ta cảm giác thời tiết ít thay đổi.

"Do đợt không khí lạnh này về rất khô nên trời vẫn ít mây và có nắng. Trên thực tế, nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm. Căn cứ số liệu đo đạc của mạng lưới trạm khí tượng ở phía bắc cũng cho thấy nhiệt độ thấp nhất đang giảm đi", bà Nguyễn Thị Thanh Bình nói.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, thời tiết Hà Nội 3 ngày tới (21-23/11), do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường lệch Đông nên nền nhiệt ít thay đổi; hạ thấp nhất 18 độ trong đêm đầu tiên, sau đó tăng đến 23 độ.

Cụ thể, trong 3 ngày này, dự báo thời tiết khu vực có mây, ngày trời nắng, đêm không mưa; nhiệt độ cao nhất khoảng 28-30 độ. Sáng sớm và đêm 21/11 trời rét với nhiệt độ thấp nhất 18-20 độ; từ 22-23/11, sáng sớm và đêm trời lạnh với nhiệt độ thấp nhất tăng lên mức 21-23 độ.

Về những vấn đề cần lưu ý đối với đợt không khí lạnh lần này, bà Nguyễn Thị Thanh Bình cho biết, do ngày vẫn nắng nên nhiệt độ ban ngày có giảm nhưng không nhiều, chúng ta ít cảm nhận được. Ban đêm nhiệt độ giảm khiến cho biên độ nhiệt độ ngày và đêm tăng, dễ ảnh hưởng tới sức khỏe của chúng ta như các vấn đề về hô hấp...

Một trong những yếu tố cần lưu ý khi có không khí lạnh tràn về đó là gió đông bắc trên vịnh Bắc Bộ sẽ mạnh lên gây biển động, gây ảnh hưởng tới tàu thuyền và các hoạt động trên biển. Bà con ngư dân và các hoạt động trên biển cần lưu ý khi ra khơi giảm thiểu những tác động.

Cảnh giác với mưa lớn ở miền Trung

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đêm qua và sáng nay (21/11), ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Bình Định có mưa, mưa rào, cục bộ có nơi mưa to. Lượng mưa tính từ 19h ngày 20/11 đến 08h ngày 21/11 cục bộ có nơi trên 40mm như: Ba Lòng (Quảng Trị) 65.8mm, Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) 48.8mm, Bà Nà (TP. Đà Nẵng) 66.2mm, Bình An (Quảng Ngãi) 47.2mm... Ngoài ra, ngày và đêm 21/11, ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình và Bình Định có mưa, mưa rào, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa từ 20-40mm, cục bộ có nơi trên 60mm.

Cảnh báo từ ngày 23/11 đến ngày 24/11, ở khu vực từ Quảng Trị đến Bình Định có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa từ 40-100mm, cục bộ có nơi trên 200mm. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Mưa lớn và mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc (thông tin cảnh báo khu vực nguy cơ lũ quét, sạt lở đất thời gian thực được cung cấp trực tuyến trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Khí tượng Thủy văn tại địa chỉ: https://luquetsatlo.nchmf.gov.vn và trong bản tin riêng cảnh báo lũ quét, sạt lở đất).

Dù không ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta nhưng tàn dư từ bão số 9 sẽ kết hợp với các đợt không khí lạnh tăng cường trong những ngày tới, gây mưa rải rác ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Bình Định.

Trên Biển Đông trong khoảng 10 ngày tới, ít khả năng đón bão hoặc áp thấp nhiệt đới. Tuy nhiên, theo dự báo xa của một số mô hình, trong khoảng đầu tháng 12 có thể xuất hiện các vùng nhiễu động ở khu vực phía Nam Biển Đông, không ngoại trừ khả năng hình thành áp thấp nhiệt đới.

Theo dự báo thời tiết, vào ngày 25 và 27/11, bộ phận không khí lạnh được tăng cường trở lại ảnh hưởng đến nhiều nơi ở miền Bắc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tô Hội ([Tên nguồn])
Tin thời tiết Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN