Tại sao các quan chức Libya liên tục bị ám sát?
Một làn sóng các vụ ám sát nhằm vào giới chức an ninh là bước tụt lùi mới nhất đối với một đất nước vẫn còn choáng váng bởi vụ tấn công ngày 11/9 nhằm vào lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi, vụ việc làm 4 người Mỹ thiệt mạng.
Khi Muhammad bin Halim ra khỏi nhà ở Benghazi vào một buổi sáng tháng 9, ông vẫy tay chào người hàng xóm trước khi bước về phía chiếc xe Hyundai của mình. Khi người đứng đầu đơn vị chống tội phạm tài chính thuộc Bộ Nội vụ Libya này mở cửa xe, một quả bom phát nổ, hất ông xuống đất giữa đống đổ nát. Rất may, ông không bị thương; nhưng nhiều đồng nghiệp của Halim không được may mắn như vậy.
Một làn sóng các vụ ám sát nhằm vào giới chức an ninh là bước tụt lùi mới nhất đối với một đất nước vẫn còn choáng váng bởi vụ tấn công ngày 11/9 nhằm vào lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi, vụ việc làm 4 người Mỹ thiệt mạng. Tám tháng của một cuộc chiến cách mạng trong năm 2011 đã gây tổn hại cho rất nhiều cho các cơ quan dân sự vốn đã yếu kém của Libya. Không một tổ chức an ninh nào đảm bảo được trật tự và một hệ thống tư pháp èo uột không thể khởi tố các bị cáo khiến người Libya lo ngại đất nước họ đang dần vỡ vụn xung quanh mình.
Vào khoảng nửa đêm ngày 21/11, ba tay súng nhảy ra khỏi một xe hơi và nã 8 viên đạn vào đại tá Faraj al-Dersi, quyền Giám đốc Sở Cảnh sát Benghazi. Vài ngày trước đó, một kẻ nặc danh gọi vào một đài phát thanh địa phương dọa sẽ giết ông, cáo buộc nhóm của ông theo dõi hắn ta.
Al-Dersi là quan chức an ninh mới nhất chết trong khi làm nhiệm vụ. Hơn 20 người đã thiệt mạng trong các vụ đánh bom và xả súng năm 2012, hầu hết ở thành phố Benghazi phía đông Libya, nơi một thời là đại bản doanh của quân nổi dậy chống nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi nhưng giờ đây tràn đầy các phần tử chống đối. Một số người, như đại tá Adil Baqramawi, bị nhắm tới vì các mối quan hệ của họ với chính quyền Gaddafi. Nhưng hầu hết nạn nhân đều làm việc với các nhóm cách mạng lật đổ Gaddafi.
"Có những phần tử muốn phá hoại an ninh", trích lời Wanis al-Sharif, một quan chức Bộ Nội vụ phụ trách khu vực đông Libya. "Rõ ràng Takfir wa al-Hijra đứng đằng sau việc này", ông nói, ám chỉ một phong trào Hồi giáo cực đoan có tiếng ở Libya.
Các sĩ quan cảnh sát mang thi thể của đại tá Faraj al-Dersi khỏi nhà xác ở Benghazi. (Ảnh: Reuters)
Các quan chức Libya và Mỹ tin rằng, những thành phần Hồi giáo cực đoan như vậy là thủ phạm vụ tấn công 11/9. Trong hỗn loạn sau khi Gaddafi sụp đổ, những nhóm ý thức hệ liên kết chặt chẽ này có rất nhiều ảnh hưởng đối với xã hội Libya. Ngày nay, họ đang tìm cách phá hoại sự phát triển của các cơ quan an ninh mà có thể dập tắt các hoạt động của họ. "Họ muốn đe dọa các cơ quan an ninh nhằm ngăn họ không cứng rắn đủ để ngăn chặn họ", ông al-Sharif nói.
Nhưng ông al-Sharif và nhiều người khác tin rằng có một kiểu thủ phạm khác đứng đằng sau các vụ ám sát nhằm vào các sĩ quan quân đội - chính những chiến binh nổi dậy đã dẫn đầu cuộc cách mạng. Nhiều đối tượng lo ngại sự phát triển của một quân đội quốc gia sẽ khiến họ phải giải giáp, từ đó làm giảm sự ảnh hưởng và vị thế của họ ở một Libya mới.
"Đó là những thành phần bất mãn, không muốn mọi thứ thành công. Nếu một quân đội được tạo ra, họ sẽ là những kẻ thua thiệt nhất", Abdel Hafiz Ghoga - Phó Chủ tịch của chính phủ lâm thời trước đây - giải thích. Nhưng người thua thiệt nhất ngày nay là một nước Libya đang trượt vào hết cuộc khủng hoảng này đến cuộc khủng hoảng khác. Chính phủ không điều tra các vụ đánh bom, và không ai bị khởi tố.
"Chúng tôi có đủ khả năng ngăn chặn các cuộc tấn công này, nhưng chính phủ không giúp chúng tôi", một người bị ám sát hụt giải thích. "Chúng tôi đã yêu cầu nhiều điều từ phía chính phủ nhưng vẫn chưa nhận được đủ".
Cả chính phủ lâm thời thành lập trong thời kỳ cách mạng lẫn chính phủ được bầu chọn lên thay sau đó đều không thể thành lập được các thể chế cần thiết để lập ra trật tự và luật pháp. Những thất bại đó chủ yếu do các chính sách viển vông thời Gaddafi, hủy bỏ quyền kiểm soát của chính quyền trung ương ở một số khu vực nhất định trong khi trao lại trách nhiệm điều hành cho các thành phố tự trị. Gaddafi đã thực thi những thay đổi đó để trừ khử một bộ máy quan liêu mà ông tin rằng đã cản trở chương trình cách mạng của mình. Một hệ thống tư pháp bị chính trị hóa và không có thực quyền chịu tác động từ những người hầu cận chính trị của Gaddafi. Ngày nay, các công tố viên và thẩm phán không nắm rõ cách xét xử các vụ kiện một chính xác hoặc bắt đầu tiến trình xét xử từ đâu.
"Chúng tôi lại bắt đầu từ con số 0, và điều đó bao gồm cả những người xử án", trích lời Salah Sanussi, một giáo sư chính trị - khoa học tại Đại học Garyounis ở Benghazi.
Các chính trị gia Libya hiện nay đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Nhưng điều đó không ngăn được bin Halim. "Kiểu đánh bom này không ngăn được tôi bảo vệ người dân Libya. Tôi sẽ tiếp tục bảo vệ họ, và chúng tôi sẽ bắt giữ những kẻ chịu trách nhiệm và xét xử chúng một cách công bằng tại tòa án", ông khẳng định.
Những khát vọng hậu cách mạng ở Libya về hòa bình và ổn định xoay xung quanh quyết tâm đó.