Tại sao Bộ trưởng Y tế nghỉ khi chưa hết nhiệm kỳ?
Mặc dù có những đồn đoán về trách nhiệm của lãnh đạo Bộ Y tế trong một số vụ việc như VN Pharma nhưng việc Quốc hội xem xét miễn nhiệm chức danh bộ trưởng y tế với bà Nguyễn Thị Kim Tiến trong kỳ họp này theo tìm hiểu của chúng tôi bắt nguồn từ quy định về tuổi nghỉ công tác quản lý theo pháp luật và quy định của Đảng.
Theo quy định của Luật Cán bộ công chức, cán bộ là người được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, địa phương, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Về nguyên tắc, người đó sẽ giữ chức danh của mình tới hết nhiệm kỳ.
Tuy nhiên, cũng theo luật này, cán bộ lại nghỉ hưu theo Bộ luật Lao động. Cụ thể là 60 tuổi với nam, 55 tuổi với nữ; trường hợp đặc biệt có thể cao hơn không quá năm năm. Trường hợp đặc biệt, đối với cán bộ giữ chức vụ từ bộ trưởng trở lên có thể được kéo dài thời gian công tác theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
Luật là vậy nhưng trong Đảng còn có quy định khác về tuổi. Chẳng hạn đảng viên từ cỡ ủy viên Trung ương trở lên thì điều kiện về tuổi công tác có thể trên 60, thậm chí trên 65, 70 tùy thuộc là ủy viên Trung ương, bí thư Trung ương hay ủy viên Bộ Chính trị hoặc vị trí chủ chốt.
Các đảng viên cao cấp ấy đều được Đảng giới thiệu để ứng cử vào các vị trí cao trong bộ máy nhà nước và đây sẽ là “trường hợp đặc biệt” được kéo dài thời gian công tác so với tuổi nghỉ hưu chung của Bộ luật Lao động.
Bộ trưởng Y tế nguyễn Thị Kim Tiến không phải là ủy viên Trung ương nên không thể trên 60 tuổi theo quy định của đảng.
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến là nữ bộ trưởng duy nhất và cũng là nhân sự duy nhất của Chính phủ không nằm trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII
Nghỉ khi chưa hết nhiệm kỳ như bà Tiến không phải là hiếm. Còn nhớ tháng 1-2016, Đại hội XII bầu ra Ban chấp hành mới của Đảng thì hai tháng sau, Quốc hội khóa XIII ở kỳ họp cuối cùng của mình cũng làm thủ tục miễn nhiệm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các thành viên Chính phủ không tái cử Trung ương khóa XII. Thay vào đó là nhân sự mới - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và một loạt bộ trưởng - ủy viên Trung ương để đảm đương nốt công việc của Chính phủ cho đến khi bầu cử Quốc hội khóa XIV, rồi Quốc hội bầu và phê chuẩn các thành viên mới của Chính phủ. Như thế Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và nhiều bộ trưởng cùng thời không làm hết nhiệm kỳ được bầu.
Cũng như vậy, ở một số địa phương, bí thư tỉnh ủy, chủ tịch HĐND hay chủ tịch UBND tỉnh mà không phải là ủy viên Trung ương thì cứ đủ 60 tuổi là nghỉ. Đó là ông Hoàng Văn Chất, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La, vừa nghỉ hưu hồi tháng 9; là ông Trần Đức Long, Chủ tịch UBND Quảng Ninh, nghỉ chế độ hồi tháng 5… Họ đều là cán bộ nắm chức danh theo nhiệm kỳ do HĐND tỉnh bầu, là tỉnh ủy viên, ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy do đại hội đảng bộ địa phương bầu ra ở kỳ đại hội trước và đều nghỉ khi chưa hết nhiệm kỳ bầu cử.
Bà Tiến chia sẻ, điều bà thấy được nhất sau gần 2 nhiệm kỳ làm Bộ trưởng là việc thay đổi thái độ phục vụ của...