Tại sao bệnh nhân 449 nhập viện 33 ngày mới phát hiện nhiễm COVID-19?
Nhiều độc giả thắc mắc tại sao không xét nghiệm COVID-19 đối với bệnh nhân 449 từ sớm.
Việt Nam đang bước vào cuộc chiến với dịch COVID-19 giai đoạn mới.
Chiều qua (ngày 29/7), Bộ Y tế đã công bố 2 ca nhiễm COVID-19 tại TP.HCM. Theo đó, ca bệnh 449 là nam, 57 tuổi, quốc tịch Mỹ; ca bệnh 450 là nữ, 46 tuổi, người chăm sóc cho bệnh nhân 449.
Theo kết quả điều tra dịch tễ, bệnh nhân 449 nhập viện vào Bệnh viện Hoàn Mỹ (Đà Nẵng) từ ngày 26/6 với tiền sử viêm phổi trên 10 năm. Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, rồi chuyển tới TP.HCM lần lượt qua Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Triều An và Bệnh viện Quốc tế City.
Những bệnh nhân COVID-19 được cách ly và điều trị tại các bệnh viện theo chỉ định của Bộ Y tế.
Với hành trình ở 5 bệnh viện khác nhau trong 33 ngày của bệnh nhân 449, nhiều độc giả thắc mắc tại sao không xét nghiệm COVID-19 đối với bệnh nhân này từ sớm. Để trả lời câu hỏi này, bác sĩ Cao Xuân Minh (TP.HCM) đã có những chia sẻ liên quan. Được sự cho phép của bác sĩ Cao Xuân Minh, chúng tôi xin trích dẫn nguyên văn bài viết:
“Nhiều bạn hỏi nhân viên y tế, bệnh viện sao không test bệnh nhân mà để đi qua hàng loạt bệnh viện?
Cho đến giờ này, toàn quốc có dưới 500 ca nhiễm COVID-19, trong đó hơn 1/2 có nguồn gốc từ nước ngoài.
Hầu hết các bệnh viện lớn trên toàn quốc đều có khoa Hô hấp, mỗi tỉnh đều có bệnh viện chuyên khoa riêng về Lao - Bệnh phổi. Các bệnh viện đều có bệnh nhân về hô hấp, cho đến phòng khám đa khoa, phòng mạch tư,...
Dài dòng như vậy để chúng ta thấy rằng, bệnh về hô hấp là vô số kể và có thể lớn nhất trong tất cả các mặt bệnh nhân.
Triệu chứng hô hấp thì ai trong chúng ta đều trải qua và có thể đang bị: Sốt nhè nhẹ đến nặng, sổ mũi, ho, khó thở, đau họng, nghẹt mũi,... Hầu hết bệnh tự giới hạn, tự khỏi hay khám, về nhà uống thuốc theo toa.
Các trường hợp phải nhập viện điều trị cũng có vô vàn bệnh như viêm phổi cộng đồng, hen, COPD bội nhiễm, lao...
Trong gần 6 tháng, chúng ta có 500 ca nhiễm COVID-19 so với hàng triệu ca bị dấu hiệu hô hấp. Vậy làm sao để ta phát hiện? Xét nghiệm hết hàng triệu triệu ca hô hấp chăng? Không thể làm và vô cùng lãng phí, tiền bạc và nội lực quốc gia nào chịu cho thấu kể cả các quốc gia giàu có nhất thế giới.
Vậy ta xét nghiệm khi nào? Yếu tố dịch tễ là quan trọng nhất, lâm sàng đi sau đó. Dịch tễ cộng lâm sàng càng tuyệt vời hơn. Dịch tễ là gì? Là từ vùng dịch về, có tiếp xúc nguồn lây có thể là người bệnh hay chỗ đang có dịch. Lâm sàng đơn độc khi không có dịch tễ, với muôn vàn bệnh có thể và thường gặp thì vô cùng khó.
Quay lại ca 416, 418 hay ca người Mỹ là 449. Tại sao không xét nghiệm khi đi qua hàng loạt bệnh viện? Tại vì khi đó, cộng đồng Việt Nam đang không có ca nào bệnh nào, và họ không hề đi ra khỏi nước, không tiếp xúc bệnh nhân nhiễm. Nghĩa là không có yếu tố dịch tễ, không có trong suy nghĩ của bác sĩ, trong hướng dẫn thực hiện. Do đó, bác sĩ không chỉ định là hợp lý.
Đó là điều bất ngờ, nguồn lây từ đâu? F0 từ đâu?
Nếu quy chụp bệnh nhân người Mỹ này là F0, vậy ông bị lây từ nguồn nào khi chỉ ở trong nước?
Các bác sĩ đang rất vất vả, thậm chí bất chấp cả sức khoẻ sinh mạng để bảo vệ cuộc sống của các bạn. Các cơ sở y tế cũng đang gồng gánh trong sự khó khăn phòng chống dịch và thực hiện khám chữa bệnh.
Đừng vội buông lời cay nghiệt!”.
Bác sĩ Cao Xuân Minh (TP.HCM)
Nguồn: [Link nguồn]
Clip “Vững tin Đà Nẵng” cổ vũ thành phố bên sông Hàn vượt qua đại dịch COVID-19 đã lan truyền và tạo hiệu ứng mạnh...