Tai nạn trên cao tốc Hà Nội – Bắc Giang: Địa phương kêu gào, Bộ GTVT không hồi âm

Sự kiện: Tin nóng

Công an tỉnh Bắc Ninh đã tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh có văn bản kiến nghị Bộ Giao thông vận tải đề nghị bố trí 3 điểm đỗ dừng trên tuyến qua địa phận tỉnh. Tuy nhiên, suốt cả năm qua, không nhận được hồi âm.

Cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và người dân đánh giá, tốc độ cho phép trên cao tốc Hà Nội – Bắc Giang (90-70 và 50/km/h) vẫn quá cao so với đường giao thông hỗn hợp gồm cả ôtô và xe máy đi chung (đoạn qua tỉnh Bắc Ninh). Đặc biệt, đoạn qua tỉnh Bắc Ninh không có đường gom, không có làn dừng đỗ khẩn cấp nên nguy cơ tiềm ẩn tai nạn rất cao.

Chiều 27-5, một vụ tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên cao tốc Hà Nội - Bắc Giang làm hai người tử vong và 5 người bị thương. Cơ quan điều tra Công an huyện Việt Yên, Bắc Giang đang điều tra, làm rõ nguyên nhân nhưng theo những nhân chứng có mặt tại hiện trường thì do xe khách dừng đỗ đón trả khách không đúng nơi quy định nên xe tải chở kim loại nặng đi phía sau đã không kịp xử lý dẫn tới hậu quả đau lòng trên.

Cao tốc Hà Nội – Bắc Giang có chiều dài gần 45km, được nâng cấp từ Quốc lộ 1A cũ, trong đó, đoạn đi qua tỉnh Bắc Giang dài 33km được nâng cấp gồm 4 làn xe cơ giới, 2 làn dừng khẩn cấp, còn đoạn đi qua tỉnh Bắc Ninh giữ nguyên hiện trạng cũ, chỉ gia cố nền lên 10-20cm.

Mặc dù không đủ tiêu chuẩn đường cao tốc nhưng Bộ Giao thông vận tải vẫn tổ chức thu phí theo đường cao tốc, tốc độ cho phép rất cao. Sau khi hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang có nhiều văn bản kiến nghị, Bộ Giao thông vận tải mới giảm tốc độ xuống còn 90-70 và 50/km/h đối với từng loại xe.

Tai nạn trên cao tốc Hà Nội – Bắc Giang: Địa phương kêu gào, Bộ GTVT không hồi âm - 1

Ôtô đón khách trên cao tốc Hà Nội – Bắc Giang.

Tuy nhiên, cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và người dân đánh giá, tốc độ này vẫn quá cao so với đường giao thông hỗn hợp gồm cả ôtô và xe máy đi chung (đoạn qua tỉnh Bắc Ninh). Đặc biệt, đoạn qua tỉnh Bắc Ninh không có đường gom, không có làn dừng đỗ khẩn cấp nên nguy cơ tiềm ẩn tai nạn rất cao.

Tương tự, gầm cầu vượt Đình Trám và gầm cầu vượt nút giao quốc lộ 17 với cao tốc (khu vực người dân quen gọi là ngã tư tử thần), nhiều xe khách cũng vô tư tạt vào gọi đón khách, nhiều nhất là xe tuyến Hà Nội - Lạng Sơn loại 16 chỗ. Chỉ trong thời gian 30 phút, chúng tôi đếm được khoảng 60 phương tiện loại này qua lại. Đáng lưu ý, đây còn là điểm kiểm soát hành khách của Công ty cổ phần Xe khách Bắc Giang nên việc dừng đỗ tại đây dường như là bắt buộc đối với xe khách của công ty này.

Nguy hiểm hơn là đoạn đi qua địa phận tỉnh Bắc Ninh. Chiều dài chỉ có 19,5km nhưng có tới 38 điểm đấu nối, nhập tách làn; 7 cầu vượt, xe máy đi chung với ôtô và không có làn đường dành cho các phương tiện dừng, đỗ khẩn cấp. Với hơn 300 nghìn công nhân làm việc trong các khu công nghiệp và hàng vạn người dân sống ở 3 huyện, thị, thành phố ven đường nên nhu cầu đi lại rất lớn. Không có điểm dừng đỗ, đón, trả khách nên người dân buộc phải ra đường đón xe, bất chấp nguy hiểm.

Thượng tá Đặng Thanh Phong, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết, đơn vị đã tham mưu Giám đốc Công an tỉnh bố trí lực lượng CSGT, CS 113 và tăng cường TTKS xử lí đỗ dừng tại gầm cầu; tham mưu Giám đốc có văn bản đề nghị chính quyền các huyện, thị trên địa bàn cấm không cho phép bán hàng, cưỡng chế khi vi phạm.

Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh cũng đã ký chuyên đề xử lí các phương tiện đỗ dừng ở gầm cầu. Đơn vị đã xử phạt hàng trăm trường hợp, nhắc nhở hàng nghìn trường hợp nhưng không xuể về nhu cầu thực tế của người dân rất lớn, không có điểm đón trả khách thì người ta phải ra đường. “Vi phạm thì chúng tôi buộc phải xử lí nhưng rõ ràng bản thân mình cũng thấy bất cập” – Thượng tá Đặng Thanh Phong cho biết.

Tại tỉnh Bắc Giang, tình trạng cũng tương tự như vậy. Đại úy Hoàng Trung Thành, cán bộ Phòng CSGT cho biết, đơn vị chỉ được dừng phương tiện ở những điểm đầu vào và đầu ra của cao tốc. Cái khó trong xử lý vi phạm là do lực lượng mỏng, không đủ để dàn trải ở tất cả các chốt cả 2 tuyến (toàn tuyến có 7 chốt); các tài xế xe khách lập hẳn hội “chim lợn” để cảnh giới, thông báo cho nhau những chốt có Cảnh sát giao thông để né tránh, đối phó.

Quan trọng nhất là nhu cầu đi lại hằng ngày của người dân hai bên tuyến cao tốc rất lớn, nhất là công nhân khu công nghiệp, trong khi đó tại đây chẳng có điểm dừng đỗ nào cho nhà xe đón, trả khách, nên dẫn đến vi phạm. Mấy tháng đầu năm nay, đơn vị đã xử lý 91 phương tiện dừng đón trả khách, 71 phương tiện dừng đỗ sai quy định. Trung tá Ngô Văn Phục, Phó trưởng Phòng CSGT Công an Bắc Giang  cho biết, khi có Cảnh sát giao thông thì các xe không dám dừng đỗ, nhưng nếu vắng bóng lại vi phạm.

Trước nhu cầu chính đáng của người dân, Công an tỉnh Bắc Ninh đã tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh có văn bản kiến nghị Bộ Giao thông vận tải đề nghị bố trí 3 điểm đỗ dừng trên tuyến qua địa phận tỉnh. Tuy nhiên, suốt cả năm qua, không nhận được hồi âm.

Thượng tá Đặng Thanh Phong trăn trở: “Nhu cầu người dân là chính đáng, nhiều lần chúng tôi có văn bản đề nghị nhưng Bộ Giao thông vận tải không trả lời, cũng không giải quyết khiến các cơ quan chức năng và người dân đều bức xúc. Nếu cứ như thế này thì tai nạn còn xảy ra. Việc làm đường gom cũng tương tự như vậy, chúng tôi đã đề nghị rất nhiều lần rồi nhưng không ai giải quyết. CSGT chỉ biết căng mình ra để làm, làm ngày làm đêm nhưng không xuể. Chúng tôi tha thiết đề nghị Bộ Giao thông vận tải bố trí các điểm dừng đỗ để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân”.

Thượng tá Đặng Thanh Phong cho rằng, mặc dù không đủ điều kiện đường cao tốc, nhưng Bộ Giao thông vận tải vẫn cho phương tiện chạy tốc độ cao nhất là 90km/h là quá cao, dễ xảy ra tai nạn.

Trung tá Ngô Văn Phục cũng trăn trở bởi lực lượng CSGT hiện tại mới chỉ giải quyết được phần ngọn. “Quan trọng là sớm quy hoạch một số điểm đỗ đón trả khách ở khu vực đường gom dân sinh, vừa không sai quy định của pháp luật, vừa bảo đảm an toàn cho người và phương tiện và cũng là mong muốn của các nhà xe, doanh nghiệp vận tải” – Trung tá Ngô Văn Phục đề nghị.

Người dân và cơ quan chức năng cũng đề nghị trang bị lắp đặt hệ thống camera trên tuyến để xử lý nguội, giảm áp lực cho lượng CSGT.

TNGT trên cao tốc: Cuộc điện thoại cuối cùng của cảnh sát tử vong

Mẹ chiến sỹ cảnh sát hình sự Nguyễn Văn Khánh nghẹn ngào kể lại cuộc điện thoại cuối cùng của con trai ngay trên chuyến...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Thủy (CAND)
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN