Tai nạn chìm tàu ở Hội An làm 17 người chết: Bồi thường thiệt hại thế nào?

“Nếu tính mạng, sức khỏe và hành lý của hành khách bị thiệt hại, bên vận chuyển phải bồi thường theo quy định của pháp luật”, luật sư nói.

Liên quan đến vụ tai nạn chìm tàu chở 39 người ở Hội An, ngày 28/2, Luật sư Nguyễn công Tín, Công ty Luật sư FDVN, Đoàn Luật sư TP. Đà Nẵng, đây là một tai nạn không ai muốn, nhưng hậu quả thì quá khốc liệt, phải có những chủ thể đứng ra chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại về dân sự?

Theo Luật sư Tín, liên quan đến vấn đề bồi thường thiệt hại cho những tổn thất về tính mạng, sức khoẻ của hành khách, theo quy định tại Điều 597 Bộ Luật Dân sự 2015 thì pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao.

Đồng thời, Khoản 1 Điều 528 Bộ Luật Dân sự 2015 cũng quy định: “Trường hợp tính mạng, sức khỏe và hành lý của hành khách bị thiệt hại thì bên vận chuyển phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.

"Do đó trong vụ việc này, Công ty Phương Đông (đơn vị vận tải) phải bồi thường thiệt hại cho ông Lê Sen (người lái tàu). Trường hợp xác định người lái tàu có lỗi thì thì sau khi bồi thường cho hành khách, Công ty Phương Đông có quyền yêu cầu người lái tàu hoàn trả lại một khoản tiền phù hợp với quy định của pháp luật", luật sư Tín cho biết.

Con tàu Qna-1152 gặp nạn chìm khiến 17 người chết

Con tàu Qna-1152 gặp nạn chìm khiến 17 người chết

Theo Luật sư Tín, trong trường hợp khác, nếu Công ty Phương Đông có mua bảo hiểm tai nạn hành khách (không phải là bảo hiểm bắt buộc) thì doanh nghiệp bảo hiểm phải chi trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng trong phạm vi số tiền bảo hiểm, căn cứ vào tổn thất thật tế và thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

Thực tế, có nhiều vấn đề về trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên phải dựa trên nội dung cụ thể của hợp đồng bảo hiểm, do đó cần làm rõ thêm các nội dung hợp đồng bảo hiểm mới làm rõ trách nhiệm cụ thể của các bên liên quan.

Trường hợp vé tàu đã bao gồm bảo hiểm tai nạn hành khách thì những khách hàng không có vé có được bảo hiểm chi trả tiền bồi thường không?

Theo quy định tại Điều 523 Bộ Luật Dân sự 2015 thì Hợp đồng vận chuyển hành khách có thể được lập thành văn bản, bằng lời nói hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể. Vé là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng vận chuyển hành khách giữa các bên.

"Như vậy, trong trường hợp không có vé nhưng có cơ sở xác định rằng hành khách và bên vận chuyển đã xác lập hợp đồng vận chuyển bằng lời nói hoặc bằng sự thừa nhận của các bên, hoặc hành vi cụ thể (hành khách giao tiền phí vận chuyển, bên vận chuyển chở hành khách đến địa điểm đã định theo thoả thuận) thì hành khách không có vé cũng sẽ được doanh nghiệp bảo hiểm chi trả tiền bồi thường", luật sư Tín thông tin.

Người thân ngóng chờ thông tin về những nạn nhân mất tích

Người thân ngóng chờ thông tin về những nạn nhân mất tích

Các vấn đề đặt ra về trách nhiệm hình sự đối với những cá nhân có liên quan?

Luật sư Tín cho rằng, cơ quan công an sẽ vào cuộc và điều tra nguyên nhân dẫn đến tai nạn để làm cơ sở khởi tố hay không khởi tố vụ án. Việc điều tra có thể sẽ bắt đầu từ việc xác minh, làm rõ người lái tàu có đủ bằng cấp, chuyên môn nghiệp vụ theo quy định của pháp luật hay không? Người lái tàu, thành viên có vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường thuỷ hay không? Có sử dụng rượu bia, ma tuý hay các chất kích thích khác hay không? Phương tiện có bảo đảm an toàn hay không?...

Luật sư Tín nhìn nhận: Hoạt động điều tra hiện nay vẫn đang được tiến hành. Sẽ quá sớm để kết luận về trách nhiệm hình sự của những người có liên quan nhưng có thể lường trước một số tình huống pháp lý sau:

Trường hợp điều tra xác định được rằng người lái tàu vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy thì người lái tàu có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy theo quy định tại Điều 272 Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), mức phạt cao nhất có thể lên đến 15 năm tù.

Trường hợp xác định phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn thì người chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật của phương tiện có thể bị khởi tố về Tội đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn theo Điều 274 Bộ Luật Hình sự, mức phạt cao nhất lên đến 15 năm tù.

Ngoài ra, người nào điều động người không có bằng, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn theo quy định hoặc người đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện giao thông đường thủy mà gây hậu quả, thiệt hại nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội điều động người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường thủy theo Điều 275 Bộ Luật hình sự, mức phạt cao nhất là 15 năm tù.

Dù đây chỉ là một tai nạn, không ai mong muốn xảy ra, các bên nếu có vi phạm thì cũng là lỗi vô ý. Nhưng pháp luật hiện hành vẫn phải buộc các cá nhân, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Nguồn: [Link nguồn]

Tìm thấy thi thể nạn nhân thứ 17 trong vụ chìm ca nô ở Quảng Nam

Lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể nạn nhân thứ 17, là bé trai 3 tuổi trong vụ chìm tàu ở cửa biển Cửa Đại - Quảng Nam.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đại Thắng ([Tên nguồn])
Chìm ca nô ở Cửa Đại, nhiều người tử vong Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN