Tai họa thảm khốc nếu vỡ đập Hồ Núi Cốc
Do ở độ cao và với lượng nước tích trữ lên đến 175 triệu m3, nếu xảy ra vỡ đập, hậu quả sẽ rất khôn lường đối với vùng hạ lưu là TP Thái Nguyên, TP Sông Công, thị xã Phổ Yên, huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên)...
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Thái Nguyên, đập chính Hồ Núi Cốc có hiện tượng thấm nước ở vai đập, phía bờ hữu cao trình +45 m đến +46 m; một số vị trí thấm ở khu vực giữa mái hạ lưu đập chính ở cao trình +38 m. Tại cao trình từ +42 m đến +44 m bờ tả có hiện tượng nước thấm nhiều; rãnh thoát nước hạ lưu của đập tại cơ +32 m và +42 m bị gãy đổ chiều dài 200 m làm tụt tấm lát mái và rãnh thoát nước chân mái hạ lưu bị đổ dài khoảng 8 m; mái lát thượng lưu có một số vị trí bị lún sụt hư hỏng cục bộ.
Tính đến tình huống xấu nhất
Trước tình trạng thân đập chính bị thấm nước có nguy cơ đe dọa an toàn đập, ngày 14-6, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Đoàn Văn Tuấn đã ký ban hành Quyết định số 1509/QĐ-UBND về việc công bố tình trạng khẩn cấp đập chính Hồ Núi Cốc bị thấm có nguy cơ mất an toàn đập.
Tiếp đó, ngày 19-6, UBND tỉnh Thái Nguyên đã họp lấy ý kiến về phương án xử lý khẩn cấp đập chính Hồ Núi Cốc. Cuộc họp có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Tổng cục Thủy lợi, các nhà khoa học thuộc Trường ĐH Thủy lợi, chuyên gia tư vấn của Tổng Công ty Tư vấn Xây dựng thủy lợi Việt Nam.
Theo phân tích của các chuyên gia, do ở độ cao và với lượng nước tích trữ lên đến 175 triệu m3, nếu xảy ra sự cố vỡ đập chính tại Hồ Núi Cốc, hậu quả sẽ rất khôn lường đối với vùng hạ lưu là TP Thái Nguyên, TP Sông Công, thị xã Phổ Yên, huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên) và một phần của tỉnh Bắc Giang.
Đập chính Hồ Núi Cốc bị thấm nước ở nhiều vị trí Ảnh: VĂN DUẨN
Ông Đồng Văn Tự - Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình và an toàn đập, Tổng cục Thủy lợi - cho rằng giải pháp cấp bách là tháo lát mái hạ lưu để quan trắc, khoan phụt ngay lập tức vị trí giữa thân đập - nơi có nước thấm đục chảy ra - rồi mới khoan phụt tiếp theo. Đồng thời phải có phương án phòng chống lũ lụt dưới hạ du vì dự báo năm nay mưa nhiều và lũ, khi thi công sửa chữa cần bảo đảm an toàn, luôn đặt hồ ở trong tình trạng xấu nhất có thể xảy ra.
Theo khảo sát của phóng viên Báo Người Lao Động vào chiều 20-6, mực nước tại Hồ Núi Cốc khá thấp. Các vết thấm đúng như báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Thái Nguyên đã công bố.
Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Thái Nguyên là đơn vị được tỉnh Thái Nguyên giao làm chủ đầu tư xử lý thấm nước đập chính Hồ Núi Cốc. Ông Nguyễn Công Thịnh, chủ tịch kiêm giám đốc công ty, cho biết việc thấm nước qua thân đập đã xảy ra nhiều năm nay nhưng các vết thấm ngày càng lan rộng. Ngày 1-6, đơn vị này đã báo cáo khẩn cấp về hiện trạng công trình và đề nghị đầu tư sửa chữa.
Để khắc phục triệt để việc thấm nước ở đập chính, cần phải qua 2 giai đoạn. Theo ông Thịnh, từ nay đến ngày 20-8, cần khoảng 40 tỉ đồng để khắc phục và khoảng 20-30 tỉ đồng cần phải chi sau đó để tu bổ.
"Việc khắc phục này tập trung vào xử lý chống thấm thân đập, khoan đục để giảm lượng nước thấm, bóc một phần thân đập bằng cách bóc ra xây mới và xây rãnh lọc. Thời gian giai đoạn 1 khoảng 45 ngày từ ngày 6-6, dự kiến ngày 20-8 hồ có thể tích nước bình thường" - ông Thịnh nói.
Ban bố tình trạng khẩn cấp là cần thiết
Ngày 20-6, trả lời về việc sự cố thân đập chính Hồ Núi Cốc đã đến mức phải công bố tình trạng khẩn cấp hay chưa, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng cho rằng Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN-PTNT đã phát hiện ra vết thấm này cách đây hơn 1 tháng. Lãnh đạo tổng cục đã trao đổi với lãnh đạo địa phương bởi đây là vấn đề ảnh hưởng tới an toàn đập. Lãnh đạo bộ cùng các chuyên gia cũng đã trực tiếp lên Thái Nguyên để họp bàn và đưa ra những giải pháp cấp bách cần phải làm ngay.
Ông Thắng khẳng định trong điều kiện thiên tai và biến đổi khí hậu như hiện nay, UBND tỉnh Thái Nguyên công bố một quyết định có tính chất nghiêm trọng để huy động các lực lượng tham gia xử lý sự cố này là cần thiết để nâng cao trách nhiệm, ý thức từ các cơ quan đến người dân, đặc biệt là ở vùng hạ lưu nhằm chuẩn bị ứng phó.
"Tạo ra sự hoảng loạn cho người dân là không nên nhưng cả người dân và chính quyền đều phải có tâm thế chủ động ứng phó trước thiên tai để giảm thiểu thiệt hại khi sự cố có thể xảy ra" - ông Thắng nhấn mạnh.
Còn theo ông Nguyễn Công Thịnh, UBND tỉnh Thái Nguyên công bố tình trạng khẩn cấp thể hiện trách nhiệm của UBND tỉnh trước tính mạng của dân. "Nếu không công bố tình trạng khẩn cấp thì quy trình để sửa chữa, khắc phục thấm đập sẽ rất chậm" - ông Thịnh nói.
Hiện nay, mực nước hồ vào khoảng 40 triệu m3 nước, trong khi sức chứa lên tới 175 triệu m3 nước. "Nói vậy để thấy nếu ở điều kiện bình thường, đập chính vẫn bảo đảm an toàn. Còn nếu trong tình trạng nguy cấp nhất, đập chính mất an toàn thì sẽ phải phá các đập phụ để bảo đảm an toàn đập chính và người dân phía hạ lưu" - ông Thịnh nói.
Hồ Núi Cốc là hồ nước ngọt nhân tạo ở Thái Nguyên, được khởi công xây dựng vào năm 1972 và được đưa vào khai thác năm 1978. Hồ có đập chính dài 480 m cùng với 6 đập phụ. Đây là công trình nằm trong danh mục 6 hồ chứa là công trình thủy lợi quan trọng cấp quốc gia. Hồ Núi Cốc có nhiệm vụ bảo đảm nước cho sản xuất nông nghiệp của hơn 30.000 ha hoa màu mỗi năm. Nguồn nước từ hồ phục vụ thủy lợi cho tỉnh Bắc Giang với dung lượng 30 triệu m3/năm; phục vụ sinh hoạt cho TP Thái Nguyên với dung lượng 30.000 m3/ngày; cung cấp nước cho Nhà máy Nước sạch Yên Bình với công suất 30.000-150.000 m3/ngày. |
Cả một thân đập dày 5 mét, dài gần 100 mét bị cuốn trôi, trơ những cọng sắt nhỏ; quanh đó đất sụt lún.