Tái đề xuất CSGT được trích một phần tiền phạt vi phạm giao thông
Chính phủ đề xuất cho Bộ Công an được trích một phần từ khoản tiền xử phạt vi phạm giao thông để tăng cường cơ sở vật chất, hiện đại hóa lực lượng CSGT.
Báo cáo tiếp thu giải trình dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Ủy ban Thường vụ trình Quốc hội chiều 22/5 cho biết Chính phủ đề xuất khoản này được quản lý, sử dụng theo pháp luật về ngân sách nhà nước. Số tiền sẽ dùng phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị cho cảnh sát giao thông (CSGT).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng hàng năm Bộ Công an được Quốc hội phân bổ ngân sách theo hướng bố trí dự toán chi ngân sách từ nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính để tăng cường hoạt động đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Tuy nhiên, trình tự, thủ tục thực hiện việc bố trí ngân sách sách từ nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này còn nhiều khó khăn do chưa có cơ sở pháp lý đầy đủ.
"Trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, tham khảo quy định tương tự tại Luật Thanh tra năm 2022, Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho bổ sung nội dung này", báo cáo nêu.
Tại dự thảo hồi đầu tháng 3, Bộ Công an đề xuất cảnh sát giao thông được trích không thấp hơn 70% khoản tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ sau khi nộp vào ngân sách nhà nước và không thấp hơn 30% tiền thu được từ đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách trung ương.
Tuy nhiên, dự thảo luật xin ý kiến tại phiên họp đại biểu Quốc hội chuyên trách (26-27/3) đã bỏ nội dung này. Dự thảo chỉ nêu việc huy động, sử dụng các nguồn lực để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; bảo đảm ngân sách, cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị hiện đại, các điều kiện bảo đảm và nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ của lực lượng trực tiếp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Lực lượng cảnh sát giao thông làm việc tại một tuyến đường tại Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành
Phó chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Yến Nhi không đồng tình với đề xuất này. "Công tác xử phạt vi phạm hành chính trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực đều phải tuân thủ theo Luật Xử lý vi phạm hành chính. Tại sao lĩnh vực này lại có quy định riêng để trích phần trăm tiền xử phạt", bà đặt câu hỏi.
Theo đại biểu tỉnh Bến Tre, quy định này không thống nhất với các chính sách, quy định chung và Luật Ngân sách nhà nước. Mặt khác, đề xuất này vô tình làm CSGT bị "điều tiếng không hay".
Đồng tình cần tăng cường cơ sở vật chất, hiện đại hóa cho CSGT, song nữ đại biểu nhìn nhận nhiều ngành lĩnh vực khác như môi trường, tài nguyên, quản lý thị trường cũng rất phức tạp, xảy ra nhiều hành vi vi phạm không riêng gì lĩnh vực giao thông. Vì vậy, bà đề nghị không quy định nội dung này tại dự luật. Thay vào đó, cơ quan soạn thảo, thẩm tra nghiên cứu, sửa đổi trình tự thủ tục về bố trí ngân sách, tháo gỡ thỏa đáng để có nguồn bố trí cho CSGT.
Đầu năm 2020, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, phát đi thông báo giải thích việc phân bổ tiền phạt vi phạm giao thông. Theo đó năm 2007, để khắc phục tình trạng tai nạn giao thông tăng cao và hỗ trợ lực lượng chức năng mua sắm trang bị, phương tiện phục vụ công việc, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 89/2007 quy định tiền phạt vi phạm hành chính được phân bổ cho lực lượng chức năng.
Theo văn bản này, CSGT được giữ lại 70% số tiền xử phạt vi phạm giao thông; thanh tra giao thông vận tải (gồm cả trạm cân kiểm tra xe, Cảng vụ đường thủy nội địa) 10%; Ban an toàn giao thông tỉnh, thành phố 10%, 10% còn lại cho công an xã, phường, thị trấn.
Đến năm 2013, Thông tư 89/2007 hết hiệu lực và thay thế bằng Thông tư 153/2013, nêu rõ tiền thu phạt vi phạm hành chính nộp đầy đủ vào ngân sách nhà nước và điều tiết 100% cho ngân sách địa phương, HĐND cấp tỉnh quyết định. Riêng lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, việc điều tiết tiền thu phạt thực hiện theo sự hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Theo chương trình, dự luật được xem xét thông qua ngày 26/6.
Sáng 21-5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đường bộ.
Nguồn: [Link nguồn]