Syria: Bức ảnh chĩa súng vào em bé quỳ gối gây sốc

Một bức ảnh do "thành viên lực lượng Quân đội Tự do Syria (FSA)" vừa tải lên mạng internet lập tức gây sốc. Trong hình, 3 họng súng trường đang chĩa vào một đứa trẻ khoảng 4 tuổi quỳ gối trên mặt đất, đầu nghiêng về phía sau.

Bức ảnh được đăng tải rộng rãi trên mạng cùng với dòng chú thích: “Con tin trẻ tuổi nhất của chúng tôi trong hàng ngũ giáo phái thù địch Kessab”. Đứa trẻ có khuôn mặt bầu bĩnh, đôi mắt to tròn và đen láy ngơ ngác trước 3 họng súng.

Tuy nhiên, tính xác thực của hình ảnh chưa được kiểm định. Bức ảnh lấy bối cảnh tại một ngôi làng của người theo đạo Ki-tô giáo gần biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ. Giới phân tích cho rằng đứa trẻ trong tấm hình là một diễn viên đóng thế nhằm góp phần tuyên truyền cho phe ủng hộ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad và làm giảm uy tín của lực lượng nổi dậy Syria.

Nhưng nếu bức ảnh là thật, đó sẽ là một cột mốc đáng nhớ đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc xung đột đẫm máu tại Syria hơn 3 năm qua, cướp đi sinh mạng của hơn 150.000 người, khi trẻ em cũng bị lôi vào vòng cuốn của bạo lực không lối thoát.

Syria: Bức ảnh chĩa súng vào em bé quỳ gối gây sốc - 1

Bức ảnh đứa trẻ quỳ gối và bị ba họng súng trường chĩa vào đầu đang gây bão trên mạng internet. Ảnh: Twitter

Sau khi các phương tiện truyền thông xã hội Ả Rập đăng tải bức ảnh, làn sóng phản đối các nhóm nổi dậy Syria tại các khu vực nói tiếng Ả Rập dâng cao mạnh mẽ.

Các thành viên ủng hộ chế độ Assad là những người tích cực chia sẻ bức ảnh qua mạng internet nhất, cùng với lời mô tả 3 người đàn ông trong bức ảnh không khác nào “những kẻ khủng bố và giết người tàn bạo”.

Theo một nhóm giám sát nhân quyền ở Syria, cuộc bầu cử tổng thống diễn ra tại đất nước này vào 3-6 tới dường như có liên quan tới bức ảnh, một phần trong kế hoạch tăng cường sự ủng hộ của người dân đối với Tổng thống Assad.

Kể cả phe đối lập Syria và đa số cộng đồng quốc tế đều không ủng hộ cuộc bầu cử. Hiện vẫn chưa rõ chính quyền ông Assad làm cách nào để tổ chức cuộc trưng cầu ý kiến trong khi đất nước gặp bạo loạn và gần một nửa dân số phải di dời.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo P.Nghĩa (Người Lao Động/Daily Mail)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN