Suýt mất mạng vì sợ đến bệnh viện "mùa" Covid-19
Không ít người nhập viện cấp cứu, thậm chí tử vong vì không kịp thời thăm khám để được điều trị vì lo sợ đến viện “mùa” Covid-19.
Kiểm soát sàng lọc phòng Covid-19 thực hiện nghiêm ngặt tại Bệnh viện Việt Đức
Vỡ ruột thừa, áp-xe mủ thành bụng vì nhập viện muộn
Theo chia sẻ của BS. Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa SaintPaul Hà Nội, mới đây bệnh viện tiếp nhận một phụ nữ ngoài trung niên, tiền sử hoàn toàn khoẻ mạnh.
Trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19, chị cố gắng chịu đựng những cơn đau bụng, tự điều trị ở nhà bằng thuốc giảm đau và kháng sinh. Không chịu nổi cơn đau kéo dài, hơn tuần sau chị vào viện, kết quả siêu âm thấy ruột thừa đã vỡ, những ổ áp-xe chứa đầy mủ khắp thành bụng, “ăn” cả vào ống tiêu hoá, mạc treo và phần phụ.
“Ca phẫu thuật ruột thừa đáng ra khá thông thường, chỉ phải nằm viện vài ngày, nhưng nay đã trở nên quá phức tạp, bác sĩ phẫu thuật phải sử dụng năm cái ống thông cắm sâu vào ổ bụng, cùng với kháng sinh mạnh để kiểm soát nhiễm trùng lan rộng”, BS. Phúc kể.
Qua thăm hỏi bệnh nhân, BS. Phúc cho biết: “Nguyên nhân của sự chậm trễ đến viện, chấp nhận chịu đau đến vậy là do bệnh nhân và gia đình quá lo ngại lây nhiễm Covid-19 ở bệnh viện. Và không riêng với bệnh nhân này, hàng ngày còn có những bệnh nhân ung thư, bệnh nhân tim mạch, bệnh nhân đột quỵ và trong số đó không ít trẻ con phải chịu đau đớn, thậm chí tử vong tại nhà hoặc đến viện đã quá muộn”.
Sự việc đáng tiếc hơn khi nam bệnh nhân 64 tuổi (trú tại Thạch Thất, Hà Nội) được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất trong tình trạng cấp cứu, có biểu hiện tím tái, nôn ra máu. Tại bệnh viện, bệnh nhân đã ngừng thở, máu không ngừng chảy ra ở miệng và mũi, thăm khám mạch không, huyết áp không, không bắt được mạch cảnh ở bẹn…
Ngay lập tức, bệnh nhân được cấp cứu ngừng tuần hoàn, ép tim ngoài lồng ngực, đặt ống nội khí quản… Sau 15 phút cấp cứu, bệnh nhân có mạch, nhịp tim trở lại và được bác sĩ tiến hành sonde dạ dày ra khoảng 500ml máu đỏ tươi và tiếp tục được cấp cứu, cầm máu.
Tuy nhiên, vì lượng máu mất quá lớn, bệnh nhân đến viện quá muộn, dù các bác sĩ đã cố gắng nhưng bệnh nhân không qua khỏi.
Được biết, bệnh nhân vốn mắc bệnh mạn tính gout, viêm loét dạ dày, suy thận mạn. Người nhà bệnh nhân cho hay, bệnh nhân lo sợ dịch bệnh Covid-19 nên nhất quyết không đến bệnh viện khám định kỳ mà tự điều trị bằng thuốc mua trên mạng.
Theo BS. Vương Trung Kiên, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất, Hà Nội, người bệnh vì lo lắng thái quá về dịch bệnh Covid-19, dẫn đến tâm lý ngại, “sợ” đến bệnh viện khiến bệnh tình trở nặng, điều trị khó khăn hơn, thậm chí tử vong. Đáng lo ngại, tình trạng này đang diễn ra khá phổ biến.
Dẫn chứng cho điều này, ông Kiên cho hay, mới đây, một cụ bà 84 tuổi cấp cứu trong tình trạng xuất huyết tiêu hóa.
Trước đó, cụ bà có dấu hiệu kém ăn, đi phân đen nhưng gia đình trì hoãn ở nhà để theo dõi, chỉ đến khi nôn ra máu mới tá hỏa nhập viện. Bệnh nhân được chẩn đoán xuất huyết tiêu hóa, loét hoành tá tràng và điều trị tích cực truyền máu, cầm máu. May mắn bệnh nhân “thoát hiểm”, dần phục hồi sức khỏe sau đó.
Trước đó, tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, một bệnh nhân (85 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) đã tử vong do đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD). Đáng nói, bệnh tình của bệnh nhân nặng lên đã 1 tuần nay nhưng ngại không đi khám vì “sợ” Covid-19.
Bệnh viện không phải là “ngáo ộp” mùa Covid-19
Chia sẻ về vấn đề này, PGS. TS. Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết: “Bệnh viện là nơi có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 lớn, nên tâm lý lo ngại tới bệnh viện của bệnh nhân là có thể thông cảm. Để tránh tình trạng người không cần thiết đến viện cũng tới khám, ngược lại người bị bệnh nặng lo sợ lây nhiễm Covid-19 lại ở nhà, các bệnh nhân trước khi đến viện khám nên gọi trước cho các bác sĩ để được tư vấn, chẩn đoán tình trạng bệnh. Những ca bệnh nặng sẽ được các bác sĩ khuyên đến viện sớm, cấp cứu kịp thời; các ca nhẹ không cần đến viện sẽ được tư vấn chữa bệnh từ xa”.
Chung quan điểm, BS. Vương Trung Kiên nhấn mạnh: “Khi thấy bất thường về sức khỏe, người dân cần liên hệ đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời, đồng thời chú ý thực hiện khuyến cáo 5K của Bộ Y tế để bảo vệ bản thân và mọi người xung quanh. Vừa phòng chống dịch bệnh nhưng cần đảm bảo cơ hội thăm khám và điều trị kịp thời. Đặc biệt, với các bệnh nhân vốn có bệnh nền, cần giữ liên hệ với bác sĩ qua các kênh khác nhau để tiếp tục được dùng thuốc và theo dõi tình trạng bệnh, không nên tự xử lý ở nhà.
“Hiện nay, trong cơ sở y tế thực hiện nghiêm ngặt việc sàng lọc với những bệnh nhân có nguy cơ về Covid-19. Nếu bệnh nhân có bệnh nền nhưng lại xuất hiện các biểu hiện bất thường như khó thở tăng, mệt mỏi, đau ngực, vã mồ hôi, không tỉnh táo buộc phải báo người nhà đưa đi cấp cứu kịp thời”, ông Kiên lưu ý.
Nguồn: [Link nguồn]
Một bệnh nhi và mẹ tại khoa sốt xuất huyết của Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính khi...