Sửa Luật Thủ đô: Cho phép Hà Nội hỗ trợ thu hồi xe máy cũ và hạn chế phương tiện vào nội đô

Sự kiện: Thời sự

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cho phép Hà Nội hỗ trợ thu hồi xe máy cũ, hỗ trợ phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu sạch và hạn chế các phương tiện gây ô nhiễm vào khu vực nội đô...

Chiều ngày 28-5, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp Luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), trước khi thảo luận tại hội trường về dự luật này.

Báo cáo cho biết, dự luật thảo Luật Thủ đô đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp 6 (tháng 10-2023). Sau khi tiếp thu, chỉnh lý dự luật có 7 chương và 54 điều, giảm 5 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội, trong đó bỏ 7 điều, bổ sung mới 2 điều.

Hỗ trợ thu hồi xe máy cũ

Liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường (tại điều 28, dự thảo Luật), báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô cho hay có ý kiến đề nghị không quy định nội dung “thu mua, đổi phương tiện giao thông cũ sang phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch để giảm ô nhiễm môi trường” vì khó thực hiện trên thực tế.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cho phép Hà Nội nhiều cơ chế, chính sách để giảm, hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm tại khu vực nội thành (Ảnh: PLO)

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cho phép Hà Nội nhiều cơ chế, chính sách để giảm, hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm tại khu vực nội thành (Ảnh: PLO)

Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã bỏ nội dung này và chỉnh lý lại quy định theo hướng HĐND TP quyết định chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch.

Đồng thời quy định các biện pháp hạn chế sử dụng phương tiện giao thông phát thải gây ô nhiễm môi trường. Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng giao thông sử dụng năng lượng sạch để TP có thể chủ động, linh hoạt áp dụng các giải pháp phù hợp với khả năng nguồn lực và yêu cầu của tình hình thực tế.

Hạn chế phương tiện vào nội đô

Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cho hay ý kiến đề nghị bổ sung các quy định về việc hạn chế phương tiện giao thông trong TP, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường Thủ đô nghiêm ngặt hơn so với quy chuẩn môi trường quốc gia.

Về việc này, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã bổ sung định nghĩa “vùng phát thải thấp” là khu vực được xác định để hạn chế các phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường nhằm cải thiện chất lượng không khí (khoản 6, điều 3).

Đồng thời giao HĐND TP quy định các biện pháp hạn chế phương tiện giao thông phát thải gây ô nhiễm môi trường nhằm cải thiện chất lượng không khí và các biện pháp cần thiết kèm theo để bảo đảm phát triển bền vững (khoản 3 Điều 28).

“Các quy định này nhằm hạn chế các hoạt động gây ô nhiễm môi trường, từng bước cải thiện và bảo đảm thực hiện nghiêm túc các tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường trên địa bàn” – báo cáo nhấn mạnh.

Hỗ trợ phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch

Báo cáo cho hay, có ý kiến đề nghị bổ sung trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) một số cơ chế để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, không khí, ùn tắc giao thông, việc bảo đảm tỷ lệ đất dành cho giao thông khoảng từ 16% đến 26%, cho cây xanh khoảng 10m2/người trên địa bàn TP, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Theo đó, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đô) đã bổ sung có nhiều quy định để giải quyết các vấn đề này như chính sách, biện pháp để hỗ trợ tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch.

Đồng thời quy định các biện pháp hạn chế sử dụng phương tiện giao thông phát thải gây ô nhiễm môi trường. Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng giao thông sử dụng năng lượng sạch (khoản 3 Điều 28).

Bên cạnh đó, bổ sung quy định về quỹ đất sau khi di dời trụ sở các cơ quan được sử dụng để xây dựng không gian công cộng, tăng tỷ lệ đất cây xanh sử dụng công cộng và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, không bố trí chức năng ở tại khu vực nội đô lịch sử.

Ưu tiên xây dựng công trình công cộng, phúc lợi xã hội, bảo đảm đáp ứng tiêu chuẩn hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo phân loại đô thị tại khu vực khác ở đô thị trung tâm (khoản 5 Điều 18),…

Báo cáo giải trình tiếp thu dự luật cho biết, hiện Hà Nội đang thực thực hiện các quy định của Bộ TN&MT về quy chuẩn kỹ thuật về môi trường trên địa bàn TP. Các quy chuẩn này hiện đều đang ở mức cao và nghiêm ngặt hơn so với quy chuẩn quốc gia.

Đối với quy chuẩn khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, hiện Quốc hội đang xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Đường bộ (dự kiến trình thông qua tại kỳ họp thứ 7, tháng 5-2024), trong đó có nội dung giao Bộ trưởng GTVT quy định về kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy; ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở đăng kiểm xe cơ giới, cơ sở kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy.

Bộ TN&MT cũng đang chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành lộ trình áp dụng quy chuẩn khí thải phương tiện xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành.

Do đó, xin phép Quốc hội cho tiếp tục nghiên cứu, theo dõi quá trình thực hiện các quy định của pháp luật hiện hành để tổng kết, đề xuất các quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường phù hợp với các yêu cầu nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường của Thủ đô.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước ở Hà Nội… sẽ được hưởng thu nhập tăng thêm căn cứ theo năng lực, hiệu quả công việc

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo NHÓM PHÓNG VIÊN ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN