Sửa hiến pháp, Nhật có thể đưa quân xuống Biển Đông
Nhật Bản sẽ có thể đưa lực lượng ra nước ngoài để thực thi quyền phòng vệ tập thể bảo vệ đồng minh.
Ngày 1/7, Nhật Bản gần như đã đi đến kết luận cuối cùng về việc sửa đổi cách giải thích hiến pháp, dỡ bỏ những bó buộc về mặt pháp lý đối với quân đội nước này nhằm tạo điều kiện cho Nhật Bản có thể triển khai quân ra nước ngoài để bảo vệ đồng minh.
Trong một nỗ lực thay đổi chính sách lớn nhất của Nhật Bản thời kỳ hậu chiến, liên minh cầm quyền Nhật Bản đã phê chuẩn việc sửa đổi các điều khoản liên quan đến quân đội nước này quy định trong hiến pháp. Giờ đây việc sửa đổi này chỉ chờ sự thông qua mang tính hình thức của Nội các Nhật Bản do Thủ tướng Shinzo Abe lãnh đạo.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe
Sau động thái này, quân đội Nhật Bản sẽ có thể triển khai lực lượng tới các quốc gia khác để thực thi “quyền phòng vệ tập thể” nhằm bảo vệ đồng minh trong trường hợp bị tấn công, đồng nghĩa với việc lực lượng tác chiến của Nhật Bản có thể sẽ hiện diện trên Biển Đông để bảo vệ tàu chiến Mỹ trong trường hợp nổ ra xung đột.
Theo quy định trước đây trong hiến pháp Nhật Bản, quân đội nước này không được phép triển khai binh sĩ ra nước ngoài để thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu. Quy định này được đưa vào hiến pháp để ngăn ngừa thảm họa xâm lược và chiếm đóng mà đế quốc Nhật từng gây ra ở nhiều nước châu Á.
Ông Abe đã rất nỗ lực để thay đổi quy định này, vì ông cho rằng nó hạn chế quyền sử dụng vũ lực để phòng vệ của Nhật Bản, làm phương hại đến môi trường an ninh khu vực, đặc biệt là trước mối đe dọa quân sự đến từ Trung Quốc và Triều Tiên.
Nhật Bản sẽ có thể điều quân xuống Biển Đông để bảo vệ đồng minh
Trong nỗ lực lần này, chính phủ của ông Abe vẫn giữ nguyên hiến pháp mà chỉ thay đổi cách diễn giải của nó nhằm trao cho quân đội nước này nhiều quyền lực hơn trong hành động.
Đồng minh lớn nhất của Nhật là Mỹ đã bày tỏ sự ủng hộ đối với động thái này của ông Abe. Với thay đổi này, giờ đây hải quân Nhật Bản có thể điều động lực lượng để bảo vệ tàu chiến Mỹ trong trường hợp bị tấn công.
Nghị sĩ Takeshi Iwaya, Chủ tịch Ủy ban Nghiên cứu An ninh của đảng cầm quyền Nhật Bản nhấn mạnh: “Điều mà Nhật Bản đang làm là đóng vai trò tích cực hơn trong hợp tác với các nước nhằm tạo ra một khuôn khổ để bảo vệ hòa bình và ổn định trong khu vực.”