Sư tử đá ngoại lai ở làng nghề đá mỹ nghệ mốc xanh vì ế
Nếu như trước đây những cặp sư tử đá ngoại lai được bày bán la liệt hai bên đường vào làng đá mỹ nghệ Ninh Vân thì giờ đây những cặp sư tử đá ở nơi đây đang rơi vào cảnh ế ẩm chẳng ai đoái hoài tới.
Vừa qua, sau khi Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch khuyến cáo không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam thì hầu hết các cơ sở chế biến đá mỹ nghệ tại làng nghề Ninh Vân, Hoa Lư, Ninh Bình cũng dần vắng bóng khách đến đặt làm những mẫu sư tử đá theo mẫu Trung Quốc này. Theo đó, các chủ cơ sở đang tìm cách dần chuyển hướng lối đi mới bằng những mẫu linh vật thuần Việt để đáp ứng nhu cầu của thị trường tiêu dùng.
Ế hàng sư tử đá ngoại lai
Đã từ lâu Ninh Vân vốn nổi tiếng là làng đá mỹ nghệ số 1 miền Bắc, đây được xem là nơi sản sinh ra các thế hệ “nghệ nhân” khéo léo, chuyên chế tác các sản phẩm từ đá. Cũng chính nơi này, từ đôi bàn tay của các “nghệ nhân” những cặp sư tử đá “hầm hố” lần lượt ra đời và là một trong những mặt hàng bán rất chạy, đem lại nguồn kinh tế cao. Tuy nhiên thời gian gần đây các chủ cơ sở ở làng nghề cũng chẳng mấy mặn mà gì nữa với mẫu hàng sư tử đá ngoại lai ấy.
Trước kia, những cặp sư tử đá ngoại lai là một trong những mặt hàng bán rất chạy tại làng nghề, nhưng đến thời điểm này dọc hai bên đường vào làng nghề vẫn xuất hiện hình ảnh các cặp sư tử ngoại, nhưng đó chỉ là những mẫu hàng ế ẩm bởi không còn khách đến mua. Có những cặp sư tử đá to, cao trị giá từ vài chục đến cả trăm triệu đồng nhưng không có khách mua nên các chủ cơ sở đành chỉ biết dồn vào xó, những lớp rêu xanh phủ dầy mặt đá.
Nhiều chủ cơ sở tại làng nghề cho biết: “Mặt hàng sư tử đá “kiểu Tàu” chủ yếu đều được làm theo mẫu đặt hàng mà khách hàng mang tới, hầu hết các khách hàng đến mua đều rất ưa chuộng kiểu sư tử đá dạng Trung Quốc, bởi nó trông rất to, cao, hung dữ. Thời gian này, Bộ VHTT & DL có khuyến cáo không sử dụng nữa nên cũng ít người đến đặt làm mẫu đó. Những cặp sư tử kiểu đó còn lại đến giờ này chủ yếu đều là mẫu hàng trưng bày chứ nay mai rồi cũng dừng hẳn mặt hàng này.”
Những cặp sư tử đá ngoại lai nằm ngổn ngang bên góc đường
Theo như khảo sát tại làng nghề đá Ninh Vân thì mỗi cặp sư tử đá ngoại lai có giá dao động từ 50 – 60 triệu đồng/cặp vừa, những cặp to lên đến 100 – 130 triệu/cặp. Thời “hoàng kim” mỗi cơ sở trung bình mỗi tháng cũng xuất đi khoảng 7 – 8 cặp, chi phí vật liệu, lương ra cũng kiếm được kha khá, thế nên đây là mặt hàng được các chủ cơ sở rất thích làm. Nhưng do lượng khách đặt mặt hàng ngày một ít nên các cặp sư tử đá đang trở nên ế ẩm.
Nghê Việt sẽ dần lên ngôi...
Bước vào các cơ sở chế biến đá mỹ nghệ tại làng nghề, ngoài các cặp sư tử đá còn có rất nhiều mẫu linh vật trông có hình thù rất lạ lẫm. Sau khi dò hỏi, nhiều nghệ nhân tại đây cho biết những mẫu đó là “nghê Tàu”.
Các nghệ nhân tại làng nghề lý giải trước kia tại làng nghề cũng có rất nhiều cơ sở chuyên chế tác các mẫu nghê thuần Việt, nhưng do nhu cầu sử dụng của khách hàng ngày một thịnh mốt sư tử đá ngoại lai nên hầu hết đều chuyển sang làm mặt hàng này. Nghê Việt mới nhìn thì trông giống như một con chó đá, có truyền thống lâu đời với người dân Việt Nam, nhưng sau bao thế hệ tại làng nghề, mẫu nghê Việt dần thay đổi về hình dáng lẫn kích thước nên mới nhìn rất khó phân biệt đâu là nghê Việt đâu là nghê Tàu.
“Tuy chưa có công văn về tận làng nghề nhưng qua mạng internet các chủ cơ sở tại làng nghề cũng dần ý thức được việc cần chuyển hướng đi tìm mẫu linh vật mới sao cho phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt, đồng thời đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng sao cho phù hợp. Sắp tới chúng tôi sẽ chuyển sang nghiên cứu chế tác mẫu nghê thuần Việt. Nhưng để làm được điều này rất cần đến sự góp sức của các nhà chức trách để người dân hiểu biết hơn về linh vật Việt", Ông Hoàn, một nghệ nhân tại làng nghề cho biết.
Hy vọng, với tay nghề điêu luyện của các nghệ nhân tại làng nghề, trong nay mai những mẫu linh vật thuần Việt như nghê đá, chó đá... sẽ dần trở thành những hình ảnh quen thuộc hơn nữa với người dân chúng ta.
Sư tử đá ngoại lai bị vứt bên đường
Trước đây mỗi cặp sư tử như thế này có giá từ 40 -50 triệu đồng, nhưng nay dần trở thành những tảng đá phế.
Cặp sư tử này có giá bán 120 triệu đồng nhưng giờ đây không có khách mua nên chủ cơ sở bỏ mặc cho rêu mọc xanh.
Các nghệ nhân tại làng nghề cho biết đây chính là những mẫu nghê Tàu