Sự thật về công nghiệp tình dục Thái Lan

Dù bất hợp pháp, ngành công nghiệp tình dục ở Thái Lan phát triển mạnh đến mức nhiều người tưởng rằng chính phủ đang tổ chức và quản lý khá tốt. Tuy nhiên, đằng sau vẻ bề ngoài đó là những sự thật bất ngờ.

Từ năm 1934, mại dâm được coi là hợp pháp ở Thái Lan. Nhưng đến năm 1960, nước này buộc phải thông qua đạo luật chống mại dâm dưới áp lực của LHQ. Theo luật, không ai được tham gia vào hoạt động mua bán dâm, cả đồng tính và không đồng tính. Ai vi phạm sẽ bị phạt 2000 baht (khoảng 1,3 triệu đồng) hoặc bị giam lên tới 2 tháng.

Lãnh địa của những “bố già mại dâm”

Theo TS. Chatsumarn Kabilsingh, giáo sư về tôn giáo và triết học tại ĐH Thannasat ở Bangkok, người đã nghiên cứu về mại dâm ở Thái Lan, ngành công nghiệp mại dâm của Thái Lan bắt đầu “cất cánh” từ những năm 1960, khi Mỹ lập các căn cứ quân sự ở đây để tham chiến ở Việt Nam. Sau khi những căn cứ này bị dỡ bỏ, mại dâm tiếp tục phát triển dưới nhiều hình thức: gái bar, ca sĩ, bạn nhảy, hay nhiều nghề “bao” khác.

Trong thời gian này, Thái Lan thu về khoảng 16 triệu USD mỗi năm. Nhiều người coi đây là ngành giúp ích cho những phụ nữ muốn thoát khỏi nghèo đói và giúp đỡ gia đình ở nông thôn, nhưng không ít quan điểm cho rằng đây là điều ô uế, đáng hổ thẹn. Sau chiến tranh, ngành du lịch của Thái Lan phải thế chỗ để tạo ra doanh thu cho đất nước, từ đó sinh ra những điểm nóng như Pattaya.

Sự thật về công nghiệp tình dục Thái Lan - 1

Hai gái mại dâm ở Pattaya đang mời chào khách tây. Nguồn: notoprosti

Năm 2003, Bộ Tư pháp Thái Lan từng đề xuất thảo luận về việc hợp pháp hóa mại dâm, nhưng vấp phải sự phản đối của dư luận và lo ngại về hệ lụy xã hội nên đề xuất này bị bãi bỏ.

Luật là như vậy, nhưng các nhà thổ vẫn hoạt động công khai dưới sự bảo kê của một số băng nhóm mafia và sự làm ngơ, thậm chí ngầm bảo vệ từ chính quyền địa phương. Tình trạng phổ biến của loại hình dịch vụ này và hệ thống thực thi pháp luật yếu kém khiến nhiều người lầm tưởng mại dâm ở Thái Lan là hợp pháp.

Sự tổ chức, sắp xếp quy củ của những phố đèn đỏ khiến nhiều người nước ngoài tưởng rằng chính phủ Thái Lan tổ chức tốt dịch vụ mại dâm, nhờ đó làm giảm tác hại mà mại dâm gây ra như hối lộ, bảo kê, ma túy. Tuy nhiên, đằng sau những khu đèn đỏ này là những băng đảng tội phạm khét tiếng như Hội Tam Hoàng hay Yakura.

Chuwit Kamolvisit là chủ của nhiều cơ sở mát-xa ở Bangkok và được nhiều người coi là “bố già mại dâm” ở Thái Lan. Năm 2004, ông này được bầu vào Hạ viện Thái Lan với nhiệm kỳ 4 năm. Nhưng đến năm 2006, Tòa án hiến pháp buộc ông ta phải rời Hạ viện. Tháng 8/2008, Kamolvisit lại tranh cử chức thống đốc Bangkok, nhưng không trúng cử. Năm 2003, ông ta tiết lộ rằng một vài người bạn thân nhất của mình là những quan chức và cảnh sát cao cấp, và trong thập kỷ qua ông ta đã hối lộ hơn 1,5 triệu bảng Anh (gần 51 tỷ đồng) để “bôi trơn” giúp hệ thống cung cấp dịch vụ gái mại dâm của mình làm ăn thuận lợi.

Được cả xã hội chấp nhận

Dù ngành “công nghiệp tình dục” của Thái Lan công khai nhằm vào khách nước ngoài, nhưng có tới hơn 90% đàn ông Thái Lan, không loại trừ các chính trị gia, cũng thường xuyên đến nhà thổ.

Nghị sĩ Thirachai Sirikhan từng phát biểu: “Có nhân tình hay không là quyền riêng của mỗi người. Chẳng có vấn đề gì nếu chính trị gia có nhân tình mà không gây ảnh hưởng tới gia đình và xã hội”.

Xã hội Thái Lan có quan điểm cực kỳ thoáng về mại dâm. Không chỉ đàn ông, mà nhiều phụ nữ Thái tin rằng sự tồn tại của mại dâm giúp giảm số vụ hiếp dâm, và họ coi mại dâm là một phần của cấu trúc xã hội.

Một nghiên cứu do ĐH Chiengmai thực hiện gần đây cho thấy nhiều nam giới Thái Lan bắt đầu mua dâm từ năm 13 tuổi; một nửa thanh thiếu niên dưới 16 tuổi và 90% nam sinh viên duy trì thói quen đi nhà thổ.

Sự thật về công nghiệp tình dục Thái Lan - 2

Các bé gái ở Thái Lan dễ có nguy cơ rơi vào ổ mại dâm. Nguồn: thirdworldorphans

Nhà hoạt động vì nhân quyền Kritaya Archavanitkul nhận xét: “Thật buồn khi phải nói rằng, cấu trúc xã hội của Thái Lan chấp nhận loại hình lạm dụng phụ nữ này… Thái Lan cũng có những băng đảng mafia tham gia vào các đảng chính trị, khiến tình trạng lạm dụng không bị ngăn chặn”.

“Lý do thứ hai là yếu tố văn hóa. Tôi không biết ở những nước khác thì thế nào, nhưng ở Thái Lan thì đàn ông Thái coi việc quan hệ tình dục với gái mại dâm là chuyện bình thường. Mọi tầng lớp đàn ông đều chấp nhận điều đó. Nên họ không thấy đó là vấn đề”.

“Những người làm chính sách phần lớn cũng là đàn ông, nên tất nhiên, họ không coi điều này có gì nghiêm trọng. Họ biết rằng rất nhiều phụ nữ bị bán làm gái mại dâm ở Thái Lan. Họ biết rằng những người đó bị lạm dụng, bị bạo hành. Nhưng họ chỉ nghĩ đó là những trường hợp thiếu may mắn”.

“Và, vì lợi nhuận, tôi nghĩ rất nhiều người có quyền lợi trong đó, luôn cố gắng coi như không nhìn thấy vấn đề này”.

Vô vàn hệ lụy

Ước tính số gái mại dâm ở Thái Lan dao động từ 70.000 - 2,8 triệu. Tuy nhiên, nhiều tổ chức phi chính phủ cho rằng con số do Bộ Y tế Thái Lan đưa ra quá thấp.

Thái Lan là điểm đến ưa thích của những kẻ thích quan hệ với trẻ em (ấu dâm). Luật pháp nước này cấm quan hệ tình dục với người dưới 18 tuổi, nhưng ước tính có khoảng 40% gái mại dâm của nước này chưa đủ 16 tuổi. Riêng ở Pattaya đã có khoảng 2.000 trẻ em tham gia vào ngành công nghiệp tình dục, và mỗi năm khoảng 900 trẻ em khác trở thành công cụ mua vui thân xác.

Cuộc đời của người bán dâm tại Thái Lan thực tế luôn đầy rẫy hiểm nguy, bệnh tật, cũng như phải chịu sự kì thị của cộng đồng.

Theo Văn phòng LHQ về ma túy và tội phạm (UNODC), Thái Lan là điểm nóng về buôn bán phụ nữ làm gái mại dâm từ Myanmar, Campuchia, Lào, và Trung Quốc. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, hiện nay Thái Lan có số lượng người trưởng thành nhiễm HIV cao nhất khu vực Đông Nam Á, với khoảng 520.000 người.

Ngoài ra, vì nghèo, một số nam giới Thái Lan đã phẫu thuật chuyển giới để đi bán dâm kiếm tiền. Họ thường được gọi là “thái giám thời hiện đại”.

Các khu đèn đỏ ở Thái Lan có nhiều nhà thổ, sòng bạc, dịch vụ vui chơi giải trí do người Trung Quốc sở hữu. Đây vừa là nguồn thu, vừa là điểm hoạt động của nạn buôn người, ma túy và tống tiền. Tội phạm có tổ chức do người Trung Quốc cầm đầu thường được cảnh sát Thái gọi là “các băng nhóm heo con”.

_________________

Nhiều người có thể chỉ ra những những ích lợi của việc hợp pháp hóa mại dâm, như mang lại nguồn thu cho nhà nước hay giúp việc quản lý dễ dàng hơn ở một số góc độ nào đó. Tuy nhiên, những điểm bất lợi của chính sách này dường như chưa được nhìn nhận thấu đáo. Mời bạn đọc đón xem bài “Bán dâm hợp pháp: Những bài học thất bại” để hiểu thêm về vấn đề này vào
19h ngày 20/12/2012.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Gia Tùng (tổng hợp) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN