Sự thật về cổng làng có tên "Trung Quốc" ở Nghệ An
Theo chính quyền địa phương, tên làng “Vạn Hạnh và Trung Quốc” đã có từ xa xưa. Tuy nhiên, trước những dư luận “gây bão’, địa phương đã tính chuyện họp bàn và đi đến thống nhất đặt tên cổng làng cho phù hợp.
Tên làng "Vạn Hạnh và Trung Quốc" ở Nghệ An gây xôn xao dư luận.
Những ngày qua, mạng Internet và một số trang mạng xã hội đã đăng tải bức ảnh chụp cổng làng và biển tên "Làng Vạn Hạnh và Trung Quốc" đang được thi công khiến dư luận cảm thấy "khó hiểu". Thậm chí có trang mạng đã cố tình chỉnh sửa và loan tin thất thiệt nhằm bôi xấu hình ảnh của làng.
Những thông tin sai trái này đã gây xôn xao trong dư luận. Chiều ngày 23/9, PV Báo điện tử Infonet đã có mặt tại địa phương (xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) để tìm hiểu sự việc.
Có mặt tại địa phương, chúng tôi thấy phía đầu làng sừng sững một chiếc cổng làng đang xây dựng gần hoàn thiện; phía mặt ngoài giáp Tỉnh lộ 534 là dòng chữ “Làng Văn Hóa Xóm 11 xã Nghi Trung – Năm 2017”, còn phía mặt trong vào làng là dòng chữ “Làng Vạn Hạnh và Trung Quốc - Năm Đinh Dậu”. Cả hai mặt cổng làng đều có trang trí cờ Đảng và cờ Tổ quốc.
Mặt ngoài phía cổng làng giáp Tỉnh lộ 534.
Phía trong ghi tên làng "Vạn Hạnh và Trung Quốc".
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Trọng Phi – Bí thư Chi bộ xóm 11, xã Nghi Trung cho biết, trước đây, ở nơi này có một ngôi đền Vạn Hạnh (thuộc xóm 4, xã Phúc Lộc), sau thập niên 80, thì bị dỡ bỏ đi để làm kho đựng thóc, lúa, sân phơi của hợp tác xã. Nay thì được quy hoạch thành đất ở cho người dân (thuộc xóm 11, xã Nghi Trung thời bấy giờ).
Ông Phi cho biết thêm: “Xóm 11 có 203 hộ, với khoảng 700 nhân khẩu, một số hộ sinh sống ở phía Tây (giáp với Quốc lộ 1A) gọi là làng Trung Quốc, còn phía Đông thì làng Vạn Hạnh đã có từ xa xưa do ông cha để lại.
Cuối 2015, chúng tôi đã đưa vào Nghị quyết của Chi bộ và xóm để xây dựng Cổng làng và tiến hành thi công từ tháng 6/2017 (Âm lịch), đến nay thì cơ bản đã hoàn thành”.
Nhiều người dân cho biết, tên Làng "Vạn Hạnh và Trung Quốc" đã có từ xa xưa do ông cha để lại.
“Trong ngày mai (24/9), chúng tôi sẽ tiến hành họp Chi bộ và mời lãnh đạo của địa phương về dự để có phương án thống nhất đặt lại tên làng cho phù hợp” - Ông Phi nói.
Cũng theo một số người dân ở đây cho biết, việc đặt tên làng xuất phát từ 2 ngôi đền có tên là đền Vạn Hạnh và Trung Quốc có từ trước những năm 1930, nhưng sau này bị dỡ bỏ, quy hoạch thành đất ở cho người dân và khu chợ xã Nghi Trung.
Tên làng Vạn Hạnh và Trung Quốc có từ xa xưa.
Trả lời PV Báo điện tử Infonet về vấn đề này, ông Phan Thế Hưng – Bí thư Đảng ủy xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc cho biết: “Tên làng cũ đúng là có tên như vậy (Vạn Hạnh và Trung Quốc - PV), sau khi nắm bắt được thông tin, chúng tôi đã xin ý kiến cấp trên, yêu cầu xóm tháo bỏ dòng chữ, đồng thời sẽ tiến hành họp chi bộ để đi đến thống nhất”.
Khi đi khai sinh cho con mình, bố mẹ thường ghi họ nằm ở giữa.