Sự thật “đường bay vàng” qua không phận Campuchia

Đường bay vàng nối thẳng TP HCM – Hà Nội qua Campuchia và Lào thật ra đã được hình thành ý tưởng từ 30 năm trước, đến năm 2009, cựu phi công Mai Trọng Tuấn đã viết lại đề xuất này với ngành hành không.

Thông  tin về đường bay vàng bất chợt nóng lên trong thời gian gần đây khi Bộ Giao thông Vận tải đang cho thấy quyết tâm thực hiện hóa điều này. Bộ Giao thông Vận tải cũng vừa gửi kiến nghị cho Chính phủ để được bay kiểm tra đường bay ý tưởng này.

Theo đó, đường bay vàng thực chất là đường bay thẳng, tức thay vì bay vòng ra biển từ Hà Nội qua các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, sau đó mới rẽ vào Buôn Mê Thuột về TP HCM, đường bay thẳng sẽ bay theo trục của kinh tuyến 106 xuyên qua 3 nước Đông Dương.

Nói về đường bay này, ông Mai Trọng Tuấn, cựu phi công cho biết hơn 30 năm trước (9/1983) một cuốn dự án VUETA (viết tắt chữ đầu của: Việt Nam Union Export Tourism Aviation) được in thành sách. Trong đó, dự án đường bay kéo thẳng kinh tuyến 106 rút ngắn quãng đường 110 km đã được nói đến và được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cho ý kiến.

Trong bản dự án ở trang 19 ghi rõ:  “…để thể hiện được mối quan hệ đặc biệt giữa 3 nước, trên tinh thần đoàn kết, hợp tác, giúp đỡ và tôn trọng chủ quyền của mỗi nước. Nên mở đường bay chung cho cả 3 nước, kéo thẳng kinh tuyến 106o Đông, từ Hà Nội – TP.Hồ Chí Minh, rút ngắn được quãng đường bay 110 km”.

Phần chú thích cũng ghi rõ: "Có thể coi đây là đường Hàng không mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập ra Đảng Cộng Sản Đông Dương. Nếu bay theo đường này, thì cứ 9 chuyến bay được lãi ra một chuyến".

Sự thật “đường bay vàng” qua không phận Campuchia - 1

Đường bay vàng theo ý tưởng của ông Mai Trọng Tuấn

Đến năm 2009, trong khi những nội dung quan trọng trong VUETA về ngành hàng không đã được thực hiện gần hết, duy chỉ có ý tưởng về đường bay kinh tuyến trên là chưa đi tới đâu. Sau đó, ông Tuấn đã viết lại đề xuất và trình thủ tướng. Tuy nhiên, sau đó Cục Hàng không đã bác ý tưởng này do nhiều lo ngại đến an toàn.

Tính toán trước đó của ông Tuấn, đường bay vàng có chiều dài khoảng 1.000 km, giảm tới 200 km so với đường hiện hành, nhiên liệu một chuyến tiêu thụ 20.000 lít (trong khi đường bay hiện tại mất 25.000 lít một chuyến). Thời gian bay từ 1h45 được rút ngắn thêm hơn 10 phút.

Ông Tuấn gọi đó là xa lộ trên không, 3 nước cùng dùng chung, cùng có lợi, dựa theo kinh tuyến 106 Đông, và vì nó có giá trị về kinh tế, nên ông có ghi thêm ý: có thể đây sẽ là một đường bay vàng.

Người khai sinh ra ý tưởng này cho rằng nó chỉ là một đường bay như hàng nghìn đường bay trên khắp hành tinh: “Đường bay thẳng lẽ ra đã nên thực hiện từ lâu, chứ không phải đợi đến bây giờ, tôi tin nước bạn đều ủng hộ ta trong việc này”, ông Tuấn chia sẻ.

Tuy nhiên, ngay sau đó, nhiều cuộc họp, hội thảo được tổ chức để bàn bạc về vấn đề. Ngoài ông Tuấn, ông Trần Đình Bá thuộc Hội Khoa học kinh tế cũng đứng về phía đường bay thẳng này và còn thách cược 5 triệu USD về dự án.

Cục Hàng không đã lập tức bác đề xuất đường bay vàng vì những vấn đề lo ngại về an ninh, dù khẳng định là có lợi khi bay thẳng nhưng Cục nêu quan điểm tuyến Hà Nội – TP HCM là tuyến trọng điểm, xương sống, vì vậy nên bay nội địa thay vì biến thành đường quốc tế. Một lý do khác là các bên đều lo ngại về phí phải trả cho nước bạn khi bay qua vùng trời của họ.

Chỉ đến gần đây, Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng mới khởi động lại dư án này và đàm phán với các nước bạn để triển khai đường bay vàng trong tương lai.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Kiên Cường ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN