Sự thật đằng sau những tin đồn bắt cóc trẻ em từng gây xôn xao
Thời gian qua, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin bắt cóc trẻ em kèm theo hình ảnh, thậm chí clip bắt giữ đối tượng tình nghi. Tuy nhiên, đa số đều là thông tin thất thiệt.
2 thanh niên bị đánh oan vì dân tưởng bắt cóc trẻ em
Ngày 7.7 vừa qua, trên mạng xã hội xôn xao đoạn clip ghi lại cảnh lực lượng công an giải cứu hai thanh niên bị dân vây đánh tại huyện Yên Phong, Bắc Ninh.
Theo thông tin kèm theo đoạn clip, hai thanh niên được cảnh sát đưa đi vừa có hành vi bắt cóc trẻ em tại Yên Phong, Bắc Ninh.
Công an huyện Yên Phong bác thông bỏ thông tin 2 thanh niên bắt cóc trẻ em.
Tuy nhiên, đại tá Vũ Xuân Lộc - Trưởng công an huyện Yên Phong sau đó đã khẳng định, hai nam thanh niện không bắt cóc trẻ em như thông tin xôn xao trên mạng xã hội.
Theo đại tá Lộc, sáng 7.7, 2 thanh niên đến nộp hồ sơ việc làm tại gia đình bé gái 7 tuổi nhưng lúc này do bố cháu bé (người trực tiếp nhận hồ sơ) đang đi vắng nên 2 người này đã nhờ cháu bé đưa đến chỗ người bố để nộp hồ sơ.
Tuy nhiên, một số người dân thấy cháu bé lên xe nhưng không có người thân ở nhà nên nghi ngờ bắt cóc trẻ em và đã vây giữ lại, một số người bức xúc đã có hành vi đánh 2 thanh niên này.
Cô gái có biểu hiện tâm thần lại bị “tố” là kẻ bắt cóc
Ngày 25.6 vừa qua, trên mạng xã hội Facebook lan truyền đoạn video ghi lại hình ảnh một người phụ nữ ngồi dưới đất khóc lóc la hét, chửi tục.
Công an xã nơi xảy ra sự việc bác bỏ thông tin người phụ nữ trong clip bắt cóc trẻ em.
Theo thông tin kèm theo đoạn clịp, người phụ nữ trong đoạn clip đã xông vào nhà dân ở xã Đội Bình, huyện Ứng Hoà, TP.Hà Nội giật đứa trẻ trên tay một người dân địa phương. Tuy nhiên, người dân phát hiện giật lại. Người dân nghi ngờ người phụ nữ này bắt cóc trẻ em.
Tuy nhiên, ông Kiều Xuân Du - Trưởng Công an xã Đội Bình khẳng định, người phụ nữ trong đoạn clip không bắt cóc trẻ em ở xã.
Ông Du cho biết, kết quả xác minh cho thấy, người phụ nữ trong clip sinh sống ở huyện Chương Mỹ có biểu hiện mắc bệnh thần kinh, vừa qua gia đình đưa đi điều trị nhưng chị này đã bỏ nhà đi. Khi đi qua địa bàn xã Đội Bình có những biểu hiện, lời nói không được bình thường nên người dân cho rằng bắt cóc trẻ em.
Xô xát với bạn gái, người đàn ông bị gán tội bắt cóc
Ngày 9.6.2017, trên mạng xã hội chia sẻ đoạn clip ghi lại hình ảnh một người đàn ông bị người dân vây giữ tại đường Lạch Tray (quận Ngô Quyền, TP.Hải Phòng) và “cáo buộc” người này vừa ép xe một phụ nữ để bắt cóc cháu bé đi cùng.
Người đàn ông xô xát với bạn gái nhưng người dân hiểu nhầm là bắt cóc trẻ em.
Theo nội dung đoạn clip, một thanh niên bị người dân vây quanh, cạnh đó là một phụ nữ ôm cháu bé ngồi trên xe máy khóc lóc. Nhiều người dân ở hiện trường nói rằng, nam thanh niên đã tấn công cô gái nhằm bắt cháu bé đi.
Tuy nhiên, bà Hoàng Thị Thủy – Chủ tịch UBND phường Lạch Tray (quận Ngô Quyền) sau đó khẳng định: Sự việc không phải bắt cóc. Nam thanh niên bị cho là bắt cóc và cô gái trong đoạn clip thực chất có quen biết nhau. Cháu bé cô gái bế là con riêng của cô gái. Do mâu thuẫn xích mích tình cảm nên cô gái và nam thanh niên đánh nhau. Thấy mẹ đang đánh, cãi nhau nên cháu bé khóc.
Tung tin bắt cóc trẻ em để bán hàng online
Đầu tháng 6 vừa qua, Nguyễn Thị Ngọc (26 tuổi, trú quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) dùng tài khoản Facebook cá nhân “Ngọc Nguyễn” đăng tải bài viết kể về 2 vụ bắt cóc trẻ em trên địa bàn quận Liên Chiểu.
Thông tin này nhanh chóng thu hút cộng đồng mạng. Một số tài khoản Facebook đã dẫn lại khiến nhiều người dân hoang mang.
Nguyễn Thị Ngọc bịa đặt chuyện bắt cóc trẻ em trên địa bàn quận Liên Chiểu để câu “like”.
Vào cuộc điều tra, Công an quận Liên Chiểu làm rõ chuyện Ngọc đăng tải là bịa đặt. Ngọc khai kinh doanh online, muốn có nhiều người biết đến trang Facebook của mình nên "câu like" bằng việc bịa chuyện bắt cóc trẻ em.
Với hành vi trên, ngày 12.6, Ngọc bị Công an quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) xử phạt hành chính 12,5 triệu đồng.
Người phụ nữ ngây ngô bị “tố” bắt cóc trẻ em ở Nghệ An
Trung tuần tháng 2.2017, trên mạng xã hội xuất hiện một clip dài hơn 5 phút ghi lại cảnh một người phụ nữ khoảng 35 tuổi, mặc áo chống nắng sẫm màu, bịt kín mặt, bị một số người truy đuổi vì cho rằng người này lang thang ở địa bàn xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An với mục đích bắt cóc trẻ em.
Công an bác thông tin người phụ nữ giả ngây ngô bắt cóc trẻ em ở Nghệ An.
Đoạn clip trên được nhiều người đăng tải lên các trang mạng xã hội với nội dung cảnh báo các bậc phụ huynh nên để ý đến con cái đã thu hút hàng chục nghìn lượt like (thích) và chia sẻ, gây nên tâm lý hoang mang cho người dân.
Tuy nhiên, sau đó, Công an huyện Diễn Châu đã bác bỏ thông tin cho rằng người phụ nữ trong clip bắt cóc trẻ em. Người phụ nữ trong clip trên bị thần kinh nặng, sợ đám đông. Sau quá trình điều tra, chính quyền đã đón xe cho người phụ nữ trên về Ninh Bình.
Hai bé gái mất tích vì bị hàng xóm sát hại
Giữa tháng 5.2016, hai bé gái tên N.T.T (9 tuổi) và em họ là T.T.T (10 tuổi), cùng ở thôn Vĩnh Trung, xã Khai Thái huyện Phú Xuyên, Hà Nội đã mất tích bí ẩn sau khi rời khỏi nhà.
Sau khi tìm kiếm không thấy các cháu, hai gia đình trình báo cơ quan điều tra việc 2 cháu bé mất tích. Gia đình các cháu và nhiều người dân khi đó nghi ngờ 2 cháu bé bị bắt cóc.
Hiện trường nơi phát hiện thi thể hai bé gái mất tích bí ẩn do bị sát hại.
Tuy nhiên, khoảng 6 tháng sau, cơ quan điều tra bắt giữ Đào Văn Hùng (SN 1986, trú tại xã Khai Thái, hàng xóm cách nhà cháu T.T.T khoảng 100 mét) vì có hành vi hiếp dâm một phụ nữ. Đối tượng này sau đó khai nhận sát hại hai cháu N.T.T và T.T.T rồi chôn xác ở vườn nhà mình. Cơ quan chức năng khai quật và tìm thấy thi thể 2 cháu bé.
Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự đã có thông tin chính thức về những tin đồn bắt cóc trẻ em lan truyền trên mạng.