Sự thật Biển Đông qua cách nhìn của phóng viên Nhật Bản
Sáng 12/7, nhân dịp phóng viên người Nhật Bản, Toshihiro Yamanaka (báo The Asahi Shimbun) đến gia đình bà Huỳnh Thị Như Hoa (quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng, chủ tàu cá ĐNa 90152) thu thập thông tin viết bài về sự thật về vấn đề căng thẳng trên biển Đông, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông.
Thưa ông, mục đích của ông khi đến Việt Nam lần này là gì?
Phóng viên người Nhật Bản, Ông Toshihiro Yamanaka (báo The Asahi Shimbun). |
PV Toshihiro Yamanaka: Kể từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển Việt Nam, tác nghiệp ở Hồng Kông, tôi thấy báo chí, chính quyền của Trung Quốc luôn đưa ra những thông tin trái ngược về phía thông tin Việt Nam và cộng đồng quốc tế đã công bố. Vì thế, tôi muốn đến Việt Nam thu thập tư liệu, lời kể của các nhân chứng trong vụ tàu chìm để viết về sự thật vấn đề căng thẳng trên biển Đông thời gian qua.
Về vụ tàu vỏ sắt Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam, chính quyền Trung Quốc có đưa thông tin về vụ việc này không?
PV Toshihiro Yamanaka: Theo những gì tôi thấy, phía Trung Quốc hoàn toàn không đưa thông tin về thiệt hại mà ngư dân Việt Nam phải chịu. Ngược lại, tôi thấy phía chính quyền Trung Quốc tuyên truyền các thông tin tàu Việt Nam xâm chiếm vùng biển theo bản đồ đường lưỡi bò họ đưa ra. Ngoài ra, họ còn cho tuyên truyền thông tin tàu Việt Nam liên tục cản trở, hung hăng gây sự với tàu ngư dân và tàu chấp pháp của nước họ.
Người dân Trung Quốc có đồng ý yêu sách của Nhà nước đưa ra không?
PV Toshihiro Yamanaka: Người dân Trung Quốc đều giơ hai tay đồng ý, kể cả những người có học thức cao. Chính quyền Trung Quốc dạy cho thế hệ trẻ từ mái trường rằng, Biển Đông là của họ. Tôi thấy sốc về chính sách này của họ!
Người dân Trung Quốc hoàn toàn không biết về các thông tin, các bài viết liên quan đến sự thật trên Biển Đông. Chính quyền Trung Quốc không hề công bố thông tin này, kể cả các thông tin mà cộng đồng quốc tế đăng tải trên mạng Internet. Tôi là một người rất hay dùng Google để làm việc, nhưng họ chặn hết, nên tôi không dùng được, kể cả Facebook.
Như vậy, có thể kết luận rằng chính quyền Trung Quốc không muốn cho người dân tiếp xúc với nguồn tin đa chiều về vấn đề căng thẳng trên Biển Đông.
PV Toshihiro Yamanaka thu thập thông tin tại gia đình bà Huỳnh Thị Như Hoa.
Trên cơ sở Luật pháp và Công ước Quốc tế về chủ quyền trên Biển Đông, ông đánh giá như thế nào về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển Việt Nam?
PV Toshihiro Yamanaka: Tôi cũng đồng quan điểm với người dân đất nước Nhật Bản, chúng tôi coi việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam là trái với luật pháp và Công ước Quốc tế, hoàn toàn không chính nghĩa. Những đối tác, bạn bè của tôi ở Mỹ, Anh cũng cùng chung nhận định này.
Qua tiếp xúc và tìm hiểu thông tin ở Việt Nam, ông đánh giá gì về việc đấu tranh và bảo vệ chủ quyền của Nhà nước và nhân dân Việt Nam?
PV Toshihiro Yamnaka: Qua sự hỗ trợ, giúp đỡ của cơ quan chức năng Nhà nước các bạn, tôi đã được tiếp xúc với các chiến sĩ từng chiến đấu với Trung Quốc ở Trường Sa năm 1988, các ngư dân bị tàu Trung Quốc tấn công vào ngày 26/5 vừa qua. Tôi đánh giá cao về ý thức bảo vệ chủ quyền của đất nước các bạn. Tôi rất ấn tượng với câu nói: “Còn sống là còn chiến đấu đến cùng” của chị Hoa trong việc quyết tâm đấu tranh bảo vệ chủ quyền.
Ông nhận định về động thái của Trung Quốc trong thời gian tới trên biển Đông?
Theo tôi, đối với vấn đề trên Biển Đông, Trung Quốc đang thăm dò, theo dõi động thái của Việt Nam. Và chắc chắn Trung Quốc sẽ lặp lại kịch bản tương tự như những gì họ đã làm với Nhật Bản và Philippines.
Vâng, xin cảm ơn ông!
Ông Toshihiro Yamanaka, là phóng viên thường trú của báo The Asahi Shimbun (một trong những tờ nhật báo lớn thứ hai tại Nhật Bản) tại Hồng Kông, Trung Quốc. Ông đã sống và làm việc tại đây hơn 1 năm rưỡi. |