Sự thật bên trong ngôi nhà có 11 người con ở TP HCM
Trong căn phòng nhỏ rộng tầm 12m2 của xóm trọ, một gia đình có 13 thành viên vẫn đang say giấc trên chiếc nệm mỏng. Tiếng võng kẽo kẹt, tiếng quạt chạy vù vù giữa cái nóng hầm những ngày cuối tháng 8 khiến chúng tôi nhói lòng…
Biết đến gia đình chị Võ Thị Kim Chi (37 tuổi) và anh Phạm Vũ Thành Công (40 tuổi) từ 1 đoạn video lan truyền trên mạng xã hội với nội dung "Người mẹ 8X sinh 11 đứa con", chúng tôi lần mò hỏi thăm và tìm ra xóm trọ anh chị đang sống ở xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP HCM.
Từ xa, tôi nghe thấy tiếng trẻ khóc vọng lại từ căn phòng ở cuối dãy trọ. Càng đến gần, tiếng khóc càng rõ hơn. Chúng tôi ngỡ ngàng trước căn phòng nhỏ chừng 12m2 đang là nơi chen chúc của 13 thành viên.
Chị Kim Chi và anh Thành Công kết hôn năm 2005, đến nay đã có với nhau 11 người con, tháng 11 này sẽ đón thêm thành viên thứ 12 chào đời. Vì nghèo, không có tiền trả viện phí, chị Chi nhiều lần ôm con trốn viện, hậu quả là khiến 4 người con sau cùng không có giấy khai sinh. Các con vì thế cũng không được đến trường.
Mọi sinh hoạt của gia đình đều ở trên chiếc nệm mỏng
Sau khi đoạn video về gia đình chị lan truyền trên mạng xã hội, nhiều người bày tỏ quan điểm gay gắt: "Tại sao lại sinh con nhiều như thế?", "Làm cha mẹ mà để con sống khổ cực như vậy?", "Nếu không nuôi được con tại sao không để người có điều kiện tốt hơn nhận nuôi",…
Cầm điện thoại, lướt xem lại từng dòng bình luận phía dưới, lòng chị Chi quặn thắt. "Họ không phải là mình, họ không thể thông cảm cho mình. Trẻ con không có tội, mỗi đứa con sinh ra là một niềm hạnh phúc của vợ chồng tôi. Tuy không thể cho các con cuộc sống đủ đầy nhưng vì con tôi có thể làm tất cả" - chị Chi bộc bạch.
Những ngày làm phụ hồ, mồ hôi ướt đẫm, về đến phòng trọ, thói quen đầu tiên của anh Công vẫn là đảo mắt nhìn một lượt xem có thiếu đứa nào hay không. "Mỗi ngày đi làm được 500.000 đồng tiền công. Tiền sữa, tiền cơm nước, sinh hoạt gia đình mất khoảng 400.000 đồng, còn dư khoảng 100.000 đồng để tiết kiệm, số tiền đó dùng vào những ngày thất nghiệp" - anh Công chia sẻ
Mọi sinh hoạt của gia đình đều ở trên chiếc nệm mỏng
"Tô thịt này được người ta cho hôm qua, nhìn vậy thôi chứ ăn được, không sao cả" - anh Công nói.
Cả nhà sống với nhau ngần ấy năm, tha phương cầu thực khắp nơi, chưa ngày nào có một bữa ăn ngon. Với gia đình đặc biệt này, chỉ cần có cơm trắng và ít mắm là đã trọn vẹn một ngày.
"Đỉnh điểm những ngày nghèo khó là phải cho con uống nước đường thay sữa, cho con bú mà nghẹn ở trong lòng" - chị Chi ngậm ngùi.
Năm 2008, có người đến xin con về nuôi nhưng chị Chi từ chối thẳng. Không phải chị gạt đi cơ hội của con, mà chị không thể đánh đổi con mình với bất cứ điều gì, con là điều vô giá.
Nhìn đứa con thơ đang ngủ trên võng, chị Chi chia sẻ: "Không ai thương con mình bằng mình, cha mẹ đã sinh con ra thì phải nuôi con đến khi trưởng thành. Khi ấy, "đủ lông đủ cánh", bọn nhỏ muốn đi đâu là sự lựa chọn của tụi nó".
Video: Người phụ nữ 8X sinh 11 đứa con nói về gia đình mình
Cách đây 6 năm, Gấu Anh (12 tuổi, con thứ 4) bị bệnh về mắt, tài sản duy nhất của hai vợ chồng là căn nhà nhỏ đành phải bán đi để lấy tiền chạy chữa cho con. Họ chấp nhận đánh đổi cuộc sống không nhà, chỉ hi vọng có thể tìm được ánh sáng cho Gấu Anh.
Thế nhưng, may mắn không đến với gia đình, 1 bên mắt của Gấu Anh bị hư vĩnh viễn, bên còn lại cận 16 độ, mọi sinh hoạt của Gấu Anh trở nên khó khăn hơn.
Năm lớp 1, Gấu Anh gặp tai nạn khiến 1 bên mắt bị hư vĩnh viễn. Mặc cảm về đôi mắt đã khiến Gấu Anh dang dở việc học
Cha và các anh chị lớn đi làm, mẹ đang mang thai, một tay Gấu Anh quán xuyến việc nhà và chăm các em
Năm 2017, sau khi bán nhà, hành trình mưu sinh của gia đình đông con bắt đầu. Mỗi người một túi, tay bế con, vai đeo balo, cứ thế cả nhà đi bộ khắp nơi. Khi về Vũng Tàu làm phụ hồ, lúc lại lên Lâm Đồng chăm rẫy cà phê, đến mùa lại qua Đắk Lắk làm tiêu, về Bình Phước làm hạt điều.
Hết vụ mùa thì cả nhà lại chuyển đi nơi khác, những đứa trẻ vì thế mà cũng quen dãi nắng dầm mưa cùng cha mẹ.
Chị Chi kể về những ngày đi bộ, trời tối thì tìm mái hiên ven đường để ngủ, ban ngày thì xin cơm từ thiện để ăn. Gặp người tốt thì họ cho chỗ ngủ nhờ, cho gia đình chỗ tắm giặt.
Chỉ vì quá đông con mà nhiều lần vợ chồng chị Chi bị hiểu lầm là người lừa đảo, chuyên chăn dắt con nít đi ăn xin. Cả nhà mười mấy người từng bị bắt lên đồn công an, đến khi công an xác minh được lý lịch thì mới trả về.
Biến cố chưa dừng lại, năm 2021, Tú Quỳnh (2 tuổi, con thứ 10) ngã từ trên gác xuống đất, bị dập phổi nặng. Không có tiền chạy chữa, thân hình của bé ngày càng teo tóp lại. Mỗi ngày trôi qua, hơi thở của Tú Quỳnh càng nặng nề hơn.
Khó khăn chồng thêm khó khăn, gia đình quyết định quay về TP HCM sinh sống, tiện việc đưa con đi thăm khám ở bệnh viện thường xuyên hơn.
Tú Quỳnh (2 tuổi, con thứ 10) đang phải đấu tranh mỗi ngày ...
11 đứa trẻ là 11 ánh mắt khát khao được đến trường. Bọn trẻ ước mình có thể mặc bộ đồng phục xinh xắn, đeo balo đi học như bao bạn bè cùng trang lứa. Thế nhưng, bọn trẻ chỉ dám ước mơ vì biết rằng bữa ăn còn no thì ba mẹ lấy tiền đâu để chúng được đến trường.
Nép mình trên căn gác nhỏ, Gấu Em (cậu con thứ 6, 8 tuổi) ngồi chơi 1 mình. So với các anh chị em khác, Gấu Em có vẻ ít nói và trầm tư hơn. "Con biết cha mẹ rất khó khăn nên chưa bao giờ dám đòi hỏi việc học. Con chỉ mong mình mau lớn, có thể đi làm để kiếm tiền cho các em ăn học đàng hoàng" – Gấu Em thủ thỉ.
Gấu Em khoe: "Mấy ngày qua, nhà con nhận được nhiều mì với gạo lắm, vậy là không sợ đói nữa rồi!"
Sau khi đoạn video lan truyền, nhiều người đã tìm đến giúp đỡ gia đình. Trên gác nhỏ bây giờ chất đầy quần áo cũ, mì gói, gạo và sữa.
Hiện tại, chỉ có 2 người con đang học tại trường dòng. "Một đứa ước mơ làm cô giáo, đứa còn lại muốn làm bác sĩ để sau này chữa bệnh cho em. Nhà con đông, khó khăn nhưng đứa nào cũng biết suy nghĩ, biết đùm bọc, chở che cho nhau"- chị Chi kể về các con bằng ánh mắt đầy tự hào.
Em Phạm Thanh Liêm (18 tuổi, con trai đầu) từ bé đã được bà nội nhận về nuôi dưỡng, đôi khi Liêm hay ghen tị với các em vì các em được sống với cha mẹ. Tuy ở với bà nội có điều kiện sống tốt hơn nhưng trong mắt chàng trai 18 tuổi này, chỉ có ở bên cha mẹ là hạnh phúc nhất.
"Lúc đó con chỉ mới 16 tuổi, không hiểu sao con gan vậy, chạy xe từ TP HCM đi hàng trăm cây số để thăm cha mẹ và các em. Gặp được mọi người, con vui lắm, ở suốt 1 tháng cùng cha mẹ mà vẫn chưa muốn về với bà nội luôn!" - Thanh Liêm nhớ lại.
Hàng xóm nói gì về gia đình có 11 người con?
Chị Chi quả quyết, sau khi xong con thứ 12 sẽ đi triệt sản để không vỡ kế hoạch thêm lần nào nữa. Khi được hỏi tại sao chị không dùng các biện pháp tránh thai, chị Chi bộc bạch: "Những lần uống thuốc hay tiêm thuốc tránh thai, cơ thể đều xuất huyết rất nhiều, đặt vòng thì cơ địa không phù hợp và xảy ra nhiều sự cố".
Về phần anh Công, anh cho biết mình đã thử sử dụng bao cao su, tuy nhiên cảm giác "rất kì" nên không dùng nữa. Chính vì sự chủ quan của 2 vợ chồng mà nhiều lần "bầu trộm", chỉ đến khi có cảm giác con đạp trong bụng, chị Chi mới biết mình đang mang thai.
Nhìn hoàn cảnh gia đình chị Chi, nhiều người thấy vừa đáng thương vừa đáng trách. Thương cho cuộc sống lận đận của 1 gia đình nghèo, nhưng cũng trách vì sao lại để xảy ra nhiều lần vỡ kế hoạch như vậy.
Khả Ái (1 tuổi, con thứ 11) quấn quít bên mẹ không rời
Hàng xóm xung quanh cũng thường xuyên giúp đỡ. Một ít bánh, một ít trái cây, vài lốc sữa mà ấm áp tình làng nghĩa xóm. "Dẫu sao thì trẻ con cũng không có tội, đã trót sinh ra thì phải chăm sóc đủ đầy" - một người hàng xóm bày tỏ.
Bà Trần Ngọc Diễm, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, cho biết gia đình chị Chi vừa chuyển về địa phương tạm trú được khoảng 1 tháng. Sau khi nắm được hoàn cảnh, địa phương đã đến thăm hỏi, động viên và hướng dẫn hai vợ chồng cách phòng tránh thai an toàn.
Theo bà Diễm, chuyện sinh con là chuyện riêng tư của mỗi gia đình, tuy nhiên khuyến khích sinh từ 1 đến 2 con để đảm bảo việc nuôi dưỡng và dạy dỗ các bé tốt nhất.
Khả Ái (1 tuổi, con thứ 11) quấn quít bên mẹ không rời
Thời gian tới sẽ còn nhiều thử thách với gia đình chị Chi, mong sao những đứa trẻ lớn lên mạnh khỏe, được tạo điều kiện học tập tốt.
Hi vọng 5, 10 năm nữa, những đứa bé kia trưởng thành, không còn tiếng khóc thét gọi sữa như ngày hôm nay mà thay vào đó là những bữa cơm đầy đủ thịt cá, ngôi nhà ngập tràn tiếng nói cười.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động sáng 27-8, chị Chi cho biết gia đình mình vừa mất 52 triệu đồng. Đây là số tiền các nhà hảo tâm, mạnh thường quân ủng hộ sau khi biết được hoàn cảnh gia đình chị. Theo chị Chi, đối tượng lừa đảo mạo danh người quen để nhờ mua thẻ cào điện thoại liên tục nhiều ngày. Đại diện công an xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi cho biết đã tiếp nhận thông tin. Lực lượng chức năng đang tiến hành điều tra, xác minh vụ việc. |
Nguồn: [Link nguồn]
TPO - Khi màn đêm buông xuống, khi người dân đã trở về bên gia đình thì cũng là lúc đội cứu hộ Fas Angel đi làm công việc, giúp người không may bị tai nạn giao thông, hoặc...