Sự cố chùa Trăm Gian: Trách nhiệm mù mờ

Chùa đã xin xã cho sửa chữa từ đầu tháng 6, Sở kiểm tra phát hiện di tích có nguy cơ sụp đổ và báo cáo UBND TP xin kinh phí. Chờ lâu nóng ruột chùa phải tự làm, UBND xã phát loa kêu dân tới phụ.

Chiều 30/8, Sở VH-TT&DL Hà Nội đã tổ chức cuộc họp báo Về việc vi phạm tu bổ, tôn tạo nhà tổ và gác khánh di tích chùa Trăm Gian, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội.

Mở đầu cuộc họp báo, trả lời việc Sở VH-TT&DL hành động chậm trễ trong việc chùa Trăm Gian bị xâm hại, ông Phạm Quang Long khẳng định: “Việc xảy ra từ thứ Sáu tuần trước đến thứ Năm tuần này không có gì là quá chậm”, còn ông Nguyễn Đức Hòa - Phó Giám đốc Sở (phụ trách công tác di sản) cho biết ông biết được việc chùa bị phá dỡ là qua báo chí.

Chùa đã xin phép từ 1/6


Khi được hỏi về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc để nhà chùa tự do phá dỡ di tích, ông Vũ Văn Doãn, Chủ tịch UBND xã Tiên Phương, thừa nhận sự thiếu sâu sát của chính quyền địa phương. Ông Doãn cho biết vào ngày 1/6, UBND xã được nhà chùa báo cáo về sự xuống cấp của các công trình và đề nghị hạ giải (theo ông Lê Thành Vinh - Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích: Hạ giải được hiểu là tháo dỡ toàn bộ cấu kiện cũ xuống, đó là một công đoạn, hạ giải là bước trước của xây dựng mới) một số hạng mục. Tiếp đến nhà chùa lại đề nghị với ủy ban báo cáo lên các cơ quan chức năng cho phép hạ giải, UBND xã cũng đã có tờ trình gửi lên huyện về việc này. Ông Doãn trần tình: “Chờ lâu quá, khi nhà chùa thông báo về việc hạ giải, chúng tôi đã cho thông báo trên hệ thống loa phát thanh của xã để người dân tham gia công đức giúp nhà chùa”.

Sự cố chùa Trăm Gian: Trách nhiệm mù mờ - 1

Chùa Trăm Gian đang được xây dựng mới lại

Bổ sung thêm ý kiến của ông Doãn, ông Vũ Văn Đông, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ, cho rằng UBND xã chỉ đồng ý cho nhà chùa hạ giải, chứ không đồng ý cho xây dựng. “Sư thầy Thích Đàm Khoa, trụ trì chùa Trăm Gian đã 20 năm, là người rất có uy tín nhưng nhận thức hiểu biết, trách nhiệm sư thầy yếu kém, trách nhiệm quản lý của địa phương không kịp thời… nên dẫn đến sai phạm kể trên” - ông Đông nói.

Thiếu kinh phí đi thực tế

Theo báo cáo của Sở VH-TT&DL, từ ngày 25/9/2011 Sở đã kiểm tra hiện trạng di tích và nhận thấy nhiều hạng mục kiến trúc bị xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sụp đổ và có đề xuất với UBND TP Hà Nội về việc hạ giải ngay các hạng mục, tuy nhiên do TP chưa bố trí được kinh phí nên Sở chưa có điều kiện để triển khai.

Đáng chú ý, khi đề cập đến trách nhiệm của Phòng Quản lý di sản thuộc Sở VH-TT&DL, Trưởng phòng Quản lý di sản Phạm Thị Lan Anh cho biết chỉ cách 10 ngày trước khi nhà chùa tiến hành hạ giải, Phòng đã có chuyến công tác xuống chùa Trăm Gian, tuy nhiên đây chỉ là chuyến công tác theo kiểu “tiện đường ghé qua”. Theo bà Lan Anh, do Phòng không có kinh phí để thực hiện các chuyến công tác xuống các công trình, nên không thể kiểm tra thường xuyên được.

Chờ thanh tra kết luận


Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo có chỉ đạo việc “đình chỉ chức vụ trưởng ban quản lý di tích chùa Trăm Gian”. Tuy nhiên, theo ông chủ tịch xã Tiên Phương thì chức vụ này do ông Tống Bá Lương - Phó Chủ tịch UBND phụ trách văn xã kiêm nhiệm.

Khi được hỏi về trách nhiệm của Sở VH-TT&DL Hà Nội khi để xảy ra sự việc mà lãnh đạo Sở đánh giá là “rất nghiêm trọng” này, ông Nguyễn Quang Long cho biết Sở đã có đề nghị lên TP về việc xin kinh phí thực hiện dự án, tuy nhiên do không được bố trí nên đành phải chờ, mặt khác ông Long khẳng định đây là một bài học đắt giá cho Sở nhưng để kết luận được trách nhiệm của từng cấp, từng người như thế nào thì còn phải chờ kết luận thanh tra. Còn ông Vũ Văn Đông cũng khẳng định: “Chúng tôi sẽ kiểm điểm nghiêm túc và cũng phải chờ kết luận thanh tra”.

Chùa cổ Trăm Gian được xây dựng từ đời vua Lý Cao Tông (1185) và được xếp hạng di tích quốc gia từ những năm 60 của thế kỷ trước. Một số hạng mục công trình: nhà tổ, gác khánh, bia đá… trong quá trình thi công, nhiều trụ gỗ cổ, bệ đá lâu năm đã được thay mới hoàn toàn, các bức tranh tượng cổ cũng bị sơn lại bằng các loại sơn công nghiệp.

Xâm phạm di tích vô cùng nghiêm trọng

Sự việc ở chùa Trăm Gian là hành vi xâm phạm di tích vô cùng nghiêm trọng. Từ góc độ chuyên môn, qua khảo sát công trình tôi thấy vẫn còn nguyên những cấu kiện chính, mặc dù một số đã mất đi khó làm lại… Chúng tôi khẳng định có cơ sở để đưa công trình lại gần nhất với nguyên bản. Nhưng muốn làm được việc này phải có thời gian nghiên cứu.

Ông LÊ THÀNH VINH, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích

Chỉ bị xâm hại chứ không bị phá vỡ

Chùa Trăm Gian chỉ bị xâm hại chứ không bị phá dỡ toàn bộ như các báo đã nêu.

Ông PHẠM QUANG LONG, Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Viết Thịnh (Pháp luật TP.HCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN