Sự cố chạy thận: Bệnh nhân nguy kịch điều trị 100 triệu đồng/ngày
Chiều 2/6, đoàn bác sĩ do GS.TS Nguyễn Gia Bình - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai đã có mặt tại bệnh viện đa khoa Hoà Bình, hội chẩn trực tiếp và tìm phương án đưa bệnh nhân Nguyễn Thị Bích Nguyên (45 tuổi), người nguy kịch nhất trong sự cố chạy thận về Hà Nội điều trị.
Bệnh nhân nguy kịch điều trị 100 triệu đồng/ngày.
Từ ngày 29/5 đến nay, bệnh nhân Nguyễn Thị Bích Nguyên đã có 2 lần ngừng tim, ngừng tuần hoàn, tình trạng suy gan nặng nề hơn, kèm theo xuất huyết tiêu hoá. Hiện các chỉ số về sinh tồn của bệnh nhân này gần như bằng 0. Bác sĩ đầu ngành về hồi sức tích cực, cấp cứu, chống độc vẫn đang rất nỗ lực cứu chữa hy vọng cải thiện tình trạng bệnh nhân.
Theo GS Nguyễn Gia Bình, đến thời điểm này, tình trạng bệnh nhân vẫn rất nguy kịch. Bệnh nhân Nguyên bị suy cùng lúc 6 tạng: Tim, phổi, gan, ruột, thần kinh, tổn thương các cơ, rối loạn đông máu. Bệnh nhân cũng đang chuyển sang giai đoạn nhiễm độc. Đặc biệt, hiện bệnh nhân còn bị ngộ độc cấp mà chưa xác định được nguyên nhân. Những ngày qua luôn có 5 nhân viên y tế của Bệnh viện Bạch Mai túc trực tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình hội chẩn, theo dõi.
Bệnh nhân cũng được tiến hành đặt máy ECMO. Theo các chuyên gia y tế, ECMO là kỹ thuật hồi sức đặc biệt, sử dụng máy rút máu người bệnh ra, đưa qua màng trao đổi để cung cấp oxy và thải CO2 - thực hiện thay hoạt động của phổi và tim người bệnh. Đây là hoạt động hô hấp tuần hoàn ngoài cơ thể. Kỹ thuật này rút ngắn thời gian điều trị, chức năng hô hấp của phổi nhanh hồi phục, giảm di chứng tổn thương phổi. Đồng thời, liên tục được lọc máu và lọc huyết tương.
Ước tính chi phí điều trị cho bệnh nhân này lên tới 100 triệu/ngày. Do tình trạng nguy kịch như vậy, sự sống của bệnh nhân đều hoàn toàn phụ thuộc vào máy móc nên chưa thể chuyển bệnh nhân về Hà Nội để điều trị.
GS Bình cho hay, các chuyên gia đang cân nhắc việc có thể sử dụng một loại xe chuyên dụng để có thể chở cả người bệnh và thiết bị máy móc mà vẫn đảm bảo vận hành, để đưa bệnh nhân về Hà Nội điều trị tiếp.
Bệnh viện Bạch Mai chưa từng ghi nhận bệnh nhân nào dùng tới cùng lúc nhiều máy móc như bệnh nhân Nguyên. Y văn thế giới cũng chưa ghi nhận trường hợp nào suy cùng lúc 6 tạng như bệnh nhân mà được cứu sống.
Liên quan đến tình hình sức khỏe của các bệnh nhân trong vụ sự cố khi chạy thận ở Bệnh viện đa khoa Hòa Bình đang điều trị ở Hà Nội, bác sĩ Đào Xuân Cơ - Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, các bệnh nhân đang có tiến triển sức khỏe tốt, trong đó bệnh nhân nặng nhất cũng đã tạm qua cơn nguy kịch.
Bệnh nhân có tình trạng nặng nhất khi được chuyển từ Hòa Bình xuống điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai là bệnh nhân Nguyễn Văn Thiều (sinh năm 1972) với các chỉ số trong máu diễn biến bất thường và phải lọc máu liên tục. Sau vài ngày được điều trị tích cực tại Bệnh viện Bạch Mai, đến nay các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân đã tương đối ổn định, ngừng lọc máu liên tục và chuyển sang lọc máu ngắt quãng, tình trạng khó thở đã hết.
Các bệnh nhân còn lại đang được điều trị tại các khoa Thận Tiết niệu, Trung tâm chống độc, Khoa Cấp cứu, hiện sức khỏe cũng diễn biến tốt và đi vào ổn định. Hiện các bệnh nhân đã được chạy thận theo chu kỳ bình thường.
Trong công văn gửi Sở Y tế Hòa Bình, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế Hòa Bình lập Hội đồng chuyên môn do lãnh đạo Sở làm Chủ tịch và có sự tham gia của các chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Thận Hà Nội... để xem xét nguyên khiến 18 người bị sự cố khi lọc máu. Cụ thể, Hội đồng chuyên môn này sẽ do lãnh đạo Sở Y tế làm Chủ tịch Hội đồng. Các thành viên sẽ gồm các chuyên gia liên quan đến quy trình chạy thận nhân tạo như máy thận nhân tạo, quy trình vận hành, thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao, điện, nước... của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Thận Hà Nội và các lĩnh vực liên quan khác do Sở Y tế mời hoặc chỉ định tham gia.
Sáng 31-5, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến chia buồn với bốn gia đình có người thân tử vong trong vụ tai...