Sống vất vưởng sau tai nạn cần cẩu

Gần 9 năm trôi qua, ký ức đau thương về buổi chiều định mệnh đã cướp đi chân trái và nửa cánh tay trái trong vụ tai nạn cần cẩu vẫn còn hằn sâu trong tâm trí Trần Phương Phố.

Ngồi trong căn nhà cấp 4 nóng hầm hập giữa cánh đồng nhưng anh Trần Phương Phố (SN 1992, ngụ phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, TP Cần Thơ) vẫn mặc áo dài tay, quần dài để cố che khiếm khuyết sau tai nạn cách đây 9 năm. “Kể từ đó tới giờ, nó ít khi ra khỏi nhà. Nhìn con, tui đau lòng lắm” - bà Nguyễn Thị Kim Mẫn, mẹ Phố, buồn bã.

Buổi chiều đau thương

Bà Mẫn cho biết do gia cảnh nghèo lại ít đất sản xuất nên hằng ngày, bà phải đạp xe đi bán cá kiếm sống qua ngày. Chồng bà, ông Trần Phương Chung, chạy xe ôm chở những người ở xóm mỗi khi họ cần.

Sống vất vưởng sau tai nạn cần cẩu - 1

Sau tai nạn thương tâm, giờ anh Phố chẳng biết làm công việc gì để tự nuôi bản thân

Chiều tối 25-8-2006, sau khi đi bán về, do đôi chân ê ẩm vì đạp xe cả ngày ròng rã, bà Mẫn nằm nghỉ bên đứa con út mà quên đi cậu con trai thứ hai (Phố) đang ở nhà hàng xóm xem sà lan cẩu cột sắt dưới sông. Đến khi nghe mọi người hô hoán, bà chạy ra thì thấy cánh tay trái và chân trái của Phố bị đầu cần cẩu vùi xuống đất. Bà thét lên rồi cùng mọi người đào lớp đất phía dưới cần cẩu để kéo Phố ra.

Ngay sau khi chuyển Phố vào Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ, các bác sĩ yêu cầu người nhà cấp tốc về tìm một phần cánh tay bị đứt để nối lại. Thế nhưng, do trời tối, nước sông dâng cao nên không ai tìm thấy cánh tay của Phố. Đến sáng hôm sau, nước rút, cánh tay em mới được tìm thấy kẹt dưới cần cẩu đã tím ngắt.

Vì tình trạng sức khỏe của Phố quá nghiêm trọng, 3 ngày sau, Phố được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy - TP HCM. Do chân trái bị hoại tử nên các bác sĩ buộc lòng phải đoạn chi.

Mặc cảm suốt đời

Sau khi bình phục, Phố được bạn bè và thầy cô động viên tiếp tục theo học hết lớp 9. Đến đầu năm lớp 10, do di chuyển khó khăn và mặc cảm với mọi người nên Phố xin cha mẹ cho nghỉ học. Kể từ đó, suốt ngày Phố cứ nằm trên giường, chẳng màng bước ra ngoài vui chơi cùng chúng bạn. “Chạy xe đi bán ngoài đường, thấy mấy đứa nhỏ cùng trang lứa với con cắp sách đến trường, lòng tôi đau như cắt. Đêm về, tôi chỉ biết ôm chặt lấy con mà khóc” - bà Mẫn nghẹn lòng.

Cũng theo bà Mẫn, mỗi lần được cha mẹ chở ra đường, Phố tỏ ra sợ hãi khi nhìn thấy những cần cẩu đang thi công lơ lửng trên cao. Thậm chí, Phố còn che mặt lại, bảo chạy sang hướng khác, đừng đi qua chỗ có cần cẩu.

Ông Chung cho biết sau tai nạn, chủ sà lan có hỗ trợ ban đầu một số tiền để lo thuốc men điều trị cho Phố. Ít lâu sau, người điều khiển cần cẩu gây tai nạn cho Phố tử vong vì bị cần cẩu của một sà lan khác quơ trúng đầu, bản thân chủ sà lan cũng phá sản nên họ bỏ luôn chuyện hỗ trợ tiếp theo. Không còn tiền hỗ trợ, vợ chồng ông Chung phải mượn tiền để lo thuốc men, lắp chân giả cho Phố. 9 năm qua, cuộc sống của gia đình này trượt dài trong khốn khó.

Với Phố, cái ngày chiếc cần cẩu đổ sập vùi anh xuống đất cũng đã chôn chặt tương lai đời mình. “Vài lần em định đi học nghề sửa chữa điện tử nhưng không thể chạy xe, sức khỏe yếu và gia đình khó khăn nên lại thôi” - Phố tâm sự.

“Tôi định vay vốn để mở tiệm tạp hóa trước nhà cho con buôn bán kiếm sống qua ngày nhưng chẳng biết liên hệ ở đâu. Lỡ sau này vợ chồng tôi già yếu, không làm gì được thì chẳng biết tương lai con ra sao” - bà Mẫn lo lắng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Công Tuấn (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN