Sông Tô Lịch nước chảy cuồn cuộn sau bão số 3, “bảo bối” của Nhật có ảnh hưởng?
Mưa lớn khi bão số 3 đổ bộ khiến nước sông Tô Lịch đầy ắp, nước chảy cuồn cuộn khiến “bảo bối” của Nhật bị chìm nghỉm dưới lòng sông.
Khu vực thí điểm công nghệ Nhật Bản dưới sông Tô Lịch bị nhấn chìm sau mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 3.
Mới đây, bão số 3 đã đổ bộ vào đất liền gây mưa lớn cho các tỉnh Bắc Bộ, trong đó có Hà Nội. Mưa lớn liên tục nhiều giờ khiến nhiều tuyến phố bị ngập sâu trong nước. Sông Tô Lịch hằng ngày nước đen kịt nay cũng “thay da đổi thịt” do một lượng nước mưa lớn đổ ra sông.
Ngay trước thời điểm bão số 3 đổ bộ (2/8), ngày 31/7, Công ty Thoát nước Hà Nội đã xả nước hồ Tây ra sông Tô Lịch nhằm đảm bảo an toàn cho khu vực nội thành. Việc xả nước hồ Tây cộng với mưa lớn đã khiến nước sông Tô Lịch dâng cao, nhấn chìm “bảo bối” của Nhật Bản đang xử lý ô nhiễm dưới lòng sông.
Nhiều người dân lo ngại, việc nước sông dâng cao, chảy cuồn cuộn sẽ ảnh hưởng đến công nghệ Nano Bioreactor của Nhật Bản bởi, trước đó, từ ngày 9-11/7, Công ty Thoát nước Hà Nội đã xả một đợt nước với khoảng hơn 1 triệu m3 ra sông. Điều này đã khiến kết quả xử lý của công nghệ Nhật Bản trong vòng gần 2 tháng bị cuốn trôi, việc thí điểm xử lý phải kéo dài thêm 2 tháng (tới ngày 17/9).
Ngày 5/8, trao đổi với PV, TS.Kubo Jun - Cố vấn kỹ thuật Tổ chức xúc tiến Thương mại-Môi trường Nhật Bản cho biết, công nghệ Nano-Bioreactor của Nhật Bản đang thí điểm tại sông Tô Lịch được thiết kế từ đầu là đặt chìm dưới nước để không ảnh hưởng đến cảnh quan, sự lưu thông trên mặt sông.
TS.Kubo Jun - Cố vấn kỹ thuật Tổ chức xúc tiến Thương mại-Môi trường Nhật Bản.
Việc đặt chìm này cũng nhằm mục đích xử lý tận gốc toàn bộ chất ô nhiễm, bùn hữu cơ ở tầng đáy, chất ô nhiễm lơ lửng trong nước. Do đó, việc nước sông dâng cao không ảnh hưởng đến sự hoạt động của máy.
Theo TS.Kubo Jun, đợt xả nước từ hồ Tây vào sông Tô Lịch vào ngày 31/7 vừa qua, Công ty Thoát nước Hà Nội đã thực hiện thông báo trước cho phía JVE một ngày bằng văn bản và điều chỉnh tốc độ xả nước vừa phải. Lưu tốc đo được lần xả thứ 2 là 3m/s, còn lưu tốc xả lần 1 đo được khoảng 8m/s.
“Tốc độ xả nước 8m/s là rất mạnh và việc xả bất ngờ nên hệ vi sinh vật đã được kích hoạt bị ảnh hưởng. Sau lần đó, chúng tôi đã thực hiện giải pháp bí quyết công nghệ để không bị ảnh hưởng bởi tốc độ xả nước”, TS.Kubo Jun chia sẻ.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) cho biết thêm, công nghệ này được thiết kể để đặt chìm dưới nước, những người lo lắng đăng tin công nghệ bị “chìm nghỉm”, “nhấn chìm” là những người chưa hiểu biết về công nghệ.
Chủ tịch HĐQT Công ty JVE cho rằng, hiện nay, có 6 tiêu chí để đánh giá mức độ thành công của công nghệ Nano-Bioreactor khi áp dụng tại sông Tô Lịch.
Thứ nhất, xử lý triệt để mùi hôi thối từ gốc (cấp độ phân tử), khu vực lắp đặt thí điểm công nghệ Nano phải đảm bảo không còn mùi hôi, thối.
Thứ hai, phân hủy một phần bùn hữu cơ tồn đọng lâu năm dưới lòng sông tại khu vực thí điểm thành CO2, H2O. Chất lượng trầm tích (bùn) sau khi xử lý dần đạt QCVN 43:2017/BTNMT.
Thứ ba, xử lý lượng nước thải hằng ngày chảy vào sông và xử lý tận gốc được cả nước đang bị ô nhiễm ở bên trong khu vực thí điểm mà không cần thu gom, tách nước thải.
Thứ tư, bảo tồn hệ sinh thái, cá, thủy sinh phát triển tốt. Số lượng vi khuẩn, vi sinh vật có hại giảm, vi sinh vật có lợi tăng.
Thứ năm, nước tại vị trí điểm lấy mẫu trong khu vực thí điểm sau khi xử lý dần đạt QCVN 08-MT:2015/BTNMT.
Thứ sáu, hệ thống xử lý đảm bảo không gây ô nhiễm thứ cấp (không dồn chất ô nhiễm xuống hạ lưu, không nạo vét bùn mang đi nơi khác gây ô nhiễm tại khu vực đổ thải).
Nhiều người dân Thủ đô lưu thông qua tuyến đường Nguyễn Ngọc Vũ, Láng đã ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của dòng sông...