Sống thấp thỏm dưới chân núi Cấm
Gần 2 năm trôi qua, người dân ở thôn Chánh Thắng (xã Cát Thành, huyện Phù Cát, Bình Định) vẫn chưa hết bàng hoàng, ám ảnh bởi trận sạt lở đất xảy ra tại khu vực núi Cấm hồi tháng 11/2021. Đặc biệt vào thời điểm này, khi trên địa bàn bắt đầu những cơn mưa kéo dài khiến cho nỗi lo lắng của người dân càng lớn hơn.
Ngồi trò chuyện với phóng viên, bà Nguyễn Thị Loan (73 tuổi) nhớ lại: “Hôm ấy, vợ chồng tôi đang nằm ngủ thì nghe tiếng nước chảy xối dữ dội, lúc sau thì tràn vào sân nhà. Chúng tôi mỗi người một góc thi nhau tát nước ra nhưng không được, rồi bùn đất theo đó cũng tràn vào.
Ngày trước sân nhà thấp hơn mặt đường khoảng 5 cm, nhưng do lượng đất trước kia bồi xuống nên giờ cao hơn nhiều”.
Chỉ tay về điểm sạt lở, bà Lê Thị Lấn (71 tuổi) nói: “Mọi hôm thấy trời mưa lớn là sợ lắm, nhiều lúc đang nấu cơm phải bỏ đó đi tìm chỗ khác để lánh tạm vì nước chảy xuống trực diện.
Hiện giờ, địa phương đã làm tuyến mương phía dưới chân núi nên cũng đỡ lo hơn, nhưng nhìn những viên đá nằm trơ trọi vẫn thấy sợ. Ngày trước cây cối chưa mọc lại thì nhìn thấy đá rõ lắm. Nhà tôi cũng trong diện bố trí đến khu tái định cư nhưng cũng chưa nghe nói gì”, bà Lấn nói.
Như Tiền Phong đưa tin, những trận mưa lớn vào tháng 11/2021, đã gây sạt lở tại núi Cấm với một lượng lớn đất, đá tràn xuống khu vực dân cư phía dưới chân núi, vùi lấp hơn 40 nhà dân và hệ thống giao thông, thủy lợi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng và tài sản của 117 gia đình.
Sau khi xảy ra sạt lở, UBND tỉnh Bình Định đã công bố tình huống khẩn cấp về tình trạng sạt lở tại núi Cấm, đồng thời phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng khu tái định cư di dời khẩn cấp các hộ dân trong vùng sạt lở, giao UBND huyện Phù Cát làm chủ đầu tư. Dự án với tổng mức đầu tư 32 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn từ năm 2022-2023.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Mai Văn Bé, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Thành cho hay, theo kế hoạch giai đoạn đầu di dời, tái định cư cho 64 hộ. Tuy nhiên do chưa thể tái định cư cho các hộ dân được nên địa phương chuẩn bị các phương án sơ tán khẩn cấp khi có mưa bão.
Chẳng hạn khi có mưa lớn liên tục ở mức 100-150 mm, xã sẽ đưa 40 hộ sát chân núi tới điểm Trường Tiểu học Cát Thành, nhà văn hóa thôn hoặc ở tạm xen ghép với các hộ dân trong khu vực không bị ảnh hưởng.
Ông Bé cũng nói thêm, vừa rồi xã cũng kiến nghị với UBND huyện, trong thời gian chờ đợi khu tái định cư thì cần xây dựng phương án đền bù cho các hộ dân để áp giá, khi xây xong thì tiến hành di dời người dân qua sẽ nhanh hơn.
Tại cuộc họp báo về công tác chuẩn bị ứng phó mưa lũ năm 2023 của UBND tỉnh Bình Định mới đây, lãnh đạo UBND huyện Phù Cát cho hay, hiện tại riêng hạng mục chỉnh trị dòng chảy thoát nước thuộc dự án di dời hộ dân trong vùng sạt lở đã được đầu tư hoàn chỉnh xong, tuy nhiên lãnh đạo huyện này nhận định, nếu mưa rất lớn thì nguy cơ sạt lở vẫn còn cao, ảnh hưởng đến 40 hộ dân. Còn về nguyên nhân chậm hoàn thành khu tái định cư cho người dân sạt lở núi Cấm là do vướng mỏ đất.
Nguồn: [Link nguồn]
Nhiều năm nay, sông Gianh đoạn chảy qua huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình sạt lở nghiêm trọng. Tại một số vị trí, bờ sông đã lấn sâu vào sát khu dân cư. Do chính quyền địa...