Sóng thần Nhật: Hàng vạn gia đình sống tạm bợ
Chính phủ không thể hỗ trợ trực tiếp cho những hộ gia đình mất nhà, người dân phải tự lo tất cả chi phí đất đai, xây nhà ở nơi định cư mới… là hai trong nhiều khó khăn khiến hàng chục nghìn gia đình vùng đông bắc Nhật Bản vẫn sống trong nhà tạm chỉ rộng gần 30m2 dù thảm họa đã qua 2 năm.
Đó là thực trạng được chia sẻ tại cuộc hội thảo với chủ đề “Sự hồi sinh” diễn ra tại Trung tâm hợp tác nguồn nhân lực Việt Nam – Nhật Bản tại Hà Nội chiều 11/3 để tưởng niệm 2 năm xảy ra thảm hoạ kép.
Phóng viên Nakamura Yoshinobu ở báo Asahi Shimbun, diễn giả chính của cuộc hội thảo, cho biết ít hàng chục nghìn gia đình ở nơi hứng chịu thiên tai cách đây 2 năm vẫn đang phải sống trong nhà tạm. Người dân nơi đây đang gặp rất nhiều khó khăn để có một căn nhà mới.
“Chính phủ không thể hỗ trợ trực tiếp cho những hộ này vì điều đó không công bằng đối với những người đóng thuế khác và những gia đình đóng bảo hiểm động đất”, ông Yoshinobu nói.
Ở Nhật, chỉ khoảng 25% số hộ đóng bảo hiểm động đất. Chính phủ chỉ có thể hỗ trợ các hộ gia đình hứng chịu thảm hoạ bằng cách mua lại mảnh đất cũ và hỗ trợ một phần chi phí di cư. Tuy nhiên, số tiền này không thấm vào đâu, trong khi chi phí xây một ngôi nhà trung bình, đủ cho gia đình gồm bố mẹ và 2 con lên tới gần 4,5 tỷ đồng.
Sau khi bị động đất và sóng thần tàn phá, người dân Nhật Bản cũng nhận được sự giúp đỡ của nhiều từ các nước bạn bè. Tuy nhiên, vì có tới 30.000 hộ dân đang cần di cư, nên số tiền hỗ trợ mà mỗi gia đình nhận được chỉ khoảng 1.400 Yen (khoảng 300 triệu đồng), không thấm vào đâu để chuyển đến nơi ở mới.
Những người mất nhà phần lớn là người già hoặc người thất nghiệp vì nhà của họ bị phá huỷ, phá sản sau trận động đất sóng thần. Vì thế họ rất khó tiếp cận với khoản vay của các ngân hàng, nhất là những người đã vay tiền để xây nhà trước mà chưa trả.
Khu nhà tạm chật chội mà rất nhiều hộ gia đình ở vùng đông bắc Nhật Bản đang phải sống sau khi nhà cửa bị thiên tai tàn phá
Diễn giả Yoshinobu cũng cho biết, người dân sống gần bờ biển giờ đây không thể xây nhà ở nơi cũ nữa. Vì thế, một số cộng đồng dân cư đang phải cần di chuyển tập thể đến vùng đất mới. Vì chính quyền địa phương rất tôn trọng sự đồng thuận, ý kiến của người dân trong việc chuyển đến nơi ở mới, nên cho đến nay một số cộng đồng chưa thống nhất được khi nhiều gia đình từ chối tham gia.
Ngoài ra, một nguyên nhân khiến nhiều gia đình không muốn chuyển đi là vì họ muốn gắn bó với mảnh đất và nhiều thế hệ gia đình từng sinh sống, và cũng là nơi họ đang sống dựa vào nghề đánh bắt, nông nghiệp.
Theo phóng viên của báo Asahi Shimbun, chính phủ đang xây dựng những khu dân cư sau thảm hoạ với mỗi căn hộ có diện tích 40-60m2. Những người đến đây ở phải trả tiền thuê nhà hằng tháng.
“Người Nhật Bản thường không thích ở nhà thuê. Họ thích sở hữu nhà để sau này cho con cháu. 2 năm sau thảm hoạ, số người phải từ bỏ mong muốn có nhà riêng ngày càng tăng”, ông Yoshinobu nói.