Sống ở đáy sông: Nổi chìm ai tỏ?
Trầm mình dưới sông, kênh, mương hàng giờ đồng hồ, những người đàn ông trung niên chuyền từng thùng đất dưới mương lên bờ để đắp vào gốc chuối. Họ là những thợ lặn đất ở miền Tây, bao năm vẫn gắn bó với cái nghề gian khổ này vì miếng cơm manh áo, vì lo cho con cái học hành…
“Khô áo là hết tiền”
Hơn 9 giờ sáng một ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, chúng tôi có mặt tại phường Trung Nhứt (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ). Từ nhà của chủ vườn, men theo bờ mương mấy trăm mét là đến nơi nhóm thợ lặn đất đang hành nghề. Những người đàn ông chuyền từng thùng đất dưới mương lên bờ rồi đắp vào gốc chuối, ai nấy người ướt đẫm.
Đang lặn ngụp mò đất dưới mương, ông Trương Văn Bê (quê ở xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) ngước lên, đưa tay vuốt mặt: “Thấy cực khổ vậy chứ buông ra khô áo là hết tiền, đói ngay chú ơi!”. Chạm tuổi 60, với thâm niên 30 năm hành nghề, ông Bê là trưởng nhóm thợ lặn đất ở đây. Vườn chuối này chủ mới trồng khoảng 2 tháng, nhóm ông Bê được thuê lặn đất đắp gốc cho chuối phát triển. Nhóm bắt đầu nhận việc từ 1 tuần nay, dự kiến khoảng 25 tháng Chạp thì xong. Tiền công mỗi người nhận được từ 200-300 nghìn đồng mỗi ngày.
Theo dây chuyền, người ngâm mình dưới mương lặn múc từng thùng đất chuyền cho người kế bên và người cuối cùng đem thùng đất đắp vào gốc cây, xong cây này thì chuyển sang cây khác, rồi họ đổi chỗ cho nhau để giữ đều sức. “Trời cuối năm buổi sáng cũng hơi se lạnh. Lúc đầu xuống cũng run người nhưng làm một hồi “nóng máy” nên hết lạnh. Gần Tết ít người kêu lắm, có mối là mừng rồi”, ông Bê nói khi vừa múc lên thùng đất từ đáy mương.
Gần giữa trưa, cả nhóm lên bờ nghỉ giải lao, người châm điếu thuốc, người tranh thủ bắt vài con ốc dưới mương lên, lấy nắm lá khô đốt nướng ăn lót dạ. Họ là những người đàn ông đứng tuổi (người ít nhất cũng trên 40, cao nhất đã 63 tuổi), hầu hết không có ruộng đất, rày đây mai đó trên chiếc xe đạp cũ kỹ buộc chiếc thùng là dụng cụ hành nghề phía sau. Cứ thế, họ đạp xe khắp nơi, thường lặn múc đất dưới sông, rạch hoặc tại những mương nước của vườn cây ăn trái...
Nhóm của ông Trương Văn Bê đang lặn đất đắp gốc chuối cho chủ vườn ở quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ. ẢNH: HÒA HỘI
Ông Võ Văn Vĩnh, thành viên trong nhóm với 20 năm trong nghề cho biết, buổi sáng, vợ ông dậy sớm chuẩn bị cơm nước để ông mang theo ăn. Cả nhóm hẹn nhau tập trung tại một điểm trong xã rồi xuất phát, mỗi người mỗi xe, đồ nghề buộc phía sau. “Hôm nào làm gần nhà thì sáng mới tập trung, còn làm ở xa hay sang tỉnh khác đạp xe vài chục cây số thì phải thức dậy từ 3 - 4 giờ sáng để kịp đến nơi làm việc, đặc biệt tranh thủ lúc nước ròng cho dễ lấy đất” - ông Vĩnh chia sẻ.
Vết sẹo thời gian
Theo những thợ lặn đất, nghề này rất nhọc nhằn và đối mặt nhiều nguy hiểm vì phải ngâm mình dưới nước nhiều giờ đồng hồ. Ô nhiễm, gai góc dưới lớp sình bùn rách chân là chuyện thường ngày, chân ai cũng có những vết sẹo do bị cào xước.
“Hôm đó, cũng lặn đất trong vườn đắp gốc mận, đang làm thì bị gai cá trê đâm vào chân đau điếng, nhức cả ngày” - ông Vĩnh chỉ tay vào chân còn sẹo sau lần lặn đất bên cù lao Tân Lộc mấy tháng trước.
Ông Võ Văn Vĩnh tranh thủ nướng ốc ăn đỡ đói. ẢNH: HÒA HỘI
Với thâm niên hàng chục năm trong nghề, trưởng nhóm Trương Văn Bê không nhớ nổi bao nhiêu lần bị cào xước, để lại sẹo, từ gai cá trê đâm đến mảnh chai, mảnh ly, vết này chưa lành đã đến vết khác. Có lần bị cắt đứt ngón chân, nghỉ gần nửa tháng chưa lành hẳn nhưng hết tiền phải đi làm tiếp. Xuống nước rồi lại bị nhiễm trùng cũng đành chịu.
“Ngán nhất là lặn ở dưới nhà sàn trên sông, họ vứt đủ thứ xuống, dưới nước thì biết đâu mà tránh. Lúc đó chỉ nghĩ lo múc cục đất lên để kiếm tiền nuôi vợ con nên không quan tâm gì cả” - ông Bê chia sẻ.
Với các thợ lặn đất, ai kêu là làm, làm riết thành quen, thành cái “nghiệp”, chuyển sang nghề khác cũng khó, xin vào công ty, xí nghiệp cũng khó vì lớn tuổi không ai nhận. Ông Lê Văn Cập (53 tuổi, xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) chia sẻ, làm nghề này cực nhất là lúc nước sâu, lặn mệt. Thường vào tháng 2, tháng 3 âm lịch nước cạn dễ làm, còn tháng 5, tháng 6 trở lên, nhất là vào mùa lũ nước lớn rất lạnh. Chưa kể, trời mưa trời gió, lạnh lẽo cũng phải cố gắng làm chứ không thì đói.
Nhóm thợ bê từng thùng đất từ đáy sông
Gia đình không ruộng đất, năm nay 48 tuổi nhưng ông Nguyễn Văn Kè đã có thâm niên gần 30 năm hành nghề lặn đất. Hai người con của ông chưa học hết cấp 2 cũng nghỉ để đi làm thuê.
“Làm còn không đủ ăn, ngày nào ăn ngày đó, khô áo là hết tiền thì lấy đâu cho con học lên. Nghề này bấp bênh, có khi đạp xe mấy chục cây số từ tỉnh này sang tỉnh khác, thậm chí có khi cả nhóm đạp mấy ngày trời không ai kêu thì lấy đâu ra tiền, lỗ tiền ăn uống” - ông Kè than thở.
Cũng hoàn cảnh “không cục đất chọi chim”, ông Lê Văn Học (58 tuổi) gắn bó với nghề lặn đất từ năm 27 tuổi. Ông có 3 người con thì chỉ có người con gái út hiện đang học lớp 9, hai con trai không đi học, cũng không chịu theo nghề của cha mà đi làm thuê rồi lập gia đình, có vợ con nhưng cuộc sống khó khăn, làm không đủ ăn. Một người con lâm cảnh vợ chồng hục hặc rồi người vợ bỏ đi, ở nhà không việc làm nên bỏ lên TPHCM làm thuê, để lại cháu nội cho vợ chồng ông Học chăm sóc…
“Nhiều đêm trằn trọc, thức trắng không ngủ được vì lo. Nếu mình không còn sức làm nổi thì lấy đâu lo cho vợ con. Tương lai của con cái hổng biết sao nữa, hay cứ tiếp tục đạp xe chở lủng lẳng cái thùng đi lặn mò đất như cha của nó cả đời vẫn không khá nổi…”, thợ lặn đất Lê Văn Cập.
Gần giữa trưa, mặt trời đứng bóng, nhóm thợ lặn đất mỗi người mang theo bọc cơm, chai nước lên bờ tìm chỗ râm mát để ăn trưa. Cơm trắng, người thì con cá chiên, người mang theo vài ba con cá kho, chan nước lạnh cho dễ nuốt. Với họ, có gì ăn nấy cho đỡ đói, hiếm khi có bữa cơm đầy đủ. Hơn nữa, làm xa ngoài đồng nên chủ vườn ít khi mang nước cho uống nên ai nấy tự mang nước theo. Ăn trưa, nghỉ ngơi chút rồi tranh thủ làm tiếp rồi còn đạp xe về nhà, hôm sau lại tiếp tục…
“Nhiều đêm trằn trọc, thức trắng không ngủ được vì lo. Nếu mình không còn sức làm nổi thì lấy đâu lo cho vợ con. Tương lai của con cái hổng biết sao nữa, hay cứ tiếp tục đạp xe chở lủng lẳng cái thùng đi lặn mò đất như cha của nó cả đời vẫn không khá nổi…”, ông Lê Văn Cập nói rồi trầm ngâm, hít hơi thuốc rất sâu, đôi mắt đỏ hoe nhìn về xa thẳm.
Nguồn: [Link nguồn]
Cuộc đời anh hùng sông nước của ông là dãy dài những sự kiện oai hùng mà ghê rợn. Nay, dù đã ngót nghét 70 tuổi, người đàn ông ấy vẫn tiếp tục giúp người sống được thanh thản và người mất được nhắm mắt xuôi tay...