Sống ở đáy sông: Những cung bậc thợ lặn Đất Mũi

Dù vất vả, đối mặt hiểm nguy chực chờ nơi đáy sông, cửa biển nhưng nhiều thợ lặn ở vùng đất tận cùng Tổ quốc (Cà Mau) vẫn bám nghề, giữ nghề, vì kế sinh nhai. Có người chấp nhận đánh đổi hạnh phúc riêng tư để sống với nghề, cũng có người tử nạn lúc làm nghề.

Vụ nổ kinh hoàng

Đã hơn một tuần trôi qua, người dân ở khóm Sa Phô (thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) vẫn chưa quên được tiếng nổ từ quả bom sót lại sau chiến tranh bên sông Cửa Lớn. Sau tiếng nổ ấy, xóm nghèo Sa Phô mất đi 3 người là trụ cột 3 gia đình thuộc diện khó khăn ở địa phương. Con đường dẫn vào xóm nhà nhỏ này - vốn được nhiều người biết đến vì có những thợ lặn chuyên nghiệp - giờ vắng bóng các anh.

Bà Duyên kể lại những cuộc trục vớt chiến hạm, tàu chiến bị đắm và nhiều xác người trên sông Cửa Lớn

Bà Duyên kể lại những cuộc trục vớt chiến hạm, tàu chiến bị đắm và nhiều xác người trên sông Cửa Lớn

Anh N.N.T, nạn nhân trong vụ nổ trên sông Cửa Lớn hôm 17/1 là một trong những thợ lặn ấy. Trong căn nhà xập xệ nằm ven sông Cửa Lớn, gần một sân bay cũ bỏ hoang từ lâu, chị Tạ Thị Út (vợ anh T) vẫn chưa dứt nỗi đau.

“Suốt hơn 20 năm qua, anh ấy nuôi cả nhà này bằng nghề lặn. Bình thường anh ấy lặn bắt hàu về bán. Đôi khi cũng nhặt được vài thanh sắt hay gì đó ở dưới đáy sông về để có thể bán phế liệu. Thỉnh thoảng, vài ba tháng có người đến nhờ anh đi trục vớt tàu chìm”, chị Út kể về công việc của chồng và cho biết thêm anh T là một thợ lặn hiền lành, ít nhậu, cần cù, chịu khó, yêu thương vợ con. Anh T mất đi, chị phải gồng gánh nuôi 2 con nhỏ (đứa lớn 16 tuổi, đứa nhỏ 13 tuổi) trong khi không có nghề nghiệp.

Anh Phan Văn Phấn, người bạn lặn hành nghề mò hàu với anh T, cho biết, nghề này cho thu nhập cũng khá nhưng cũng tiềm ẩn muôn vàn nguy hiểm. Có trường hợp, khi đang hành nghề trên sông do không nắm rõ con nước nên bị đuối nước chết. “Nói chung, cái nghề mò mẫm này cũng có cái vui. Vui vì mò được con cá, con cua. Khi chiều về anh em gom lại ngồi lai rai kể về chuyện thu nhập, chuyện làm nghề”, anh Phấn chia sẻ.

Ở đâu có tàu chìm là tới liền

Trong số những người hành nghề thợ lặn chuyên nghiệp ở đây, nhiều người phải nể phục bà Mười Duyên (Đàm Thị Duyên, 67 tuổi, ngụ thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn). Cuộc đời của bà là cảm hứng dệt nên nhiều “huyền thoại” về những cuộc trục vớt chiến hạm, tàu chiến bị đắm và nhiều xác người trên sông Cửa Lớn. Tiếp chuyện phóng viên, trong ánh mắt, cử chỉ của bà toát lên bản lĩnh của một “nữ tướng” vang danh một thời trong vùng, từng chỉ huy nhóm hơn 30 tay thợ lặn chuyên nghiệp hành nghề vớt tàu chiến trên sông.

Tuổi cao nên bà Duyên đã giải nghệ nhiều năm nay, nhưng người phụ nữ này vẫn được cánh thợ lặn nể trọng. Một phần vì bà là người phụ nữ duy nhất trong vùng từng lôi được xác tàu Mỹ lên bờ; một phần vì bà là một thợ lặn lão luyện, chỉ huy được những thợ lặn thuộc hàng giỏi nhất; phần nữa vì bà chấp nhận đánh đổi hạnh phúc riêng tư để sống cái nghề mò mẫm đáy sông này.

Bà Duyên người gốc Cần Thơ, từ nhỏ đã có thể ngụp lặn một hơi dài để bắt tôm, bắt cá. Thời chiến tranh, bà sử dụng bản năng ấy để tránh những trận càn quét của quân địch. Khi chiến tranh đi qua, bà thành lập đội lặn chuyên nghiệp, mở rộng vùng hoạt động từ Cần Thơ sang các tỉnh lân cận… Thời ấy, bà Duyên còn kết hợp với cả đơn vị quân đội trục vớt các chiến hạm, tàu sắt Mỹ bị đánh chìm trong chiến tranh. Và trong một lần về Cà Mau trục vớt chiến hạm Mỹ trên sông Cửa Lớn, bà Duyên gắn chặt cuộc đời với dòng sông nơi tận cùng cực Nam Tổ quốc cho tới bây giờ.

Hơn 40 gắn bó, bà không nhớ nổi có bao nhiêu xác tàu lẫn xác người được bà trục vớt khỏi lòng sông lạnh lẽo. Bà nói: “Nhiều lắm. Có những xác tàu đắm thời chiến chôn vùi cả xương cốt của người Việt mình, khi lấy lên nhìn đau lòng lắm. Có những tàu khi lôi lên được mình đọc những dòng tâm thư của những nạn nhân gửi vợ con, cha mẹ, người thân, người yêu cảm thấy bùi ngùi”.

Sinh nghề tử nghiệp

Theo bà Duyên, trục vớt một tàu sắt của Mỹ không phải là chuyện mà ai cũng có thể làm được. Mỗi khi nhận hợp đồng, bà có nhiệm vụ lặn xuống dưới lòng sông quan sát con tàu chìm ở độ sâu bao nhiêu, con tàu dài, nặng bao nhiêu rồi mới tính toán chu đáo các công đoạn để kéo tàu. Hai hàng cừ dừa được cắm sâu vài mét, hàng chục cây khác thả chắn ngang trước và sau hai hàng cọc. Hệ thống dây cáp bằng cổ tay sau đó được đấu nối với cọc dừa và mắc cẩn thận vào thân con tàu. Bằng sức kéo của máy thông qua hệ thống ròng rọc, xác con tàu được xê dịch và từ từ “bò” lên bờ.

Đoạn sông Cửa Lớn – nơi xảy ra vụ nổ khiến 3 thợ lặn tử vong

Đoạn sông Cửa Lớn – nơi xảy ra vụ nổ khiến 3 thợ lặn tử vong

“Riêng những con tàu bị lún bùn sâu, chìm dưới lòng đất, mình không thể nào kéo lên theo chiều xuôi mà phải lột ngược con tàu. Khi mũi tàu có độ hở, người thợ lặn phải tranh thủ luồn những dây xích qua thân tàu, cứ thế cho đến khi con tàu lên khỏi mặt đất rồi dùng cẩu kéo lên”, bà Duyên chia sẻ kinh nghiệm.

Nghề này đầy rẫy nguy hiểm, chỉ cần sơ suất nhỏ của người thủ lĩnh là bạn lặn bỏ mạng như chơi. Bà Duyên không nhớ nổi đã bao nhiêu lần lặn xuống đáy sông cứu đồng đội khi họ bị tuột dây hay bể ống hơi. Thế nhưng, kỷ niệm buồn nhất trong nghề khiến bà nản chí, quyết định bỏ cái nghề lặn nghiệt ngã này khi lần lượt chứng kiến người anh trai ruột, người em nuôi thân tình tử nạn lúc làm nghề. “Sinh nghề tử nghiệp, không ai ngờ rằng người có nhiều kinh nghiệm như anh em của tôi lại bỏ mạng dưới lòng sông”, bà nói giọng trầm buồn.

Bà Duyên vẫn lưu luyến với nghề “nhắm mắt quơ tay” dưới đáy sông

Bà Duyên vẫn lưu luyến với nghề “nhắm mắt quơ tay” dưới đáy sông

Tung hoành khắp nơi với cái nghề “nhắm mắt quơ tay” nhưng nữ thợ lặn này sợ nhất là mỗi khi có ai gọi đi lặn tìm... xác chết. Bà Duyên thú nhận rằng khi nắm được tay người chết ở tận mười mấy mét nước dưới đáy sông lạnh lẽo, lắm lúc bà cũng rợn người. “Người ta gọi nửa đêm mình cũng phải ra ứng cứu. Mình làm nghề này thấy người ta gặp nạn sao bỏ được. Tôi chưa bao giờ nhận thù lao công việc lặn tìm xác chết này”, bà Duyên chia sẻ.

Khoảng 4 năm trở lại đây, do những người trong đội lặn đều lớn tuổi, bà Duyên giải tán đội, chuyển sang nghề nuôi hàu. Nhưng khi có người thuê trục vớt tàu đánh bắt cá chìm ngoài biển, bà sẵn sàng cho mượn đồ nghề, góp ý cho những thế hệ thợ lặn trẻ tiếp tục mưu sinh trên dòng sông Cửa Lớn - con sông duy nhất ở Việt Nam có khởi nguồn từ biển và chảy ra biển và là con sông gắn với nhiều chiến tích đánh giặc hào hùng, oanh liệt trong quá khứ.

Trầm mình dưới sông, kênh, mương hàng giờ đồng hồ, những người đàn ông trung niên chuyền từng thùng đất dưới mương lên bờ để đắp vào gốc chuối. Họ là những thợ lặn đất ở miền Tây, bao năm vẫn gắn bó với cái nghề gian khổ này vì miếng cơm manh áo, vì lo cho con cái học hành…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tân Lộc ([Tên nguồn])
Sống ở đáy sông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN