Sông "ngoạm" bờ gây chết người, vì sao nhiều hộ vẫn bám trụ?

Sự kiện: Tin nóng

Sau hơn một tháng xảy ra vụ sạt lở bờ sông Thạch Hãn đoạn chảy qua thôn Như Lệ, xã Hải Lệ (thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị), gây chết người, hiện vẫn còn nhiều hộ dân có nhà trong khu vực sạt lở, sụt lún bờ sông đang phải sống trong lo sợ, thấp thỏm từng ngày…

Như Báo CAND đã phản ánh, đêm 16/10, ở bờ Nam sông Thạch Hãn đoạn qua thôn Như Lệ, xã Hải Lệ xảy ra vụ sạt lở, sụt lún đất và kè bằng rọ đá khiến ngôi nhà của cha con ông Võ Lợi (SN 1977) bị đổ sập xuống sông. Đến rạng sáng 17/10 có thêm 2 ngôi nhà khác và 2 quán ở cùng dãy nhà nạn nhân tiếp tục bị sập đổ. Ngay trong đêm 16 và ngày 17/10, Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Quảng Trị vừa thực hiện công tác tìm kiếm, cứu nạn người mất tích, vừa yêu cầu toàn bộ người dân ở trong các ngôi nhà nêu trên di chuyển ra bên ngoài để đảm bảo an toàn tính mạng. Tuy nhiên, sau vụ sập nhà, chết người chỉ vài ngày, bà con đã sớm trở lại, tiếp tục sinh sống trong những ngôi nhà nằm cheo leo bên mép sông cho đến nay.

Đoạn bờ kè bị xé toạc gây sụt lún, sạt lở bờ sông Thạch Hãn, làm sập nhà dân và chết người. Ảnh Thanh Bình.

Đoạn bờ kè bị xé toạc gây sụt lún, sạt lở bờ sông Thạch Hãn, làm sập nhà dân và chết người. Ảnh Thanh Bình.

Qua trao đổi, ông Nguyễn Đạo Ái, Chủ tịch UBND xã Hải Lệ cho biết, thời gian trước và sau vụ tai nạn, chính quyền, ban, ngành chức năng và đoàn thể địa phương đã kiên trì vận động bà con đến nơi ở mới. Tuy nhiên, do mức hỗ trợ thấp, chỉ 20 triệu đồng/hộ, nên bà con không có điều kiện để rời đi.

Đến thăm những hộ dân nằm trong khu vực bị sạt lở, ông Hồ Xuân Thủy (SN 1976) chia sẻ: “Bà con chúng tôi ở đây đều làm nông nghiệp và buôn bán nhỏ. Cuộc sống không giàu có nhưng cũng tạm đủ sống. Bây giờ nếu đến nơi ở mới xa đất đai canh tác và đường sá giao thông nhiều cây số, thì rõ ràng việc sản xuất nông nghiệp không còn được thuận lợi, việc buôn bán nhỏ cũng phải gác lại, rồi biết xoay xở vào đâu tiền bạc để làm lại nhà ở”. Theo ông Hồ Dũng (SN 1966, có nhà nằm ngay bên cạnh nhà nạn nhân và là hàng xóm của ông Thủy), có nhiều nguyên nhân khiến bờ sông Thạch Hãn ngày càng bị sạt lở và sụt lún đất.

Tuy nhiên, đối với vụ việc vừa rồi, nguyên nhân trực tiếp liên quan đến quá trình xây dựng kè bờ sông ở đây. Cụ thể, việc xây dựng này được thực hiện theo cách lắp đặt các rọ đá theo hình bậc thang và dọc một đoạn bờ sông khoảng 200m. Nhưng cứ sau mỗi hàng rọ đá được lắp đặt xuống, người ta lại trải bạt lên bề mặt hàng rọ đá này và kê đặt hàng rọ đá khác lên đó. Hậu quả, nước từ chỗ cao đổ xuống, từ khu dân cu, đường giao thông đổ ra bị những lớp bạt này ngăn lại không thoát ra được sông như trước đây. Lâu ngày, nước bên trong chân kè tích tụ thành khối lớn, chân kè bên ngoài bị xói mòn hằng ngày bởi dòng chảy của sông, dẫn đến kè bị xé kéo theo khối đất đắp nhưng không được lu lèn ở phía bên trong và sát tường nhà dân cùng đất xung quanh móng nhà bị sụt lún, trượt trôi ra bờ sông; ngôi nhà xây kiên cố của cha con ông Lợi vì thế bị đổ sập chỉ trong phút chốc.

Ông Dũng kể lại một tình tiết đáng chú ý: “Ngay buổi chiều trước lúc xảy ra tai nạn, tôi sang nhà chú Lợi ngồi uống cà phê chỗ sau hè nhà và sát bờ kè. Tại đây, chúng tôi phát hiện một đường nứt bê tông chiều rộng 5cm, dài khoảng 10m, tại điểm giáp ranh giữa mép trong bờ kè với  khu vực bên trong được chú ấy tận dụng đổ láng bê tông làm chỗ ngồi uống cà phê và hóng gió mát bờ sông. Tuy nhiên, lúc đó cả hai chúng tôi đều cho rằng, vết nứt là do đất không được lu lèn, mà không nghĩ ra được chân bờ kè đã bị tác động làm xê dịch”. “Giá như tôi đã sớm nghĩ ra được nguyên nhân đó, tôi sẽ không đời nào cho hai bố con chú ấy ở lại dù chỉ thêm một giờ”, nhớ lại tình tiết kể trên, ông Dũng vẫn còn vò đầu, bức tóc hối tiếc.

Làm việc với chúng tôi, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị nói rằng, nếu đúng có nguyên nhân như người dân phản ánh thì cần sớm có sự xác minh, điều tra làm rõ toàn bộ sự việc liên quan. Qua đó xử lý nghiêm những sai sót, sai phạm (nếu có), đồng thời để rút kinh nghiệm và điều chỉnh thiết kế, giải pháp thi công theo đúng khoa học và thực tế địa hình. Không để xảy ra sai sót gây chết người, hư hỏng tài sản của nhân dân, lãng phí nguồn tiền của Nhà nước.

Theo ông Đồng, hiện nay mức hỗ trợ di dời người dân đến nơi tái định cư mới tại các khu vực sạt lở vẫn còn thấp, chỉ 20 triệu đồng/hộ, khiến nhiều người còn chần chừ, chưa quyết liệt di dời. UBND tỉnh Quảng Trị sẽ sớm kiến nghị HĐND tỉnh cũng như các bộ, ngành Trung ương xem xét tăng mức hỗ trợ để động viên người dân sớm di chuyển đến nơi ở mới an toàn, đảm bảo cuộc sống, an tâm sản xuất.

Sập nhà trong đêm, một người bị vùi tử vong

Bờ sông Thạch Hãn sạt lở trong đêm khiến nhiều nhà dân bên sông hư hại, đổ sập, một người đã bị vùi lấp tử vong.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Bình ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN