'Sống mòn' bên tuyến đường sắt hiện đại làm 17 năm chưa xong
Tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long nếu hoàn thành sẽ là 1 trong 2 tuyến đường sắt quốc gia hiện đại nhất nước (bên cạnh tuyến Yên Viên – Đồng Đăng), với khổ ray 1.435mm. Triển khai từ năm 2005 đến nay chưa xong và đang tạm dừng, dự án gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân liên quan.
Người dân Quảng Ninh sống dọc Dự án cải tạo nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dự án dừng thi công kéo dài. Dù nhiều lần kiến nghị xử lý dứt điểm làm tiếp hay hủy dự án tới các cấp ngành, đặc biệt là Bộ Giao thông vận tải (GTVT, chủ đầu tư), nhưng chưa được giải quyết.
Cụ thể, người dân thị xã Đông Triều, TP.Uông Bí, TP.Hạ Long (Quảng Ninh) sống dọc tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long phản ánh, cuộc sống đang chịu nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng do Dự án cải tạo tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long đình trệ kéo dài. Dự án khởi công năm 2005, tới nay đã 17 năm vẫn dở dang.
Việc dự án trên chậm tiến độ khiến các hộ dân trong phạm vi tuyến đường chưa được di dời giải phóng mặt bằng, cũng không được xây dựng, sửa chữa nhà ở; không được tách thửa, chuyển quyền sử dụng đất; không được cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... Do đó, người dân tiếp tục kiến nghị Bộ GTVT, Chính phủ nghiên cứu lại tính khả thi của dự án, để sớm bố trí vốn tiếp tục thực hiện hoặc hủy dự án để người dân trở lại cuộc sống bình thường.
Ga Hạ Long trên tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân được đầu tư hiện đại, nhưng trước khi bùng phát dịch mỗi ngày chỉ có một chuyến "tàu chợ", nay đã tạm dừng do phương tiện hết niên hạn sử dụng.
Nói về tiến độ triển khai Dự án xây dựng tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, dự án có tổng mức đầu tư hơn 7.600 tỷ đồng, chia thành 4 tiểu dự án vận hành độc lập. Dự án được khởi công từ năm 2005, nhưng tới năm 2011 gặp khó khăn về nguồn vốn nên bị đình hoãn, giãn tiến độ đến nay. Mục tiêu là kết nối vận tải hàng hoá với cảng Cái Lân và hành khách trên tuyến.
Đến nay, đơn vị có trách nhiệm đã hoàn thành đưa vào khai thác đoạn Hạ Long - Cái Lân; các đoạn còn lại gồm Yên Viên - Lim, Lim - Phả Lại, Phả Lại - Hạ Long đã triển khai đền bù, giải phóng mặt bằng, thi công nền đường và một số hạng mục.
Quy hoạch đường sắt quốc gia tới năm 2030, tầm nhìn 2050 vẫn xác định tuyến đường sắt trên sẽ triển khai trong giai đoạn từ nay tới năm 2030.
Tuy nhiên, Bộ GTVT thừa nhận, dự án được phê duyệt đầu tư đã lâu, hiện có những thay đổi nhất định về định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, khu vực triển khai.
Bộ GTVT đã giao Ban Quản lý dự án đường sắt của bộ rà soát, điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, làm cơ sở báo cáo cấp có thẩm quyền về phương án tiếp tục triển khai nhằm sớm đưa vào khai thác tuyến đường sắt này. Sau khi có kết quả rà soát, đánh giá tổng thể lại dự án, Bộ GTVT sẽ kiến nghị cấp có thẩm quyền để triển khai đầu tư.
Dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân khởi công năm 2005, dài 131km (43km xây dựng mới và 88km cải tạo, nâng cấp), khổ ray lồng giữa đường 1.000mm và 1.435mm, tổng mức đầu tư 7.665 tỷ đồng. Tuyến đường sắt này bắt đầu từ ga Yên Viên (Hà Nội), đi qua các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh và kết thúc tại cảng Cái Lân (TP.Hạ Long).
Năm 2011, do khủng hoảng kinh tế, cắt giảm đầu tư công, dự án đã tạm dừng khi giải ngân được hơn 4.536 tỷ đồng vốn ngân sách. Dự án dừng từ đó tới nay.
Theo đánh giá năm 2016 của Bộ GTVT, để hoàn thành dự án, cần thêm 6.000 tỷ đồng (tăng thêm hơn 3.000 tỷ đồng so với dự án được duyệt ban đầu - PV), do trượt giá, giá vật liệu và nhân công tăng, chưa kể nhiều hạng mục xuống cấp phải sửa hoặc làm lại.
Nguồn: [Link nguồn]
Một tổ chức giải quyết tranh chấp kinh tế trong nước vừa tiếp nhận đơn của nhà thầu, yêu cầu chủ đầu tư Dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội giải quyết bồi thường...