Sống giữa hai cõi âm - dương ở Bình Hưng Hòa
Dù việc di dời Nghĩa trang Bình Hưng Hòa sắp hoàn tất, thị trường nhà đất đang sôi động, nhiều người dân sinh sống lâu năm ở đây vẫn chưa tính chuyện về nơi ở mới.
Chúng tôi đến Nghĩa trang Bình Hưng Hòa (BHH - nằm ở phường Bình Hưng Hòa và Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP HCM) khi trời mưa lất phất. Con đường dẫn vào phía trong nghĩa trang xẻ dọc, xẻ ngang. Những khối bê tông to, có những mảng gần như nát vụn nằm rải rác trên đoạn đường mòn, đám cỏ dại cao gần bằng đầu người phủ quanh những ngôi mộ. Một không gian heo hút, lạnh lẽo.
Không sợ người chết, chỉ sợ người sống
Rẽ vào xóm nhỏ yên tĩnh cạnh nghĩa trang, trước mắt chúng tôi là một thế giới khác. Dưới gốc cây có tán lớn là một quán cóc - nghe chủ quán nói đã tồn tại hơn 30 năm qua 2 thế hệ - đang tập trung nhiều người đến trò chuyện rôm rả. Đó là một cụ ông trạc ngoài 70 tuổi, gương mặt phúc hậu, cụt một chân, bán vé số cho những người thăm mộ; một người đàn ông đầu trọc, da ngăm, thân hình vạm vỡ, làm nghề bốc cốt; một cụ bà đội nón lụp xụp, ít nói, gắn bó với việc dọn cỏ, giữ mộ; một phụ nữ có gương mặt buồn rười rượi làm nghề nhặt ve chai... Câu chuyện của họ xoay quanh công việc trong ngày, xen vào đó là nỗi lo nghĩa trang đang quy hoạch, việc mưu sinh càng bấp bênh, khó khăn hơn trước. "Chắc dọn vô TP, thuê cái nhà trọ, kiếm nghề khác sống chứ biết sao giờ" - người đàn ông làm công việc bốc cốt nói. "Sống ở đây quen rồi, dọn đến nơi khác, không biết có sống được không. Thôi đành tới đâu hay đó" - một người khác trầm ngâm.
Quán nước tồn tại hơn 30 năm, nơi ấm áp và nhộn nhịp nhất ở Nghĩa trang Bình Hưng Hòa
Trời chạng vạng, quán cóc bắt đầu được dọn dẹp. Chúng tôi xin theo chân bà Dương Thị Thanh Thủy, 54 tuổi, quê gốc Củ Chi về nhà. Đường đi quanh co, ngang qua những ngôi mộ lâu đời, bà Thủy lom khom hái từng đọt rau dại cho buổi ăn tối. Dừng lại trước căn chòi dựng tạm bợ bằng những tấm bạt rách bươm, chắp vá nhiều mảnh, diện tích chừng 4-5 m2, bà niềm nở mời chúng tôi vào. Trên chiếc giường chật hẹp với ngổn ngang đủ thứ đồ, chúng tôi chen nhau ngồi. Nhìn lên nóc chòi với chi chít những lỗ nhỏ li ti, bà nói vui: "Đây là biệt thự ngàn sao của tôi".
Bà Thủy sống ở Nghĩa trang Bình Hưng Hòa đã mấy chục năm, xem những ngôi mộ như hàng xóm của mình
Không điện, dưới ánh sáng yếu ớt của ngọn nến, muỗi bay vo ve, đập hai tay lại là cả chục con muỗi. Bà Thủy lọ mọ đốt nắm nhang để vừa xua muỗi vừa làm cho không gian thêm ấm cúng. Ngậm ngùi trải lòng về hoàn cảnh của mình, bà Thủy cho biết bà có 4 người con, 2 người chết từ nhỏ vì nuôi khó. Hai người còn lại, cô con gái lớn lập gia đình có con trai tên Phúc năm nay 17 tuổi nhưng cả gia đình 3 người của chị đều nhiễm HIV/AIDS, chị mất đã 6 năm. Còn con trai út hiền lành, chất phác, lập gia đình, có 2 con rồi vợ chồng chia tay. Chán nản, anh sa vào nghiện ngập rồi bị bắt cách đây hơn 1 năm.
Kể đến đây, nước mắt bà Thủy lăn dài, bà lui cui lấy dưới chiếu lên chiếc túi xách cũ, bên trong có một tờ giấy được xếp cẩn thận. Đó là thư của con trai bà gửi về. Nét chữ nguệch ngoạc, anh dặn mẹ giữ gìn sức khỏe, anh sẽ cố gắng chấp hành tốt nội quy để sớm được về vì nhớ mẹ, con và cháu. Gấp thư lại, bà Thủy rưng rưng: "Thằng Phúc (nhiễm HIV/AIDS) ở bên nội nhưng hay về thăm tôi lắm. Giờ sức khỏe thằng nhỏ ngày một yếu, nó xém chết mấy lần rồi, không biết có chờ cậu nó về được không".
Sống một mình, căn chòi của bà Thủy là nơi thuận tiện để các đối tượng nghiện ngập, trộm cắp tụ tập tiêm chích. "Có bữa tôi về thấy kim tiêm vứt ngổn ngang trong chòi, tôi phải cẩn thận dọn sạch, để đâm trúng thì khổ" - bà Thủy kể. Hỏi bà có sợ không, bà lắc đầu: "Thấy riết quen rồi, tôi có còn gì để mất đâu mà sợ. Chiếc điện thoại cũ dù đã giấu thật kỹ vẫn bị mất trộm. Mới đây, chiếc xe đạp cà tàng là phương tiện để đi nhặt ve chai, để sát vách chòi cũng bị mất cắp. Nhiều khi tụi nó xin 10.000 đồng, không có tiền cũng phải vét cho, không thì không yên thân. Ở đây, không ai sợ người chết, chỉ sợ người sống. Nếu muốn an toàn thì đừng ra khỏi cửa khi trời bắt đầu tối, gặp nhóm người hút chích thì đừng để ý, cứ bình tĩnh đi và đừng đả động gì đến họ" - bà Thủy dặn chúng tôi.
Bà bộc bạch sống ở Nghĩa trang BHH đã mấy chục năm, xem những ngôi mộ như hàng xóm, nghĩa trang giải tỏa, sắp tới phải dời đi chưa biết tương lai sẽ ra sao. "Đợi con trai về, hai mẹ con về quê làm lại giấy tờ rồi kiếm cái nhà trọ mà ở, làm lại từ đầu. Nửa cuộc đời ở đây, bỏ đi cũng lưu luyến nhưng nhà nước sắp giải tỏa xong, mình cũng phải tính. Với lại, cứ ở đây, tôi lo con trai không dứt được nghiện ngập" - bà Thủy thở dài.
Nặng lòng với người âm
Hơn nửa đời người gắn bó với công việc quét mộ, đến nay khi đã 65 tuổi, bà Nguyễn Thị Em, còn được gọi là bà Bảy, vẫn miệt mài ngày đêm quét dọn mộ tại Nghĩa trang BHH.
"14 tuổi, tôi làm nghề xây mộ, sau đó chuyển sang quét dọn mộ phần, cái công việc mà người ta gọi là "làm ôsin cho người chết". Cứ nghĩ chỉ là công việc tạm bợ để mưu sinh nhưng thoắt cái, tôi đã gắn bó với nó gần 50 năm. Đến tuổi này, sức khỏe không còn được như trước nhưng tôi vẫn không thể buông bỏ được công việc" - bà Bảy tâm sự.
Ngoài công việc quét dọn, phát cỏ, lau chùi và thắp nhang cho mộ phần vào những dịp lễ, tết, ngày rằm, mùng 1, bà Bảy còn trông coi nhà cốt. "Chồng mất khi 4 đứa con còn nhỏ, nhờ làm ôsin cho người chết giúp tôi nuôi lớn các con, đến nay, đứa nào cũng có gia đình riêng, sống ổn định".
Được hỏi về dự tính tương lai khi nghĩa trang giải tỏa xong, bà Bảy nhìn xa xăm: "Gần đây, sức khỏe tôi không còn được như trước, các con kêu tôi về giữ con cho nó, đừng làm công việc này nữa. Tôi nghe theo, về ở được 1-2 ngày rồi tôi cũng phải về lại đây vì nhớ và buồn quá. Công việc đã làm mấy chục năm trời, đâu phải nói bỏ là bỏ được. Còn chuyện giải tỏa nghĩa trang, chừng nào tới ngày đó thì về nghỉ ngơi cạnh con cháu".
Đến nay, thu nhập từ việc được thuê dọn dẹp mộ phần bấp bênh, có ngày chỉ được vài ba chục ngàn, nhiều nhất là một trăm ngàn đồng nhưng có lúc không có được đồng nào. Dù vậy, bà Bảy vẫn không nghỉ ngơi ngày nào. Đều đặn mỗi sáng, người dân xung quanh lại thấy hình ảnh người phụ nữ tóc ngắn, đội mũ rộng vành, cầm liềm để dọn cỏ xung quanh những ngôi mộ. Người dân ở đây hay nửa đùa nửa thật: "Bà Bảy là thổ địa chỗ này, hỏi chuyện gì, mộ ai, ở đâu bà đều biết rõ". Còn chị Nhung (47 tuổi, hàng xóm bà Bảy) chia sẻ: "Nghĩa trang này mà không có những người như cô Bảy thì nó đìu hiu, cô quạnh lắm. Nhờ cô trông coi, dọn dẹp mà những người nằm ở đây cũng được an ủi phần nào".
So với cư dân nơi đây, vợ chồng chị Nhung về sống ở khu Nghĩa trang BHH chưa lâu. "Hồi mới đến ở cũng nhát lắm, riết rồi quen. Có kiêng thì có lành. Tôi nghĩ các vong linh cũng như mình, nếu mình không làm gì thất đức hay có lỗi thì họ cũng chẳng làm gì mình. Ngược lại, nếu mình làm việc gì có lỗi, lương tâm cắn rứt thì tự mình cũng sẽ thấy sợ thôi. Tâm niệm vậy mà vợ chồng tôi sống được ở đây đến giờ".
69.220 ngôi mộ phải di dời Nghĩa trang BHH có từ trước năm 1975. Do lo ngại về ô nhiễm môi trường, năm 2008, UBND TP HCM đã ra quyết định giải tỏa. Từ năm 2013, dự án di dời Nghĩa trang BHH nằm trong danh sách được Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP HCM đến năm 2020, tầm nhìn đến 2025. Đến nay, dự án đang được TP gấp rút triển khai. Toàn bộ có 69.220 ngôi mộ phải di dời trên diện tích 44 ha của nghĩa trang. Theo quy hoạch, từ sau năm 2020, 44 ha đất giải tỏa của nghĩa trang sẽ được phân khu rõ ràng, trong đó có 24 ha là công viên cây xanh, 12 ha dành cho trung tâm thương mại và 8 ha còn lại làm khu phức hợp. Tổng kinh phí cho dự án này lên đến gần 2.500 tỉ đồng. |
Ông Nguyễn Minh Nhựt - Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, TP HCM - cho biết hơn một tháng nữa, dự án di dời nghĩa trang Bình...