Sống dưới “phễu bay” Tân Sơn Nhất

Sự kiện: Thời sự

Mỗi ngày sân bay Tân Sơn Nhất phải đón hàng trăm lượt chuyến bay cất/hạ cánh. Người dân sống dưới khu vực "phễu bay", nhất là các phường ở quận Gò Vấp chịu không ít phiền toái từ tiếng ồn của máy bay...

Sống dưới “phễu bay” Tân Sơn Nhất - 1

Nhiều gia đình tại đường 20, phường 5, quận Gò Vấp đã xây nhà kiên cố, không dùng mái ngói do sợ bị "tốc mái" khi máy bay bay qua - Ảnh: Lê Nghĩa

Bị ép tim mỗi lần nghe máy bay gầm rú

Chiều 12/6, PV Báo Giao thông có mặt tại khu vực phường 5, quận Gò Vấp để cảm nhận sự “tra tấn” mà người dân nơi đây phải chịu đựng hàng ngày bởi tiếng gầm rú của tàu bay. Khu vực đường Dương Quảng Hàm, Phan Văn Trị, đường số 12…là nơi tận thấy nhất những chiếc tàu bay khi bắt đầu hạ cánh. Những ai lạ tới khu vực này nhiều lúc cứ tưởng tàu bay có thể va quệt vào mái của những tòa nhà cao tầng.

Tìm đến nhà ông Trần Văn Thuận (62 tuổi) ở số 138/3 đường số 20, phường 5, quận Gò Vấp, căn nhà mà năm 2013 đã bị tốc mái ngói, nghi vì nguyên nhân liên quan đến việc tàu bay hạ cánh. Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi và ông Thuận liên tục bị đứt quãng vì cứ vài ba phút có một chiếc tàu bay ngang qua gầm rú nên không ai nghe được.

Ông Thuận nhớ lại: Hôm đó, khi ông đang tưới cây trước ban công tầng 2 thì nghe tiếng máy bay gầm rú khi hạ cánh. Nghĩ chuyện thường ngày nên không ai để ý. Sau đó vài giây, hàng chục tấm ngói từ trên mái nhà ào ào rơi xuống đất. Khoảng chục viên ngói rơi trúng giường ngủ của con trai ông. Rất may lúc đó cả gia đình và cháu nhỏ đã đi làm, đi học nên không ai hề hấn gì. “Mặc dù chưa cơ quan chức năng nào xác nhận việc mái nhà bị tốc có liên quan đến tàu bay hạ cánh, nhưng để chắc chắn, tôi và người dân trong khu vực này đã làm nhà kiên cố, nhà cao tầng thì không dùng mái ngói mà đổ sàn bê tông để không bị thổi bay. Buổi tối muốn ngủ yên giấc là tôi phải vào phòng máy lạnh đóng kín cửa để không phải nghe những âm thanh nặng nề của động cơ máy bay”, ông Thuận nói.

Cũng như vậy, dù nhà cấp 4 thấp ở dưới nhưng gia đình anh Nguyễn Văn Quân hàng ngày vẫn phải nghe những âm thanh chói tai của tàu bay. Vừa nói anh Quân vừa chỉ tay lên trời: “Đó! Cứ mỗi lần nó bay qua là cảm giác như bị ép tim. Nhà có mẹ già nên cụ rất sợ âm thanh inh ỏi này, buổi tối không ngủ được”.

Có tiền là chuyển đi nơi khác ở liền

Có mặt tại gia đình NSƯT Đức Dậu ở đường Phạm Huy Thông, P.7, ông cho biết, hồi năm 2002 chuyển về đây sinh sống, lúc đó còn ít tàu bay nhưng vì chưa quen nên cứ mỗi đêm ngủ là giật mình. Gần đây, mật độ máy bay ngày càng dày đặc, cứ 3-5 phút lại có một chuyến, bất kể ngày đêm. Bình thường đi làm thì thôi chứ ngày nghỉ ở nhà nhiều lúc cũng bị stress. Muốn xem tivi hay chơi nhạc cụ cũng không ổn vì tiếng máy bay át hết.

“Có hôm một đoàn khách nước ngoài đến tham quan và nghe tôi chơi nhạc cụ dân tộc. Khi đang say sưa chơi nhạc thì có tiếng máy bay gầm rú. Vì không quen, tất cả mọi người đều hốt hoảng. Sau đó, họ cho biết, không hiểu vì sao mình có thể sống được ở khu vực này”, NSƯT Đức Dậu kể.

Bà Nguyễn Thị Hiền (vợ NSƯT Đức Dậu) chia sẻ thêm: Hồi trước mới về hay phơi đồ ở trên ban công, nhưng mỗi lần có máy bay bay ngang qua khiến bà có cảm giác như máy bay sắp đụng vào nóc nhà, từ đó gia đình mua máy sấy về dùng chứ không dám phơi đồ ra ban công nữa. “Mỗi lần nghe tiếng máy bay, nhất là những máy bay loại lớn thì tiếng gầm rít của nó nhức óc. Có khi nằm ngủ mà cảm giác nhà rung lắc, có đêm nằm mơ tưởng chừng như máy bay rơi trên nóc nhà. Có tiền thì chuyển nhà đi nơi khác ở thôi”, bà Hiền tâm sự.

Thực tế, khu vực các phường 5, 6, 7, 10, quận Gò Vấp nằm trong khu vực “phễu bay” của đường cất, hạ cánh sân bay Tân Sơn Nhất. Đây là hướng Đông của sân bay nên các chuyến bay thường giảm độ cao mỗi khi hạ cánh. Leo lên tầng thượng của một quán cà phê trên đường Quang Trung, P10, chúng tôi có thể quan sát thấy những chi tiết nhỏ của tàu bay mỗi khi hạ cánh. Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi và chủ quán liên tục bị đứt quãng vì xen vào giữa là tiếng rít của tàu bay. “Khách tới đây uống cà phê trên sân thượng để tận mắt nhìn thấy cảnh máy bay lên xuống, nhưng một hồi tiếng máy bay gầm rú liên tục không chịu nổi nên họ cũng không ngồi lâu”.

Ghé Trường Tiểu học Kim Đồng nằm sát đường Quang Trung, trong lớp các em đang chăm chú nghe cô giáo giảng bài, nhưng khi có máy bay hạ cánh cô giáo phải nói lớn tiếng hơn, đến khi tàu bay bay ngang qua thì phải dừng lại vì các em không nghe được. Thày Võ Minh Thông, Hiệu trưởng Trường Kim Đồng cho biết, việc động cơ máy bay làm ồn ảnh hưởng đến việc giảng dạy của giáo viên ngày nào cũng có. “Những lúc như vậy chỉ chờ nó bay qua rồi dạy tiếp chứ không còn cách nào khác”, thày Thông lắc đầu.

Khởi công 2 cầu vượt "giải cứu" sân bay Tân Sơn Nhất

Sau khi hoàn thành, các cầu vượt này sẽ giúp giảm tải sức ép giao thông cho khu vực cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Nghĩa- Nguyên Hằng (Báo Giao thông)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN