Soi lại "hồ sơ" vụ án Dương Chí Dũng
Vinalines đang gánh số nợ hàng chục nghìn tỷ đồng. Từ đâu, những sai phạm của Dương Chí Dũng được phơi bày ra ánh sáng?
Vụ án tham ô, cố ý làm trái tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã bị Cơ quan CSĐT - Bộ Công an khởi tố vào đầu tháng 2/2012. Quá trình điều tra đã khởi tố nhiều cán bộ chủ chốt của Vinalines. Trong đó, ông Dương Chí Dũng có vai trò là người nắm quyền cao nhất tại Vinalines trong một thời gian dài dẫn đến yếu kém của tập đoàn lớn vào loại bậc nhất VN.
Thời gian làm Cục trưởng ngắn ngủi
Ông Dương Chí Dũng được bổ nhiệm chức Tổng giám đốc Vinalines từ tháng 8/2005. Một năm sau đó, ông được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch HĐQT Vinalines. Năm 2011, ông được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinalines.
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của Vinalines trong thời gian ông Dương Chí Dũng chèo lái là vô cùng thảm hại.
Theo báo cáo hồi tháng 6 năm nay của Chính phủ trước Quốc hội về Vinalines, đến cuối năm 2011, vốn chủ sở hữu là 9.411 tỷ đồng, tổng tài sản là 55.853 tỷ đồng, nợ phải trả là 43.135 tỷ đồng.
Đầu năm 2012, khi ông Dương Chí Dũng được bổ nhiệm Cục trưởng Cục Hàng hải cũng là lúc cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án tham nhũng tại Vinalines. Cụ thể, theo cơ quan điều tra, vụ án liên quan đến sai phạm trong việc mua và sửa chữa ụ nổi thuộc dự án nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines.
Cơ quan điều tra đã quyết định khởi tố bị can về tội "Tham ô tài sản" hoặc “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với nhiều cán bộ lãnh đạo lớn của Vinalines. Trong đó phải kể đến ông Trần Hải Sơn (TGĐ - Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines), Trần Văn Quang (Trưởng phòng Kế hoạch của Vinalines), ông Mai Văn Phúc (54 tuổi, Phó vụ trưởng Vụ Vận tải - Bộ GTVT, nguyên TGĐ Vinalines) và ông Trần Hữu Triều (60 tuổi, Phó tổng giám đốc Vinalines).
Ngày 18/5, khi cơ quan điều tra có quyết định khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam, khám xét thì ông Dương Chí Dũng này đã "bốc hơi". Tính ra, ông Dũng giữ chức Cục trưởng Cục Hàng Hải chỉ hơn 3 tháng.
Xác định ông Dũng đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định truy nã ông này. Interpol cũng ra lệnh truy nã ông Dũng trên toàn thế giới.
Lúc này, quy trình bổ nhiệm ông Dũng giữ chức Cục trưởng Cục Hàng hải được công luận mổ xẻ. Câu hỏi được đặt ra, rằng vì sao ông Dũng lại được bổ nhiệm chức vụ trên trong khi Vinalines bị điều tra. Bộ chủ quản có nắm được sai phạm liên quan đến ông Dương Chí Dũng?...
Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội sau đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã nhận trách nhiệm trong việc bổ nhiệm ông Dũng giữ chức Cục trưởng Cục Hàng hải. "Đó là chưa thực sự sâu sát việc đánh giá, quản lý cán bộ, còn nóng vội, chưa cân nhắc thời điểm bổ nhiệm", ông Thăng nói.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra và tập trung truy bắt bằng được Dương Chí Dũng.
Sau hơn 3 tháng trốn chạy, ngày 4/9, Dương Chí Dũng đã bị cơ quan điều tra Bộ Công an bắt giữ.
Chuyện ụ nổi quá hạn 22 năm
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Vinalines đã quyết định xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam ở khu vực chưa có trong quy hoạch là không đúng thẩm quyền. Đến nay cũng chưa có văn bản nào quyết định bổ sung xây dựng nhà máy vào quy hoạch phát triển tổng thể ngành công nghiệp tàu thủy VN.
Cơ quan điều tra xác định, năm 2007, Vinalines quyết định xây dựng Nhà máy sửa chữa tàu biển tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng mức đầu tư 3.854 tỷ đồng, sau đó lên 6.489 tỷ đồng, trong đó có việc mua và lắp đặt một ụ nổi. Ban đầu dự kiến sửa chữa tại nước ngoài rồi đưa về nước với tổng mức đầu tư hơn 14 triệu USD. Tuy nhiên, sau đó Vinalines lại quyết định đưa về Việt Nam khiến chi phí bị đội lên hơn 24 triệu USD.
Cơ quan điều tra cũng xác định, ụ nổi này sản xuất năm 1965, đã bị hư hỏng nặng, không còn hoạt động, bị Cơ quan Đăng kiểm Nga dừng cấp phép kiểm định, quá thời hạn theo quy định là 22 năm, không đủ điều kiện nhập khẩu về VN.
Trong quá trình khảo sát để mua ụ nổi, Vinalines có văn bản đề nghị và Cục Đăng kiểm VN đã cử một số cán bộ sang Nga để giám định. Theo kết quả giám định, ụ nổi không còn sử dụng được. Nhưng, ông Dương Chí Dũng- lúc này là Chủ tịch HĐTV Vinalines vẫn quyết định mua ụ nổi.
Trong quá trình giao ụ nổi cho công ty Sửa chữa tàu biển Vinalines sửa chữa, ông Trần Hải Sơn đã cùng ông Trần Văn Quang, ông Trần Bá Hùng cấu kết với nhau thông qua công ty TNHH Nguyên Ân do ông Phạm Bá Giáp làm Giám đốc, nâng giá thép hàn lên khiến chi phí sửa chữa bị đẩy lên cao. Phần chênh lệch, các ông này chia nhau chiếm hưởng.
Ngoài sai phạm trong vụ mua ụ nổi nói trên, lãnh đạo Vinalines còn có những thương vụ gây thua lỗ điển hình như, năm 2005, mua tàu Đại Việt giá 745 tỷ đồng, hoạt động khai thác đến cuối năm 2010 lỗ 181 tỷ đồng. Năm 2006, Vinalines mua tàu Vinalines Glory giá 873 tỉ đồng, cũng hoạt động khai thác đến cuối năm 2010 lỗ 115,5 tỷ đồng. Năm 2007, tập đoàn này mua tàu Vinalines Galaxy giá 973 tỷ đồng, hoạt động đến năm 2010 lỗ 192 tỷ đồng… |