Sở Y tế TP.HCM đưa ra hàng loạt khuyến cáo trong các ngày tới
Người dân cố gắng ở nhà càng nhiều càng tốt; nếu ra đường phải mang khẩu trang; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Riêng người trên 60 tuổi nên ở nhà, hạn chế tiếp xúc người khác.
Theo Sở Y tế TP.HCM, với thời gian ủ bệnh trung bình là 14 ngày, kể cả những người nhập cảnh Việt Nam trước ngày 17-3 thì thời gian từ 20-3 trở đi và kéo dài đến hết ngày 3-4 là thời gian cao điểm phát hiện khi phát bệnh.
Thực tế cho thấy trong 3 ngày vừa qua (từ 21 đến 23-3), liên tục phát hiện các ca mắc Covid-19 trên địa bàn cả nước, trong đó nhiều ca ở Hà Nội và TP.HCM (TP trong vòng 2 tuần tăng 27 trường hợp). Ngoài ra, cũng có những trường hợp ủ bệnh dài hơn 14 ngày, thậm chí là 27, 39 ngày như ở một sổ nước.
Như vậy, nguy cơ lây nhiễm lớn nhất là những người trở về từ vùng có dịch thông qua các sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài... Bên cạnh đó, các chuyến bay từ trước ngày 17-3 và theo đường bộ thì chưa kiểm soát được 100%.
Các y bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM trong trang phục bảo hộ xếp thành hình ngôi sao 5 cánh, thể hiện tinh thần quyết tâm cùng Việt Nam chiến thắng dịch Covid-19
Một nguy cơ nữa là phát hiện lây nhiễm trong cộng đồng dân cư, những trường hợp học sinh, khách du lịch đến TP từ trước ngày thông báo cách ly tập trung, đã tiếp xúc, đi lại nhiều rồi chuyển sang nơi khác, thậm chí khi về nước đã phát hiện dương tính.
Sở Y tế cho biết tại TP đã xuất hiện 2 ổ dịch trong cộng đồng từ những người tham sự sự kiện tôn giáo tại Malaysia và những người tham gia trong quán bar Buddha. Nguồn lây nhiễm đang tiềm ẩn trong cộng đồng, nguy cơ rất cao.
Nguồn lây nhiễm thứ 3 là các cán bộ đang giao dịch, tiếp xúc trực tiếp với công dân về từ các vùng có dịch. Dù có phương án bảo hộ nhưng tỷ lệ của người tiếp xúc gần là cao nhất.
Với tình hình nêu trên, trong thời gian tới (nhất là trong tuần này), Sở Y tế đã đưa ra những biện pháp phòng ngừa quyết liệt và đồng bộ:
- Tổ chức truyền thông cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người trên 60 tuổi nên ở nhà, hạn chế tiếp xúc với người khác. Người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Tăng cường dinh dưỡng, tập luyện, nâng cao sức khỏe.
- Mọi người không có nhiệm vụ thì cố gắng ở nhà càng nhiều càng tốt. Khi ra đường, phải mang khẩu trang và di chuyển cũng phải đảm bảo cự ly an toàn 2m, không được tụ tập trên đường phố để tránh nguy cơ lây lan.
Các y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Melatec, TP.HCM và thông điệp: “Chúng tôi đi làm vì bạn. Bạn hãy ở nhà vì chúng ta!”
- Ngừng tất cả phương tiện công cộng xe buýt trong nội thành. Xe taxi không sử dụng máy lạnh, phải mở cửa kính để thông thoáng. Tài xế xe taxi phải mang khẩu trang và thường xuyên vệ sinh xe sau mỗi lần chở khách.
- Khuyến cáọ tất cả các cửa hàng, nếu thực sự không cần thiết thì nên đóng cửa, trừ các cửa hàng xăng, thuốc, siêu thị và lương thực thực phẩm. Các quán ăn, quán nước không được mở máy lạnh, phải mở cửa sổ và sử dụng quạt để thông thoáng. Không tập trung quá 10 người. Mỗi người phải đảm bảo giữ khoảng cách an toàn tối thiểu 2m.
- Các quán ăn đường phố phải đảm báo mỗi khách hàng ngồi cách nhau 2m. Nhân viên phục vụ phải mang khẩu trang và thường xuyên rửa tay. Vệ sinh khử khuẩn bàn ăn ngay sau khi khách hàng sử dụng. Nếu các quán không bố trí được theo yêu cầu phải ngưng hoạt động.
- Ngưng tất cả các hoạt động tập trung đông người và dịch vụ vui chơi giải trí bao gồm bida máy lạnh, tập gym... các dịch vụ thể thao tụ tập đông người.
- Tạm thời ngưng các điểm tham quan, du lịch. Nếu không thể thì chỉ tổ chức tiếp từng đoàn với sô lượng tối đa không quá 10 người, mỗi người giữ khoảng cách an toàn 2m và phải đảm bảo các phương tiện phòng hộ cá nhân (khẩu trang, dung dịch sát khuẩn rửa tay...)
- Không tập trung đông người, tăng cường họp trực tuyến, hạn chế hội họp, nếu có thì quy mô chỉ dưới 20 người. Khi hội họp phải đảm bảo giữ khoảng cách tối thiểu 2m và áp dụng các biện pháp phòng hộ cá nhân (mang khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, vệ sinh phòng họp trước và ngay sau khi họp).
Các y, bác sĩ đang làm việc tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi (Ảnh: NP)
- Giải tỏa tất cả học sinh, sinh viên vẫn còn lưu trú ở khu ký túc xá các trường học trong thời gian này, để hạn chế nguồn lây nhiễm bệnh.
- Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các quận huyện chỉ đạo UBND phường xã phải thành lập Tổ công tác bao gồm Công an xã phường, thị trấn (chủ trì), cán bộ y tế, tổ trưởng tổ dân phố, ban công tác mặt trận khu dân cư, Hội Chữ Thập đỏ.... tổ chức đến từng nhà, các cơ sở lưu trú, rà soát kỹ, lập danh sách những người nhập cảnh vào Việt Nam từ 8-3-2020 đến nay chưa được cách ly để tổ chức xét nghiệm tất cả, đánh giá nguy cơ để quyết định đưa đi cách ly tập trung hoặc cách ly tại nơi cư trú và có sự giám sát chặt chẽ của y tế và chính quyền địa phương.
Sở Y tế đề xuất UBND TP chỉ đạo các địa phương thực hiện những biện pháp phòng ngừa quyết liệt và đồng bộ đối với dịch bệnh Covid-19.
Đã có 8 ca mắc Covid-19 liên quan đến quán bar Buddha ở Quận 2 (TP.HCM), trong đó có 2 người Việt và 6 người nước ngoài.
Nguồn: [Link nguồn]