Số vụ nhận hối lộ bị phát hiện tăng hơn 300%
Theo Ủy ban Tư pháp, sai phạm trong các vụ án hầu hết đều liên quan đến người có thẩm quyền trong cơ quan quản lý nhà nước.
Sáng 6-9, tại phiên họp toàn thể lần thứ 10, Ủy ban Tư pháp thẩm tra báo cáo công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023.
Trình bày báo cáo của nhóm nghiên cứu thuộc Ủy ban Tư pháp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa nhấn mạnh số liệu tội phạm tham nhũng, chức vụ phát hiện tăng gần 71,5% số vụ, tăng hơn 116% số đối tượng, đặc biệt số vụ nhận hối lộ phát hiện tăng hơn 312%.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa. Ảnh: PHẠM THẮNG
Theo Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp, điều này cho thấy công cuộc chống tham nhũng ngày càng quyết liệt, thể hiện quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” nên việc phát hiện và xử lý ngày càng nhiều.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của cơ quan thẩm tra cho rằng việc để xảy ra nhiều vụ tham nhũng thể hiện công tác quản lý Nhà nước ở một số lĩnh vực vẫn còn hạn chế.
“Sai phạm trong các vụ án hầu hết đều liên quan đến người có thẩm quyền trong cơ quan quản lý nhà nước. Họ đã lợi dụng triệt để những lỗ hổng của pháp luật để thực hiện hành vi vi phạm, trục lợi” - bà Hoa nói và cho rằng vấn đề đặt ra là cần nâng cao hơn nữa việc kiểm soát quyền lực của người đứng đầu, người có thẩm quyền, kiểm soát hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước đảm bảo khách quan, minh bạch và đúng pháp luật.
Cũng theo nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp, công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực đăng kiểm xe cơ giới, đào tạo và sát hạch lái xe, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp phiếu lý lịch tư pháp còn nhiều sơ hở để các đối tượng lợi dụng trục lợi, nhận hối lộ.
“Đáng lưu ý là hành vi vi phạm kéo dài trong nhiều năm, xảy ra nhiều nơi trên cả nước nhưng không kịp thời phát hiện, xử lý” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nói.
Dẫn chứng cho nhận định này, báo cáo của nhóm nghiên cứu đề cập đến vụ án “Đưa hối lộ, nhận hối lộ” xảy ra tại Cục Đăng kiểm - Bộ GTVT và các Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới tại các tỉnh, TP trên cả nước. Đến tháng 5, cơ quan chức năng đã khởi tố 68 vụ án, khám xét 103 Trung tâm đăng kiểm, bốn chi cục đăng kiểm, khởi tố 600 lãnh đạo, đăng kiểm viên với nhiều tội danh khác nhau.
Nhóm cứu nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp cũng cho hay dư luận và cử tri vẫn băn khoăn việc có hay không sự bắt tay giữa một số ngân hàng và các công ty bảo hiểm để các nhân viên ngân hàng tư vấn sai sự thật, mời gọi khách hàng chuyển từ tiền gửi tiết kiệm sang mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm đầu tư. Cạnh đó là hành vi tư vấn mua bảo hiểm của nhân viên công ty bảo hiểm không đầy đủ các nội dung hợp đồng hoặc sai lệch thông tin hợp đồng bảo hiểm...
“Hậu quả, đến nay với hàng nghìn đơn tố cáo, khiếu nại của người dân làm ảnh hưởng đến lòng tin của người dân với hệ thống ngân hàng và bảo hiểm” - bà Hoa nêu.
Cũng theo nhóm nghiên cứu, đã xuất hiện tình trạng lợi dụng danh nghĩa doanh nghiệp, công ty luật dưới hình thức mua bán nợ để cưỡng đoạt tài sản với các thủ đoạn đe dọa, khủng bố bằng tin nhắn, điện thoại gây hoang mang trong dư luận.
Nhóm nghiên cứu cho rằng có những vụ việc với hàng trăm đối tượng tham gia, số bị hại lên đến hàng triệu người, xảy ra ở nhiều tỉnh, TP. Điển hình là vụ băng nhóm cưỡng đoạt tài sản núp bóng Công ty Luật Pháp Việt có 415 người thực hiện với khoảng 3 triệu bị hại trên toàn quốc...
Trong phần kiến nghị, nhóm nghiên cứu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát, làm rõ những bất cập trong công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh đấu thầu, mua vực sắm tài sản công, thuế, bảo hiểm, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, đăng kiểm xe cơ giới, đào tạo và sát hạch lái xe, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp phiếu lý lịch tư pháp và các lĩnh vực khác dễ phát sinh tham nhũng để kịp thời hoàn thiện bất cập về mặt chính sách.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cho rằng cần xác định rõ hơn nữa trách nhiệm từng cấp, từng ngành, từng cá nhân trong từng lĩnh vực nhằm khắc phục tình trạng đùn đẩy, sợ trách nhiệm, không dám làm. Đẩy nhanh hơn nữa lộ trình cải cách tiền lương, đảm bảo cho cán bộ, công chức được tăng dần mức sống, yên tâm công tác.
Tội phạm tham nhũng diễn biến phức tạp Theo báo cáo của Chính phủ, từ 1-10-2022 đến ngày 31-7-2023, cơ quan chức năng đã phát hiện gần 4.950 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế (tăng 13,6%), 679 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ (tăng gần 71,5%). “Tình hình tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu còn diễn biến phức tạp” - báo cáo Chính phủ nhận định và dẫn chứng các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm định an toàn phương tiện giao thông, đào tạo, sát hạch lái xe, khai thác tài nguyên, khoáng sản. Ngoài ra, còn có các hành vi vi phạm quy định về quản lý tài sản công, đấu thầu, đấu giá với thủ đoạn thông đồng, móc ngoặc giữa chủ đầu tư, nhà thầu với đơn vị thẩm định nhằm tham nhũng, trục lợi, chiếm đoạt tài sản Nhà nước. Cạnh đó, vi phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, có sự cấu kết giữa doanh nghiệp và cán bộ ngân hàng cũng nổi lên. Trong khi đó, tội phạm trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai tiếp tục diễn ra ở nhiều địa phương, chủ yếu là các sai phạm trong công tác thu hồi đất, đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và quản lý, sử dụng đất đai với mục đích trục lợi… |
Chính phủ cho biết số lượng người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng tăng hơn 100%.
Nguồn: [Link nguồn]