So với ác quỷ IS, al Qaeda vẫn là “thiên thần”

Người dân nhiều thành phố ở Iraq đã phải chịu đựng cuộc sống khốn khổ dưới ách thống trị của phiến quân IS.

Đó là ngày 4/10/2014, khi phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tấn công và chiếm được hoàn toàn thành phố Hit thuộc tỉnh Anbar của Iraq chỉ trong vài giờ. Trong số hàng ngàn người sống trong thành phố này có anh Faisail, một viên chức chính quyền đang sống cùng vợ và hai con.

Sau một thời gian sống dưới ách thống trị của IS, Faisal đã phải đưa gia đình bỏ chạy tới Erbil, thủ phủ của người Kurd, nơi anh kể với tờ The Independent của Anh về cách thức cai trị của IS và hậu quả mà nó gây ra với thành phố Hit ngay từ sau khi thành phố thất thủ.

Faisal nói: “Đầu tiên, để tôi kể với các bạn cách IS đã tiến vào thành phố như thế nào. Lúc 4 giờ sáng, chúng tôi nghe thấy một tiếng nổ lớn, khi IS cho nổ quả bom ở chốt kiểm soát chính của quân đội Iraq. Rồi sau đó chúng bắt đầu tấn công theo hình thức trong đánh ra, ngoài đánh vào”.

So với ác quỷ IS, al Qaeda vẫn là “thiên thần” - 1
Phiến quân IS tiến quân vào thành phố Hit của Iraq

Lực lượng đánh từ trong ra chính là những người Sunni địa phương ủng hộ IS, và họ đã chuẩn bị vũ khí cho cuộc tấn công này. Họ nhanh chóng chiếm toàn bộ các đồn cảnh sát, và chốt kháng cự cuối cùng của quân đội Iraq bị đánh bại vào 5 giờ chiều hôm đó, khiến thành phố hoàn toàn thất thủ.

Trong những ngày đầu tiên, Faisal không hề gặp khó khăn khi đi ngoài đường, bởi những chiến binh IS tại các chốt kiểm soát đều là hàng xóm láng giềng biết mặt anh. Họ đã có sẵn trong tay danh sách những người bị truy nã, và thường xuyên tổ chức lục soát để bắt những người này.

Điều tồi tệ đầu tiên xảy ra đối với thành phố Hit là điện vụt tắt. 90% nguồn điện lưới của tỉnh Anbar đều do nhà máy thủy điện lớn nhất Iraq ở Haditha cung cấp, và IS đã không thể chiếm được nhà máy điện này từ quân đội chính phủ.

Faisal giải thích: “Sau khi chiếm được Hit, IS ra lệnh không cung cấp thực phẩm cho người dân ở Haditha nữa. Để trả đũa, Haditha quyết định cắt điện tới Hit và nhiều thành phố khác do IS kiểm soát”.

Mất điện, một loạt dịch vụ công ích khác cũng bị ảnh hưởng, trong đó có dịch vụ nước sạch, bởi các trạm bơm nước cần điện để hoạt động. Thiếu nước trầm trọng, người dân buộc phải đi lấy nước ở dòng sông Euphrates ô nhiễm nặng nề để phục vụ sinh hoạt.

So với ác quỷ IS, al Qaeda vẫn là “thiên thần” - 2
Người dân ở thành phố Hit phải chịu đựng cảnh thiếu thốn dưới ách thống trị của IS

Vì Hit được coi là “vựa thực phẩm” của Iraq nên thành phố này không hề lo bị thiếu đói, và rất nhiều thực phẩm phong phú vẫn được bán với giá rẻ. Vấn đề là dù thực phẩm rẻ nhưng nhiều người dân vẫn không thể mua vì mọi công việc làm công ăn lương đã bị đình trệ, và các viên chức như anh Faisal không còn nguồn thu nhập.

Điều tồi tệ nữa đối với người dân thành phố Hit là IS luôn can thiệp một cách thô bạo vào mọi khía cạnh cuộc sống của họ. Faisal nói: “Họ xía mũi vào mọi chuyện, từ giáo dục, đền thờ, quần áo phụ nữ, thuế má cùng nhiều lĩnh vực khác của cuộc sống”.

Trong thành phố Hit có khoảng 2000 người được IS bổ nhiệm làm nhân viên thu thuế chuyên đến các cửa hàng để hạch sách, và chúng không chỉ thu tiền thuế của cửa hàng mà còn đánh thuế cả tiền lương của nhân viên.

Faisal nói: “Chúng thay đổi chương trình học của bọn trẻ, bỏ hết các môn như hóa học hay vật lý, âm nhạc, nghệ thuật mà chỉ cho nhà trường dạy các giáo lý của đạo Hồi. Chúng cũng yêu cầu các giáo viên không được đề cập đến các vấn đề như dân chủ hay bầu cử”.

Trong khi đó, xăng dầu ở thành phố Hit thì lại rất đắt đỏ và có chất lượng vô cùng kém, bởi đây là loại xăng dầu do IS tự lọc một cách qua loa ở Raqqa rồi sau đó được chuyển tới các thành phố do IS kiểm soát ở Iraq.

Faisal cho biết những loại xăng dầu chất lượng kém này đang hủy hoại động cơ xe cộ, máy móc và các máy phát điện, khiến tình hình càng thêm tệ hại hơn.

So với ác quỷ IS, al Qaeda vẫn là “thiên thần” - 3
Chiến binh IS tuần tra trên đường phố Hit bằng xe máy

Thông tin liên lạc bên trong thành phố cũng vô cùng khó khăn, sau khi IS đánh sập một loạt các trạm phát sóng di động vì sợ bị người dân gọi điện báo cho liên quân về các vị trí đóng quân của chúng. Trong khi đó, internet ở tỉnh Anbar đã bị tê liệt suốt 8 tháng qua, còn những người sử dụng mạng Internet qua vệ tinh thì phải chịu sự giám sát chặt chẽ của IS.

Người dân thành phố Hit không được truy cập Internet từ trong nhà, trong khi tại các điểm internet công cộng, IS có thể kiểm soát bất cứ nội dung nào mà người dân truy cập cũng như những người mà họ đang trò chuyện.

Faisal cho biết cuộc sống thiếu thốn đã khiến nhiều người dân thành phố Hit gia nhập IS để có thể được hưởng những ưu đãi về kinh tế. Anh nói: “Họ được trả khoản tiền lương 250 USD mỗi tháng, và được hưởng một số đặc quyền như nhiên liệu, đường, bánh mỳ, trà miễn phí”.

Khi được hỏi về cảm nhận của mình đối với phiến quân IS nếu so sánh với nhóm khủng bố al Qaeda, Faisal nhấn mạnh: “Tôi còn nhớ hồi chúng tôi phải đối mặt với al Qaeda vào năm 2005 và 2006. Các chiến binh al Qaeda vẫn còn là những thiên thần nếu so với những con quỷ IS.”

Người đàn ông 33 tuổi này nói thêm: “Hồi đó, dù al Qaeda hoạt động rất mạnh ở Hit, những người dân không phải bỏ nhà đi chạy nạn nhiều như thế này”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng ([Tên nguồn])
Phiến quân Hồi giáo IS Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN