Số trẻ nhập viện vì COVID-19 tăng mạnh
Bộ Y tế cho biết, tỷ lệ ca mắc COVID-19 nhóm dưới 12 tuổi tăng từ 14,1% trước tháng 2 lên 24,3% hiện nay. Trong đó, 4% có thể trở nặng hoặc nguy kịch, thời gian nguy cơ thông thường là vào ngày thứ 5 đến ngày thứ 8 từ khi có triệu chứng.
Bác sĩ Nguyễn Thành Lê, Phó Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết, những ngày gần đây, số trẻ mắc COVID-19 nhập viện tăng đột biến. Nếu như trước đây chỉ lẻ tẻ vài ca là trẻ em phải nhập viện, thì đợt này, số lượng bệnh nhi tăng nhanh từng ngày; có những ngày cao điểm có tới hơn 20 bệnh nhi được chuyển vào khoa để điều trị. Các bệnh nhi đến đây hầu như thuộc phân tầng 2, đã cần sự can thiệp của y tế. Đa số trẻ mắc COVID-19 phải nhập viện có triệu chứng như: sốt cao liên tục, li bì, bỏ ăn, bỏ bú, co giật, một số trẻ suy hô hấp…
TS Cao Việt Tùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho rằng phần lớn trẻ em khi mắc COVID-19 diễn biến lành tính, sốt 2-3 ngày đầu kèm các triệu chứng ho, ngứa họng, sổ mũi… Phụ huynh cần theo dõi nhiệt độ, cho ăn đủ, bồi phụ các vitamin, bảo đảm vệ sinh… cách ly phòng thoáng mát và tuân thủ 5K. Kháng sinh không có chỉ định dùng trong giai đoạn này. “Chúng tôi khuyến cáo nên sử dụng thuốc theo hướng dẫn của các bác sĩ, các trường hợp uống thuốc sai chỉ định có thể chưa biểu hiện ngay mà một thời gian sau mới thấy có hại cho cơ thể”,TS Tùng nói.
Chăm sóc trẻ mắc COVID-19 tại BV Nhi Trung ương. Ảnh: Khánh Chi
Bác sĩ Tùng lưu ý, khi trẻ sốt thì cho uống hạ sốt, nếu ho thì dùng các chế phẩm điều trị ho thông thường và tích cực chăm sóc về dinh dưỡng cho trẻ. Về dùng thuốc ho, hướng dẫn của Bệnh viện Nhi Trung ương nêu rõ, nếu trẻ ho, có thể sử dụng các loại siro ho thảo dược để giảm triệu chứng. Ưu tiên sử dụng thuốc ho có thành phần thảo dược; không dùng thuốc có chứa codein cho trẻ dưới 12 tuổi. Với thuốc tiêu đờm, kháng histamin, chỉ dùng khi có chỉ định của bác sĩ. Đặc biệt, cha mẹ không nên mua bất cứ các sản phẩm nào khác mà không theo hướng dẫn của bác sĩ, không được Bộ Y tế cấp phép để tránh tiền mất tật mang. Vì hiện nay, trẻ mắc COVID-19 thường diễn biến khá nhẹ, không cần dùng bất kì loại thuốc kháng virus nào.
“Trẻ em bị F0 không cần ăn kiêng. Cha mẹ cố gắng duy trì chế độ dinh dưỡng cho con như bình thường, tuy nhiên, việc cho trẻ ăn đủ và chế độ ăn dễ tiêu, giàu vitamin là rất quan trọng. Nên cho các cháu ăn chế độ ăn lỏng hơn bình thường và chia làm nhiều bữa". TS Cao Việt Tùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương |
PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “Trẻ dưới 12 tháng tuổi và trẻ có các bệnh lí nền như sau có nguy cơ diễn tiến nặng cao: trẻ sinh non, cân nặng thấp; béo phì, thừa cân; đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa; các bệnh lý ung thư, tim mạch, thần kinh; bệnh hô hấp, gan, thận mạn tính; suy giảm miễn dịch; các bệnh hệ thống và đang dùng corticoid, thuốc ức chế miễn dịch”.
Hầu hết trẻ nhiễm COVID-19 đều nhẹ và phục hồi nhanh hơn người lớn. Tuy nhiên, những quan sát gần đây cho thấy, một số ít trẻ vẫn bị tình trạng hậu COVID-19 từ nhẹ đến nặng, nhất là hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C).
Trao đổi về vấn đề này, TS Điển nói: “Hậu COVID-19 được Tổ chức Y tế Thế giới định nghĩa là những dấu hiệu như: triệu chứng của người nhiễm COVID-19 có thể kéo dài hoặc xuất hiện những triệu chứng mới. Về căn nguyên của vấn đề này có thể liên quan đến virus, độc tố của virus cũng như tình trạng virus còn tồn tại ở trong cơ thể. Ngoài ra, còn do chu trình hóa học bị ảnh hưởng, do biểu hiện của vấn đề đáp ứng miễn dịch…”.
Phát hiện sớm hậu COVID
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, vừa qua ghi nhận trẻ đến khám hậu COVID-19. Dễ gặp là những em bé đã khỏi bệnh nhưng tình trạng ho vẫn dai dẳng. Điển hình là bệnh nhi nhập viện Khoa Điều trị tích cực Nội ngày 13/2 trong tình trạng khó thở, sốt cao liên tục, sốt rét run, ho, chảy nước mũi, nôn, mắt phù nề, viêm kết mạc. Gần 2 tháng sau khi khỏi COVID-19, trẻ sốt cao trên 39 độ kèm co giật. Qua thăm khám, trẻ được chẩn đoán mắc MIS-C.
Biểu hiện của hậu COVID-19 với những trẻ có tiền sử mắc COVID-19 hoặc tiếp xúc với người mắc COVID-19, sống trong vùng dịch thường xảy ra như sau: sốt nhẹ, khó thở, ho kéo dài, mệt mỏi, đau cơ, tim đập nhanh, nổi ban đỏ hoặc xung huyết giác mạc; ảnh hưởng đến trí nhớ, khả năng tập trung tư tưởng và rối loại giấc ngủ. rối loạn tiêu hóa: nôn, đau bụng, tiêu chảy; có thể gặp dấu hiệu sốc, rối loạn đông máu, tổn thương thận cấp…
TS Điển thông tin, nếu trẻ được chẩn đoán sớm, phát hiện sớm và điều trị đúng, kịp thời thì diễn tiến thường thuận lợi, trẻ phục hồi tốt. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo, với trẻ từng mắc COVID-19 hoặc nghi ngờ (có nhiều trẻ mắc COVID-19 nhưng không được phát hiện), các gia đình không được chủ quan, sau khi trẻ âm tính 2- 6 tuần nếu có biểu hiện như trên cần cho trẻ đi khám điều trị sớm. “Hiện nay chúng ta đã có những đơn vị thăm khám hậu COVID-19. Người bệnh sau nhiễm COVID-19 vài tuần, vài tháng khi xuất hiện những triệu chứng bất thường thì cần đi khám để chẩn đoán điều trị. Riêng với trẻ em, hậu COVID-19 có thể xuất hiện hội chứng viêm đa hệ thống, tổn thương đến tim, phổi, thận, mạch máu… Vì vậy, khi các cháu xuất hiện những tình trạng như đỏ da, khó thở, mệt mỏi thì phải đưa con đi khám xem có mắc hội chứng viêm đa hệ thống hay không”, TS Điển nói.
Nguồn: [Link nguồn]
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên lý giải vì sao phải công bố số ca mắc COVID-19 mỗi ngày trong tình hịch dịch bệnh hiện nay.