Sở thích nuôi thú dữ: Hiểm họa khó lường

Thú chơi của đại gia Việt không dừng lại ở việc nuôi chó dữ mà còn thể hiện ở việc sở hữu nhiều động vật hoang dã quý hiếm.

Thời gian gần đây, dân nuôi chó cảnh có máu mặt ở Hà Nội, TP.HCM đua nhau săn lùng giống chó dữ làm vật nuôi và phòng thân. Nhiều đại gia khác còn đầu tư khoản tiền lớn để nuôi hổ, gấu để khẳng định đẳng cấp. Vấn đề đáng lo ngại là hiện nay khung pháp lý về vấn đề này chưa thực sự chặt chẽ. Một số đối tượng đã manh nha lợi dụng những kẽ hở về pháp lý để phục vụ cho những mục đích cá nhân đen tối. Bên cạnh đó, những thú dữ nuôi tại gia này luôn tiềm ẩn nguy cơ xổng chuồng gây hại.

Sở thích nuôi thú dữ: Hiểm họa khó lường - 1

Anh Phạm Huy Hoàng (Quảng Ninh) và con chó ngao Tây Tạng

Sở thích nuôi thú dữ của đại gia Việt

Hải Đồng, một dân chơi chó cảnh lâu năm ở đất Hà thành vừa đưa chúng tôi đi thăm những con chó mới tậu về đang nhốt trong lồng sắt ở góc vườn vừa kể: Hiện nay những người thích chơi chó cảnh chuộng nhất ngao Tây Tạng và Pitbull. Đây là những con chó hung dữ, rất đắt tiền - có khi lên tới hàng trăm triệu đồng.

Đồng cho biết, hiện trên toàn quốc có chừng 300 con chó ngao Tây Tạng và hơn 350 con Pit Bull, chủ yếu tập trung ở miền Bắc. Đáng nói nhất phải kể đến giống chó Pit Bull - giống chó được mệnh danh là "sát thủ máu lạnh". Pit Bull nổi tiếng bởi khả năng chiến đấu "giáp lá cà", kiên cường, không chịu đầu hàng, là dũng sĩ của những loài chó, được xếp ngang hàng với cả chó sói xám, linh cẩu, khỉ đột lưng bạc, trâu rừng châu Phi, sư tử... Giống chó Pit Bull được nhiều dân chơi chó săn lùng và đặt biệt danh là chó chiến binh. Điều đáng nói, khi đã lâm trận, loài chó này còn "cuồng" hơn cả chó điên.

Phạm Huy Hoàng (Quảng Ninh), một du học sinh từng học chuyên ngành điện tử và công nghiệp tại Hàn Quốc, cũng là một tay chơi chó ngao có hạng. Huy Hoàng cho biết đã nhân giống thành công hai lứa chó ngao Tây Tạng. Một trong những nguồn cung cấp chó cho trang trại của Huy Hoàng chính là các chợ chó ở Trung Quốc (Nam Ninh, Quảng Châu, Bắc Kinh).

Kể về một con chó ngao từng nuôi, Huy Hoàng tâm sự: "Khi bán ở Trung Quốc, người ta đã nói nó là một con chó ngao rất hung dữ. Khi chuyển về Việt Nam, người ta trừng phạt nó bằng cách cho nằm trong chiếc cũi có chiều cao thấp hơn chiều cao của thân hình để nó không thể đứng lên được". Sau ba tháng thì Huy Hoàng thuần phục được nó và chuyển nó cho một người chủ mới. Từ ngày sang với chủ mới, con chó ngao lại tỏ ra hung dữ. "Nó tấn công nhiều người lắm rồi. Tiền lo viện phí thuốc thang cho người bị cắn nhiều hơn cả tiền mua chó" - người chủ mới than thở.

Một thực tế cho thấy, chó Pit Bull hiện nay đang được nhiều người nuôi dưỡng, huấn luyện sai cách, có thể sẵn sàng tấn công một người nào đó đến chết. Theo anh Tuấn Hùng, một người đam mê huấn luyện những giống chó dữ ở phường Đức Giang, quận Long Biên (Hà Nội), chủ nhân của những con chó Pit Bull phần lớn là dân chơi có máu mặt, bởi họ muốn coi Pit Bull như một thứ vũ khí để phòng thân. Sự nguy hiểm và ham mồi của giống chó này thể hiện ở chỗ: Đã ngoạm vật gì thì chỉ khi vật đó bị đứt lìa nó mới nhả ra và chuyển sang ngoạm vào chỗ khác. Vết thương để lại sẽ rất sâu và rộng, vì hàm răng của chúng rất dài, sắc nhọn, khi bị cắn, nhẹ có thể mang tật, nặng có thể mất mạng.

Thú chơi của đại gia Việt còn thể hiện ở việc sở hữu nhiều động vật hoang dã quý hiếm. Điển hình là một số đại gia ở miền Trung. Để sở hữu hai con tê giác nuôi trong trang trại, đại gia Lê Thanh Thản phải bỏ ra số tiền mua mỗi con là 500 tỷ đồng (?). Chuồng nuôi 2 chú tê giác được ngăn cách bằng một bức tường xây ngang người với các ống kim loại phi 100 bao quanh tựa như võ đài, phía trên được rào kín bằng lưới thép B40.

Ngoài 2 con tê giác trên, vị đại gia này còn sở hữu rất nhiều động vật hoang dã từ châu Phi như 01 cặp ngựa vằn, 01 cặp ngựa bạch và vài chục con hươu, linh dương, hai con đà điểu. Đặc biệt ông còn sở hữu hai con hổ vằn và 01 con gấu. Vì là loài thú dữ và hoang dã, nên khu chuồng này được làm kiên cố hơn. Dự kiến trong thời gian tới đại gia này sẽ tậu thêm hai con hổ bạch nữa.

Còn vị đại gia ở quận 12, TP.HCM tự tậu cho mình một hồ nuôi cá sấu ở trước nhà, với mục đích thư giãn đầu óc khi nhìn những con cá sấu đớp mồi. Phía sau vườn nhà của đại gia này còn có một khu chuồng nhốt 2 con trăn, 6 con rắn độc, 3 con gấu cùng 1 con tinh tinh. Tổng trị giá cho bộ "sưu tập" thú mini của đại gia địa ốc này ước tính lên đến hàng trăm triệu đồng.

Sở hữu những con thú "độc" phải đi kèm theo rất nhiều chi phí, chỉ riêng chuyện thức ăn hàng ngày cung cấp cho bầy thú "cưng" thôi cũng ăn đứt vài triệu đồng là chuyện bình thường. Ngoài ra cùng với đàn thú dữ là lực lượng người giúp việc hùng hậu chuyên lo chăm sóc cho bầy thú cưng.

Sở thích nuôi thú dữ: Hiểm họa khó lường - 2

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh cho rằng cần phải có giải pháp cụ thể về việc nuôi thú dữ tại nhà

Tranh cãi quan điểm nuôi thú tư nhân

Nhiều nhà chức trách vẫn chưa đồng tình quan điểm việc cho sở hữu những loài động vật hoang dã, sự bất đồng quan điểm này khiến người dân có nhu cầu nuôi luôn lo sợ có vi phạm pháp luật hay không.

Theo quan điểm của ông Đỗ Quang Tùng, phó giám đốc CITES Việt Nam (thuộc cục Kiểm lâm, bộ NN&PTNT): "Nếu nuôi nhốt động vật hoang dã với mục đích để trưng bày thì không sao". Ông Tùng lý giải: “Việc nhập về 2 con tê giác của đại gia Nghệ An là không trái Công ước Cites, tức là được nhập và được buôn bán quốc tế”.

Ngược lại, bà Nguyễn Phương Dung, phó giám đốc Trung tâm giáo dục Thiên nhiên (ENV) lại cho rằng: Không nên nuôi động vật hoang dã ở các cơ sở tư nhân. Việc nuôi dưỡng này nên dành cho các cơ sở của các cơ quan quản lý Nhà nước. Nếu các cơ sở tư nhân muốn nuôi cần có sự giám sát của Nhà nước để đảm bảo đúng tôn chỉ, mục đích đã được cấp giấy phép.

Việc 2 con tê giác được một tư nhân nuôi là chuyện bình thường, điều quan trọng là mục đích của người nuôi. Nếu họ có ý định nuôi vì sự bảo tồn và phát triển đa dạng của sinh học thì thực sự là điều rất đáng quý và cần phải trân trọng. Tuy nhiên, không ít người đã lợi dụng điều đó để nuôi động vật hoang dã với mục đích thương mại.

Bên cạnh đó, việc sở hữu động vật quý hiếm là sở thích của nhiều đại gia, nhưng nó cũng đi kèm nhiều rắc rối, thậm chí còn ảnh hưởng đến tính mạng người khác. Mới đây một cơ sở nuôi gấu tại xã Hiệp An, thị xã Thủ Dầu Một - Bình Dương bị sổng chuồng, trong lúc vây bắt, gấu bất ngờ tấn công làm ông Lộc - chủ nuôi gấu và 1 bác sĩ thú y bị thương nặng.

Cần có giải pháp dứt khoát về việc nuôi thú dữ

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam cho biết: "Riêng về gấu, hổ đã thuộc vào danh mục quý hiếm cần bảo vệ, còn việc nuôi chó thế nào vẫn phụ thuộc vào người chủ nuôi, Nhà nước chưa quản lý chặt chẽ". GS Huỳnh chia sẻ, nhiều người nuôi chó cũng nói chính quyền địa phương không mấy khi để mắt đến việc tồn tại của chó, dù là chó ngoại hay chó nội, chó dữ hay chó lành. Nếu ở Mỹ hoặc một số nước phương Tây họ có quy định rõ ràng về việc nuôi chó dữ: Nguồn gốc, gia chủ, sổ y tế, hộ chiếu xuất ngoại cùng với trách nhiệm của người chủ trực tiếp liên quan đến con chó, thì những con chó nhập lậu ở Việt Nam chưa có đơn vị nào quản lý. Theo GS Huỳnh, Nhà nước mới chỉ quản lý ở mặt phòng dịch, còn chó dữ hay không dữ thì Nhà nước chưa có quy định cấm nuôi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhật Tân (Người Đưa Tin)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN