Số phận hai cây sưa trăm tỷ ở Chương Mỹ giờ ra sao?
Trong khuôn viên chùa Phụ Chính (xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) có hai cây sưa đỏ.
Cụ Nguyễn Xuân Ngợi, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn Phụ Chính bên gốc sưa được rào sắt bảo vệ - Ảnh: D.V
Có lẽ không còn lâu nữa, người dân thôn Phụ Chính sẽ không còn phải thắp đèn thức đêm để canh hai cây sưa được định giá cả trăm tỷ đồng. Số tiền bán sưa sẽ được chuyển cho người dân trong thôn quản lý, chi dùng cho những việc đại sự trong thôn.
Nhiều năm không ngủ canh sưa
Trong khuôn viên chùa Phụ Chính (xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) có hai cây sưa đỏ. Cây lớn từng được định giá hơn 100 tỷ đồng, được chia làm hai nhánh, nhánh thứ nhất cao hơn 7m, đường kính khoảng 50cm. Nhánh thứ hai đã bị cắt cụt cách phần gốc khoảng 1m. Ở vị trí bị cắt cụt có một lỗ mọt ăn sâu hơn 1m vào tâm thân cây. Cây còn lại cao khoảng 20m với tán lá tươi tốt nhưng phần thân cũng bắt đầu xuất hiện sâu, mọt. Cả hai cây này đều được xác định khoảng 130 năm tuổi.
Năm 2010, nhân dân thôn Phụ Chính xây dựng đình làng và bị thiếu kinh phí. Lúc đó, người dân đã bàn nhau cắt một cành sưa và bán được 21 tỷ đồng để bù đắp chi phí xây đình. Tuy nhiên, khi người mua là một chủ gỗ ở Bắc Ninh vừa vận chuyển ra khỏi làng thì bị công an giữ lại. Sau đó, cả cành sưa lẫn số tiền 21 tỷ đồng bị niêm phong.
Cuối năm 2013, lợi dụng đêm tối mưa bão, trộm đã đến cưa một trong hai nhánh lớn của cây sưa đỏ. Thời điểm đó, cơ quan chức năng xác định phần cây bị cưa trộm dài 2,3m, đường kính 50cm. Sau vụ trộm, để bảo vệ cây quý, dân làng dùng sắt bao quanh thân cây và lập ra đội bảo vệ với 10 người thay phiên canh chừng cả ngày lẫn đêm. Tuy nhiên, có một điều là kể từ ngày bị trộm, phần thân của cây sưa bị sâu, mọt tấn công khiến người dân lo lắng giá trị của cây sẽ giảm đi.
Đến tháng 5/2018, cơ quan chức năng đã tổ chức đấu giá lại khối gỗ sưa mà công an tịch thu khi trước và thu được gần 31 tỷ đồng. Số tiền trên đã được chuyển về địa phương để phục vụ tu sửa các công trình công cộng.
Tiếp xúc với PV Báo Giao thông, cụ Nguyễn Xuân Ngợi, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn Phụ Chính, đại diện cho những người dân trong thôn cho biết, đến nay, nguyện vọng xin bán sưa đã được chính quyền từ xã, huyện, thành phố cùng nhất trí. “Bà con trong thôn đã làm đơn đề nghị các cấp hướng dẫn để bà con tiến hành các thủ tục. Dự kiến, cuối tháng 10 sẽ bán đấu giá 2 cây sưa. Khi có quyết định chính thức từ chính quyền, thôn sẽ thành lập ban đấu giá của thôn”, cụ Ngợi thông tin.
Theo cụ Ngợi, khi trước, số tiền 31 tỷ đồng đấu giá cành sưa được chuyển về tài khoản của chính quyền quản lý nên người dân trong thôn không đồng ý. Còn bây giờ, người dân rất đồng thuận khi tiền bán hai cây sưa được bao nhiêu thì sẽ mở một tài khoản mới và chuyển vào đó, cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính sẽ trực tiếp quản lý, có sổ sách ghi chép từng khoản chi phí cho việc tôn tạo công trình phúc lợi, công trình tâm linh của thôn. “Hiện, 100% nhân dân nhất trí việc bán cây sưa và đã cử ra ban quản lý số tiền gồm có 9 người, trong đó có lãnh đạo thôn, chi hội người cao tuổi, cựu chiến binh, đại diện nhà chùa... Đến thời điểm hiện tại cũng chưa có ai trả giá nhưng theo thời giá khoảng 20 triệu đồng/kg gỗ sưa thì với 2 cây trong chùa cũng tương đương với gần 100 tỷ đồng”, cụ Ngợi nói.
Còn theo ông Vũ Văn Tuyến, Trưởng thôn Phụ Chính, việc bán cây sưa đã được thôn tổ chức họp dân từ năm 2016. Tuy nhiên, hiện nay cây sưa hiện cũng đang bị sâu, mục và công tác bảo vệ rất khó khăn. Để đề phòng kẻ gian, ngoài việc đóng khung sắt quanh thân cây, cho người canh gác 24/24h, thôn cũng đề nghị xã cho công an tuần lưu liên tục.
“Mong muốn của bà con là sớm bán cả 2 cây sưa trong chùa Phụ Chính để lấy tiền xây dựng công trình tâm linh, phúc lợi. Số tiền chuyển vào tài khoản của xã mà khi chi tiêu gì sẽ rất phụ thuộc, nên khi biết sẽ lập một tài khoản riêng, do những người trong thôn quản lý, người dân rất phấn khởi”, ông Tuyến nói và cho biết, trước khi bán sẽ mời một đơn vị tư vấn để xác định giá trị thật của 2 cây sưa rồi bà con trong thôn thống nhất giá. Đến thời điểm hiện tại cũng chưa có đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức nào trả giá 2 cây này là bao nhiêu.
Một trong hai cây sưa trong khuôn viên chùa Phụ Chính
Sẽ trả lại 21 tỷ đồng cho người mua cành sưa trước đây
Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó chủ tịch UBND xã Hoà Chính, hiện các cấp thành phố đã nhất trí để cộng đồng dân cư giải quyết việc bán sưa theo nguyện vọng của mình. “Vì là tài sản lớn, chính quyền đề nghị số tiền bán được sẽ sử dụng vào mục đích xây dựng các công trình phúc lợi tại địa phương. Khi bán đấu giá được bao nhiêu tiền sẽ giao lại cộng đồng thôn Phụ Chính giữ, gửi ngân hàng”, ông Sơn cho biết.
Lý giải về việc xã cho phép cắt cành sưa để bán với giá 21 tỷ đồng trước đây, ông Sơn cho hay: “Cây sưa to vốn có 2 cành, 1 cành chĩa vào mái chùa, khi nhân dân tôn tạo lại thì thấy nếu có mưa bão cành sưa đổ sẽ ảnh hưởng. Bà con nhân dân có đơn gửi chính quyền xin cắt bán. Sau khi làm thủ tục, người dân cắt bán cho anh Thái bên Đồng Kỵ, tỉnh Bắc Ninh với giá trên 21 tỷ đồng. Khi anh Thái mang cành sưa ra khỏi địa phương thì công an thành phố bắt giữ và giao lại Công an huyện Chương Mỹ quản lý. Đến năm 2016, thành phố cho chủ trương bán đấu giá số gỗ sưa mà Công an huyện đang quản lý. Sau đó, bán đấu giá được trên 31 tỷ đồng. Người trúng đấu giá là người khác không phải anh Thái ở Đồng Kỵ”.
Theo ông Sơn, số tiền bán cành sưa lần 1 được 21 tỷ đồng đã được người dân lập sổ tiết kiệm, sau đó bị niêm phong và hiện nay chính quyền đang tìm cách tháo gỡ. Còn số tiền 31 tỷ đồng ở lần đấu giá mới đây, chính quyền cho chuyển vào ngân sách địa phương quản lý. “Với 31 tỷ đồng này, cộng đồng dân cư đã làm thủ tục để tôn tạo chùa Phụ Chính với kinh phí khoảng 25 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 rút ra 18 tỷ đồng, còn lại cho vào giai đoạn 2. Đến bây giờ nhân dân đề nghị, số tiền còn lại bao nhiêu thì trả lại cộng đồng dân cư quản lý số tiền còn lại”, ông Sơn thông tin.
Liên quan đến khoản tiền 21 tỷ đồng mà chủ gỗ tên Thái ở Bắc Ninh đã bỏ ra mua cành sưa nhưng sau đó bị tịch thu để niêm phong, ông Vũ Văn Tuyến, Trưởng thôn Phụ Chính cho biết: “Sau đợt bán 2 cây sưa, số tiền thu được là bao nhiêu thì sẽ dành ra một khoản để trả lại cho anh Thái. Hiện, anh Thái đã về thống nhất với cộng đồng dân cư, cũng như UBND huyện Chương Mỹ lấy lại số tiền trên và không có ý kiến gì khác”.
Theo Chi cục Kiểm lâm Hà Nội, đơn vị vừa kiểm tra hiện trạng cây sưa đỏ trong khuôn viên chùa Phụ Chính và xác định cây sưa này trùng tên với loại thực vật quý hiếm nằm trong nhóm 1A, Nghị định 32 của Chính phủ. Tuy nhiên, cây sưa không nằm trong rừng mà nằm phân tán trong chùa Phụ Chính, nên không thuộc danh mục của Nghị định 32. Chùa này cũng không phải di tích cấp quốc gia hay cấp thành phố, do vậy cộng đồng dân cư hoàn toàn có quyền khai thác. Cũng qua kiểm tra, chưa xác định được hiện tượng mối mọt của cây sưa, một số mầm non của cây vẫn phát triển. Chi cục đã có văn bản hướng dẫn cộng đồng dân cư, chính quyền địa phương làm các thủ tục để khai thác cây sưa đảm bảo minh bạch, đúng pháp luật. Đơn vị kiểm lâm sẽ phối hợp đóng dấu búa để khối gỗ hợp pháp. |
Cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính được toàn quyền quyết định việc khai thác, bán cây gỗ sưa từng được trả giá 100...