Số phận con cá mập “khủng” bắt được ở Hạ Long giờ ra sao?
Sau khi mắc câu, con cá mập “khủng” ở biển Hạ Long (Quảng Ninh) đã được cần thủ đưa lên thuyền máy và chở về bờ.
Con cá mập “khủng” mà anh Thắng câu được trên biển Hạ Long. Ảnh chụp màn hình.
Liên quan đến vụ việc câu được cá mập “khủng” ở biển Hạ Long (Quảng Ninh), chiều 21/9, anh Bùi Công Thắng (trú tại tổ 12, khu 2, phường Hồng Hà, TP.Hạ Long) xác nhận chính anh là người đã câu được con cá mập đó.
Theo anh Thắng, con cá mập đó anh câu được vào trưa 17/9 tại khu Đầu Bê trên biển Hạ Long. Phải mất hơn 2 giờ đồng hồ, anh Thắng mới thu phục được con cá mập và đưa nó vào bờ.
Dù rất hay đi câu nhưng đây là lần đầu tiên anh Thắng câu được cá mập. Con cá dài khoảng 1,5m và nặng hơn 50kg.
Sau khi đưa lên bờ, anh Thắng đã chở cá mập về nhà và xẻ thịt. “Biết con cá không nằm trong danh mục cấm khai thác hay sử dụng nên tôi xẻ thịt ăn và chia cho anh em, bạn bè, hàng xóm… mỗi người một ít thưởng thức”, anh Thắng nói.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Quân - Phó Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường biển (Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) cho biết thêm, qua xác minh, con cá mập mà anh Thắng câu được là loài Carcharhinus amboinensis, thuộc họ cá Mập hay còn gọi là cá Nheo mắt lợn.
Một số loài thuộc giống Carcharhinus được xếp vào những loài tiềm tàng hoặc gây nguy hiểm trực tiếp cho con người. Tuy nhiên, cho tới nay, trên thế giới chưa ghi nhận trường hợp nào cá Nheo mắt lợn tấn công con người.
Sau khi xuất hiện tràn lan trên mạng, nhiều thông tin cũng cho rằng, con cá mập này nằm trong sách đỏ của Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (IUCN).
Về vấn đền này, sáng 21/9, ông Quân cho hay, loài Carcharhinus amboinensiscó xuất hiện trong danh mục của IUCN nhưng được xếp hạng DD, tức là thiếu dữ liệu để đánh giá tình trạng quần thể. Do đó, nó không thuộc hạng mục bị đe dọa hay nguy cấp.
“Ở Việt Nam, loài này cũng không có trong sách đỏ Việt Nam 2007, vì thế người dân vẫn được phép khai thác, mua bán và sử dụng”, ông Quân nói.
Loài Carcharhinus amboinensis hay cá Nheo mắt lợn có thân hình mảnh. Phần vị trí phía trước của vây lưng thứ nhất và bề mặt rộng của vây lưng thứ nhất không có màu đen nổi bật như các vây khác.
Loài này đạt kích thước cơ thể tối đa là 1,9 – 2,5 m và không kết thành đàn lớn mà thành từng cặp lẻ tẻ. Thức ăn ưa thích của chúng là cá, giáp xác, động vật ở tầng đáy ở vùng cửa vịnh hoặc ngoài khơi. Chúng có thể di cư theo mùa vào các khu vực cồn, rạn san hô để sinh sản nhưng rất hiếm khi thấy xuất hiện ở sát bờ hoặc khu vực cửa sông.
Khu vực phân bố rộng của loài cá Nheo mắt lợn là ở vùng biển Tây Thái Bình Dương bao gồm Biển Đông, xung quanh các đảo thuộc Indonesia và phía Bắc nước Úc.
Cơ quan chức năng đã xác định được loài và độ nguy hiểm của con cá mập bắt được ở vùng biển Hạ Long (Quảng Ninh).