Số phận cầu Long Biên: Hà Nội phản hồi
Sau những tranh luận gần đây về số phận cầu Long Biên, Hà Nội đã có thông báo chính thức bày tỏ quan điểm của mình.
Người phát ngôn của UBND Thành phố Hà Nội cho biết, theo Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, có phương án làm cầu đường sắt vượt sông Hồng tại khu vực cầu Long Biên. Thành phố Hà Nội cùng với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng giao cơ quan tư vấn nghiên cứu, đề xuất phương án hướng tuyến và vị trí cầu đường sắt vượt sông Hồng.
Theo người phát ngôn của UBND Thành phố, các phương án cụ thể do cơ quan tư vấn đề xuất vừa qua sẽ còn được bàn bạc và thảo luận. “Thành phố Hà Nội luôn có quan điểm nhất quán về việc phải giải quyết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển”, người phát ngôn của UBND Thành phố cho hay.
Thành phố Hà Nội sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ liên quan tổ chức hội thảo với sự tham gia rộng rãi của các nhà khoa học, nhà quản lý, các chuyên gia trên nhiều lĩnh vực để xem xét nhằm đề xuất phương án tối ưu.
Phương án sẽ đảm bảo gắn kết việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa cầu Long Biên – cầu đường sắt hiện có gắn với bảo tồn khu phố cổ, với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, phát triển giao thông, đảm bảo tốt nhất yêu cầu cảnh quan kiến trúc và môi trường đô thị của Thành phố theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trên cơ sở kết quả thảo luận, Bộ Giao thông - Vận tải sẽ cùng với Thành phố Hà Nội báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Hà Nội sẽ lấy ý kiến các nhà khoa học, quản lý, chuyên gia... về “số phận” cầu Long Biên
Trước đó, sau khi có thông tin Bộ Giao thông - Vận tải và Thành phố Hà Nội đang tính toán xây một cầu đường sắt mới ngay tại vị trí cầu Long Biên hiện tại, nhiều chuyên gia và dư luận không đồng tình. Nguyên do bởi cầu Long Biên, công trình được xây dựng từ những năm cuối của thế kỷ 19, được cho là một trong những biểu tượng và công trình lịch sử có giá trị.
Trao đổi với Khampha.vn, ông Phan Đăng Long, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết, theo quy định của luật di sản, những hiện vật có tuổi thọ từ 100 năm trở lên sẽ được coi là di sản. Cầu Long Biên đã có hơn 100 năm, tuy nhiên, tới giờ vẫn chưa được xếp hạng di tích.
Theo ông Long, muốn công nhận là di sản, ngoài quy định tuổi thọ 100 năm, cũng cần có thủ tục hành chính để công nhận di sản. Thủ tục hành chính hiện nay đang có “vướng mắc” và sẽ sớm được giải quyết.
Mặc dù vậy, theo ông Long, bản thân cầu Long Biên hiện nay là một di sản. Do vậy, phải được bảo tồn và giữ gìn theo quy định luật di sản.
Ông Long cũng chỉ ra điểm khác biệt của “di sản cầu Long Biên” vừa là di sản vừa đang làm nhiệm vụ dân sinh. Trong khi đó, hầu hết các di sản khác không còn nhiệm vụ “quốc kế dân sinh”.
Hiện tại, cây cầu đang có biểu hiện xuống cấp. Ông nói: “Nếu cầu còn làm nhiệm vụ cho phương tiện giao thông đi lại thì việc bảo đảm an toàn người dân là điều tối quan trọng”.
Ông Long cũng cho rằng, các ý kiến trái chiều nhau về số phận cầu Long Biên thời gian qua là minh chứng thực tế giữa việc làm sao vừa bảo tồn vừa đáp ứng nhiệm vụ phát triển.